Thanh tra giao thông, anh là ai - Bài cuối: Cùng cực, DN phải tố thanh tra

Xe khách trá hình hoạt động công khai trên đường Đại Cồ Việt - Hà Nội. Ảnh: Bảo An.
Xe khách trá hình hoạt động công khai trên đường Đại Cồ Việt - Hà Nội. Ảnh: Bảo An.
TP - Dư luận nói nhiều về doanh nghiệp đóng “hụi chết” (một dạng tiền bảo kê) cho thanh tra giao thông (TTGT). Tuy nhiên, chỉ tới khi 3 TTGT TP Cần Thơ bị bắt quả tang nhận 3,5 tỷ đồng “hụi chết”, người ta mới hiểu vì sao tại một số địa phương, lực lượng này có cũng như không.

Tố chính danh

Sở GTVT TPHCM vừa cho biết, đã quyết định lập tổ xác minh đơn tố cáo đích danh ông Trương Vĩnh Phát, nguyên Chánh Thanh tra Sở GTVT TPHCM (vừa được chuyển sang làm Trưởng phòng Tổ chức của sở này). Có lẽ, lần đầu tiên, có một doanh nghiệp dũng cảm dám tố cáo trực diện lãnh đạo thanh tra. Theo đó, nội dung tố cáo ông Phát sẽ được Sở GTVT TPHCM làm rõ gồm: Nghi vấn nhũng nhiễu doanh nghiệp; Dung túng cho xe hợp đồng hoạt động như xe khách tuyến cố định. Thời hạn xác minh nội dung tố cáo là 45 ngày làm việc.

Đây có thể coi là động thái miễn cưỡng của Sở GTVT trước sự việc hi hữu này. Trước đó, Cty Phương Trang gửi đơn tố cáo nhưng bị sở này từ chối với lý do: Đứng đơn tố cáo là cá nhân; Tổ chức không được phép thực hiện. Sau đó, cá nhân lãnh đạo Phương Trang trực tiếp đứng ra tố cáo ông Phát. Đồng thời, lãnh đạo công ty này còn viết thêm đơn đề nghị làm rõ những hành vi tương tự như ông Phát với 2 ông Lê Hồng Việt (Phó Chánh thanh tra Sở GTVT TPHCM) và ông Lê Hoàng Minh (Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM).

Như Tiền Phong nhiều lần phản ánh, xe trá hình tại TPHCM trong những năm qua hoạt động như chốn không người, gây mất trật tự ATGT; phá vỡ môi trường kinh doanh chân chính. Nghịch lý thay, đơn vị dũng cảm tố cáo lãnh đạo đạo TTGT (là Cty Phương Trang, chính vì liên tục phản ánh về tình trạng xe hợp đồng trá hình) nên đã bị gây khó dễ.

Tương tự tại Hà Nội, hiện tượng xe khách hoạt động tuyến cố định dưới danh nghĩa xe hợp đồng hoạt động công khai. Tại các tuyến phố lớn của Hà Nội (như Giải Phóng, Đại Cồ Việt, Phạm Hùng, Nguyễn Khoái...), các xe trá hình vẫn ngang nhiên tồn tại. Thậm chí, xe trá hình đã len lỏi cả vào khu vực Hồ Gươm nhưng lực lượng TTGT Thủ đô vẫn như vô cảm.

Ai cũng hiểu...

Trong cuộc họp mới đây, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia nhận định: Tình hình ATGT vẫn phức tạp, gây bức xúc dư luận có nguyên nhân “hàng đầu” từ việc một bộ phận cán bộ thực thi nhiệm vụ tiêu cực, không trong sạch.

Riêng về việc xử lý xe trá hình, chuyên gia giao thông Phạm Sanh cho rằng: Việc nhận diện xe hợp đồng trá hình dễ đến mức, người dân không có chuyên môn cũng làm được. “Không có xe hợp đồng ngày nào cũng chạy theo một lộ trình cố định cả. Thử mua vé, đặt chỗ là biết ngay xe trá hình hay không. Tiếc rằng, ai cũng biết nhưng chỉ riêng thanh tra không biết” - TS Sanh nêu.

Theo ông Sanh, vấn đề chính là lực lượng chức năng đang dung túng cho xe trá hình, bến lậu. Cũng theo ông Sanh, việc dung túng cho xe trá hình hoạt động, không chỉ một cá nhân thực hiện mà phải được sự thống nhất của nhiều người. “Chính quyền TPHCM, Hà Nội và các tỉnh thành có xe trá hình cần xem lại trách nhiệm của tập thể TTGT, thậm chỉ cả các lãnh đạo Sở GTVT” - TS Phạm Sanh nói.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hiền, Phó Chánh Thanh tra Bộ GTVT khẳng định: Căn cứ Luật Giao thông đường bộ, các nghị định của Chính phủ, TTGT có trách nhiệm xử lý các vi phạm đối với xe chở khách theo hợp đồng. Cụ thể, các xe hợp đồng có thể bị TTGT xử lý các hành vi như: Vận chuyển hành khách theo hợp đồng không có danh sách, hợp đồng vận chuyển; bán vé cho hành khách; đón trả khách không đúng nơi quy định...

Trao đổi với PV Tiền Phong, một cán bộ có trách nhiệm thuộc Tổng cục Đường bộ cho biết: Để xử lý triệt để, Tổng cục đề nghị các quy định đánh vào bản chất như: Không cho phép xe hợp đồng chạy theo một lộ trình lặp lại, không cho đón khách liên tục tại một điểm (như văn phòng, bãi xe của doanh nghiệp)... nhưng không được đưa vào dự thảo sửa đổi nghị định quản lý vận tải (do Vụ Vận tải Bộ GTVT chủ trì lấy ý kiến). “Chúng tôi muốn dẹp bằng được loại xe trá hình này. Có nhiều giải pháp, nhiều người có trách nhiệm; nhưng quan trọng nhất, lãnh đạo Bộ nhiệm kỳ này có quyết tâm để xử lý vấn đề này hay không” - vị này nói.

Trong văn bản gửi Sở GTVT TPHCM vào đầu tháng 7 vừa qua, Cty TNHH Vận tải TPHCM đề cập chi tiết: Gia đình ông Lê Vĩnh Phát (lúc đó là Chánh Thanh tra Sở GTVT TPHCM) có 4 chiếc xe tham gia liên kết chạy xe buýt cùng công ty này. Tiền Phong đã chuyển thông tin này đến ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TPHCM để làm rõ. Ngày 16/8, một lãnh đạo Sở GTVT TPHCM cho hay, sự việc này đang được giao cho Ủy ban Kiểm tra của Đảng ủy Sở GTVT xác minh. 

MỚI - NÓNG