Thanh tra bỏ tôm bắt tép

Thanh tra bỏ tôm bắt tép
TP - Các cuộc thanh tra tại Cty Phát triển - Kinh doanh Nhà TP Cần Thơ (Cty PT-KDN) thời gian gần đây bị xem là việc nhỏ thì bắt bẻ còn việc lớn lại cho qua.
Thanh tra bỏ tôm bắt tép ảnh 1
Các chung cư ở khu dân cư 91B do Cty đầu tư xây dựng. Ảnh: Sáu Nghệ

Để đầu tư các dự án và chung cư cao tầng, cần khoảng 600 tỷ đồng, Cty PT-KDN phải huy động vốn từ nhiều nguồn, bằng nhiều hình thức. Có rất nhiều hợp đồng vay mượn, mua bán. Tất cả không phát sinh tranh chấp, khiếu nại.

Thanh tra bắt lỗi một số hợp đồng kinh tế và đưa ra những yêu cầu chấn chỉnh khó thực hiện. Chẳng hạn, có hai hợp đồng kinh tế làm lợi cho Cty (PT-KDN) được thanh lý từ lâu nhưng thanh tra yêu cầu thu hồi. Hai hợp đồng này, Cty PT-KDN giải trình là ký đúng quy định, thanh tra cho rằng chưa đúng.

Việc sang nhượng một số diện tích đất với giá cao, cả hai bên đều căn cứ Luật Đất đai và Luật Kinh doanh Bất động sản. Cty PT-KDN cho rằng họ làm đúng, còn thanh tra kết luận Cty sai.

Dĩ nhiên, khi bên mua hoàn toàn chấp thuận việc này không chỉ có lợi cho Cty PT-KDN mà còn có lợi cho Nhà nước vì nộp thuế cao. Khi tiến hành, Cty PT-KDN làm theo hướng dẫn của một số cơ quan chức năng.

Có khoản doanh thu hơn 42 tỷ đồng, Cty PT-KDN đưa vào hạch toán và nộp thuế năm 2007. Cục Thuế Cần Thơ trong Công văn ngày 1/12/2008 khẳng định: "Hạch toán doanh thu trong kỳ khai thuế, báo cáo quyết toán thuế năm 2007 là đúng với quy định của Luật thuế GTGT và Luật thuế Thu nhập Doanh nghiệp". Kết luận thanh tra lại cho rằng sai và yêu cầu xuất toán, đưa vào hạch toán năm sau.

Việc hợp đồng khai thác vốn ở các ngân hàng và đối tác kinh doanh, có lợi cho Cty PT-KDN, không gây thiệt hại cho các bên, cũng bị kết luận thanh tra bắt bẻ câu chữ, tình tiết.

Bỏ qua việc lớn

Đó là việc Cty PT-KDN lập "quỹ đời sống của công đoàn" với số tiền 952.683.780 đồng, từ năm 2005 đến năm 2007. Quỹ này Cty để ngoài hệ thống sổ sách quy định, có kế toán, thủ quỹ riêng và được chi gần hết.

Đến ngày 2/11/2007, quỹ chỉ còn 152.310.500 đồng. Và cũng đến lúc này, phần tiền còn lại mới nộp vào sổ sách kế toán của Cty. Kết luận thanh tra cho rằng, Cty PT-KDN "đã chi chung cho CBCNV nên tạm chấp nhận".

PV Tiền Phong phát hiện ở Cty PT-KDN có những khoản tiền lớn có dấu hiệu thất thoát. Chẳng hạn, Cty thanh lý một chiếc xà lan cần cẩu trị giá gần một tỷ đồng không đúng trình tự thủ tục.

Lại có 6.185.919.605 đồng nợ phải thu mà hầu hết không còn chứng từ gốc, không rõ địa chỉ thu. Trong số này, có gần 2,5 tỷ đồng dùng mua quà tặng, hỗ trợ du lịch, chi lễ tết, khen thưởng… khá mơ hồ, Cty PT-KDN dự kiến sẽ dùng tiền lãi các năm sau đắp vào nhưng, đến nay, vẫn treo. Công nợ phải trả của Cty PT-KDN là 13,8 tỷ đồng, một số cũng không còn chứng từ gốc.

Công nợ phải thu và phải trả đều phát sinh từ năm 2004 trở về trước, đang được gọi là "nợ chậm luân chuyển". Các khoản nợ này phát sinh như thế nào, có thực chất và đúng quy định hay không?

Đó là những vấn đề lớn cần làm rõ để bảo vệ tài sản của nhà nước ở một DNNN. Còn nghiệp vụ kinh doanh cụ thể, theo bà Vũ Thị Cánh, Phó Giám đốc Sở Tài chính Cần Thơ: "Doanh nghiệp được tự chủ trong hoạt động sản xuất kinh doanh".

MỚI - NÓNG