Thanh tra Chính phủ: 'Tham nhũng vặt' chưa được ngăn chặn hiệu quả

Thanh tra Chính phủ báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018
Thanh tra Chính phủ báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018
TPO - Thanh tra Chính phủ cho rằng, tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc (“tham nhũng vặt”) chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị còn nhiều hạn chế, yếu kém.

Chiều 5/9, báo cáo tại phiên họp toàn thể lần thứ 11 của Uỷ ban Tư pháp về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2018, Thanh tra Chính phủ cho biết: Số người đã kê khai, công khai tài sản, thu nhập đạt tỷ lệ 99,8%; có 44 người được xác minh tài sản, thu nhập, phát hiện 6 trường hợp vi phạm. Đã xử lý kỷ luật 4 trường hợp, kiểm điểm 1 trường hợp, đang xem xét xử lý kỷ luật 1 trường hợp.

Các bộ, ngành, địa phương quán triệt và thực hiện chủ trương nghiêm cấm tặng quà cho cấp trên. Năm 2018, đã có 24 trường hợp nộp lại quà tặng với tổng giá trị là 421 triệu đồng. Qua kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp tại 4.599 cơ quan, tổ chức, đơn vị, đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các sai phạm, trong đó số cán bộ, công chức vi phạm bị xử lý là 92 người.

Cũng trong năm 2018, có 29 người đứng đầu đã bị xử lý hoặc đang được xem xét để xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó 5 người bị xử lý hình sự, 21 người đã bị xử lý kỷ luật, 3 người đang thực hiện quy trình xử lý kỷ luật.

Thanh tra Chính phủ dự báo trong thời gian tới, tham nhũng từng bước được kiềm chế và thuyên giảm, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước trong công tác PCTN.

Cũng theo Thanh tra Chính phủ, công tác tổ chức, cán bộ và quản lý cán bộ để PCTN vẫn còn hạn chế. Một số bộ, ngành, địa phương còn có tình trạng bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo quản lý còn nhiều trường hợp thiếu điều kiện, tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực; bố trí người thân vào vị trí việc làm hoặc để người thân kinh doanh trong phạm vi quản lý, vi phạm quy định pháp luật về PCTN. Chưa có quy định và thiếu kiên quyết điều chuyển, thay thế cán bộ khi có dư luận hoặc có biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, uy tín thấp.

Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng chưa phát huy toàn diện. Một số biện pháp hiệu quả thấp. Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, chuyển đổi vị trí công tác, kiểm soát tài sản, thu nhập, tặng quà, nhận quà còn nhiều hạn chế, vướng mắc. Một số nơi, người đứng đầu chưa quan tâm thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về công khai, minh bạch, cung cấp thông tin trong hoạt động các cơ quan, tổ chức, đơn vị và trách nhiệm giải trình trong hoạt động công vụ.

Đáng lưu ý, tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc (“tham nhũng vặt”) chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị còn nhiều hạn chế, yếu kém. Hoạt động thanh tra, kiểm toán phát hiện nhiều sai phạm kinh tế, nhưng việc phát hiện tham nhũng để chuyển cơ quan điều tra xử lý theo quy định pháp luật vẫn còn ít, chậm trễ.

Thanh tra Chính phủ kiến nghị tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, tập trung vào các dự án đầu tư lớn của các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước; quản lý sử dụng đất đai; đầu tư theo hình thức BT, BOT; cổ phần hóa, thoái vốn, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước… Khẩn trương kết luận thanh tra, xử lý nghiêm sai phạm đối với các dự án gây thất thoát, thua lỗ kéo dài, dư luận xã hội quan tâm.

Tại buổi làm việc, nhóm PCTN của Uỷ ban Tư pháp cho biết, trong thời gian qua, nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, gây thất thoát lớn tài sản của Nhà nước, nhiều vụ việc vi phạm liên quan đến cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, sĩ quan cấp cao trong Cồng an, Quân đội, kể cả cán bộ đã về hưu...bị phát hiện và xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật đã tạo sự đồng thuận và củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước.

Báo cáo của Chính phủ được chuẩn bị nghiêm túc, đã phản ánh, đánh giá khái quát những kết quả đạt được trong công tác PCTN, nêu ra những hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân đồng thời đã đưa ra một số kiến nghị, giải pháp khắc phục. Tuy nhiên, đối với một số mặt công tác PCTN, báo cáo chưa mới chỉ nêu ra một số cơ quan, đơn vị, địa phương làm tốt mà chưa nêu được cơ quan, đơn vị, địa phương nào làm chưa tốt; số liệu về thiệt hại do tham nhũng gây ra được phát hiện qua hoạt động thanh tra, kiểm toán vẫn chưa được tách bạch rõ ràng; một số hạn chế tồn tại qua nhiều năm nhưng Chính phủ vẫn chưa đưa ra được những giải pháp mang tính đột phá để khắc phục.

Nhóm nghiên cứu đề nghị tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật, tạo hành lang pháp lý hoàn chỉnh, đồng bộ, bảo đảm công tác PCTN có hiệu lực, hiệu quả. Ban hành Luật PCTN (sừa đổi) và các văn bản quy định chi tiết thi hành để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong công tác PCTN, trong đó chú trọng hoàn thiện các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, về trách nhiệm giải trình và việc kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, hạn chế sự tác động tiêu cực của hình thức “lợi ích nhóm”, “sân sau”.

MỚI - NÓNG