Thanh tra việc cấp phép nhập khẩu, đăng ký thuốc của Bộ Y tế

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu thanh tra toàn diện việc cấp phép nhập khẩu thuốc ở Bộ Y tế. Ảnh: Q.H.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu thanh tra toàn diện việc cấp phép nhập khẩu thuốc ở Bộ Y tế. Ảnh: Q.H.
TP - Liên quan vụ việc xảy ra tại Công ty Dược VN Pharma, tại phiên họp Chính phủ Thường kỳ tháng 8 (ngày 30/8), lãnh đạo Chính phủ yêu cầu xử lý nghiêm mọi vi phạm, làm rõ mọi góc khuất. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Thanh tra Chính phủ thanh tra toàn diện việc cấp phép của Bộ Y tế.

Đề cập vụ Công ty VN Pharma, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, mặc dù vụ việc đang được các cơ quan bảo vệ pháp luật thụ lý giải quyết nhưng dư luận xã hội đặc biệt quan tâm và có nhiều ý kiến rất bức xúc. Vì vậy, vụ việc cần được chỉ đạo xử lý nghiêm minh mọi vi phạm, làm rõ mọi góc khuất.

Làm rõ mọi góc khuất, xử lý nghiêm minh

“Tôi đã chỉ đạo Văn phòng Chính phủ có văn bản yêu cầu Bộ Y tế báo cáo về trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ. Hôm nay, tôi đã nhận được báo cáo. Nội dung cơ bản như thông cáo báo chí của Bộ. Tôi đã có ý kiến: Cần thanh tra việc cấp phép nhập khẩu, cấp đăng ký thuốc của Bộ Y tế. Mặt khác đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ các vấn đề dư luận quan tâm. Tinh thần là phải hết sức nghiêm minh và công khai”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Kết luận nội dung trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Thanh tra Chính phủ thanh tra việc cấp phép của Bộ Y tế. Việc này phải thực hiện nghiêm túc, vì đây là vấn đề liên quan tới sức khỏe của nhân dân. Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho rằng, việc Thủ tướng giao Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra toàn diện việc nhập khẩu, đăng ký thuốc của Bộ Y tế là nhằm công khai, minh bạch, rõ ràng trước nhân dân. “Không phải riêng lô thuốc trị bệnh ung thư giả mà báo chí, dư luận quan tâm mà còn là vấn đề nhập khẩu thuốc. Quan điểm của Thủ tướng là cương quyết kiểm tra, làm rõ sự thật và không loại trừ bất cứ trường hợp nào như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói là “không có vùng cấm”. Đây là vấn đề người dân rất quan tâm, vì nó gây mất niềm tin rất lớn đối với người dân”, ông Mai Tiến Dũng nói.

Trả lời câu hỏi của báo chí về thuốc H-Capita cũng như thông tin “em chồng Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến làm ở VN Pharma”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho hay, việc thuốc H-Capita có phải là thuốc giả hay thuốc kém chất lượng đã có kết luận giám định. Bộ Y tế khẳng định đây không phải là thuốc giả theo đúng quy định của Luật Dược. Riêng về em chồng của Bộ trưởng, Thứ trưởng Bộ Y tế nói: “Bộ trưởng không nói chứ không phải là nói không có”.

Đối với việc xử lý cán bộ của Cục Quản lý dược, ông Tiến cho rằng, đơn vị đã “phát hiện” và “phối hợp với cơ quan điều tra” làm rõ vụ việc. Nhờ đó, mà không có viên thuốc nào kém chất lượng đưa ra thị trường. Tuy nhiên, những người có thiếu sót cũng đã thuyên chuyển công tác.

“Bán gà còn lâu hơn nuôi gà”

Đề cập tình hình kinh tế, xã hội, Thủ tướng cho rằng còn một số tồn tại, yếu kém cần tập trung khắc phục như giải ngân vốn đầu tư, tiêu thụ sản phẩm, nhiều doanh nghiệp khó khăn…Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận một số vấn đề, trước hết là về phát triển kinh tế. Thủ tướng cũng cho rằng, dù các cấp, các ngành đã tập trung cải cách thủ tục hành chính, nhưng “giấy phép con, giấy phép cháu vẫn còn nhiều”.

“Nhiều doanh nghiệp phản ánh chu kỳ sản phẩm sản xuất ra đã vất vả rồi nhưng thủ tục để đưa vào tiêu thụ, xuất khẩu còn phức tạp hơn. Có ý kiến nói rằng nuôi gà chỉ mất 40 ngày nhưng thủ tục để tiêu thụ gà, xuất khẩu gà thì còn phức tạp, dài ngày hơn nuôi gà”, Thủ tướng nói và yêu cầu tập trung tháo gỡ thủ tục, nhất là xử lý giải quyết giấy phép con.

Ngoài ra, chi phí kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu còn lớn, với tỷ lệ lô hàng kiểm tra chuyên ngành lên tới 30%. Mục tiêu đặt ra là phải giảm còn 15% nhưng một số bộ, ngành chuyển biến còn chậm. “Vấn đề này cũng cần đặt ra để chúng ta thảo luận”, Thủ tướng nói. Việc cải cách thủ tục hành chính dù đã đề cập rất quyết liệt nhưng mới giảm được một phần, còn nhiều phần, nhiều ngành, đơn vị chưa chuyển biến.

Thủ tướng cũng cho rằng, gánh nặng thuế, phí đối với doanh nghiệp còn lớn, một số phí như BOT còn cao, đặt trạm thu phí còn bất hợp lý, gây bức xúc. Theo thống kê, phí vận tải doanh nghiệp phải đóng lên tới 70 loại. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phải tập trung tháo gỡ; Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải lưu ý các quy định hiện hành về phí BOT để có giải pháp giải quyết, tạo điều kiện cho sự phát triển của doanh nghiệp. Thủ tướng cũng yêu cầu nghiên cứu cắt giảm 2.000 điều kiện kinh doanh.

Người phát ngôn Chính phủ nói về vụ ông Trịnh Vĩnh Bình kiện đòi bồi thường

Trả lời câu hỏi của báo chí về quan điểm và phản ứng của Chính phủ trước vụ việc ông Trịnh Vĩnh Bình, một người Hà Lan gốc Việt kiện đòi bồi thường 1,25 tỷ USD, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói: “Quan điểm của Chính phủ, của Thủ tướng là tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch cả với doanh nghiệp trong và ngoài nước. Hiện vụ việc này tòa án quốc tế đang xem xét. Theo các nguyên tắc về bảo hộ, khi có vấn đề tranh chấp vi phạm thoả thuận của một địa phương nào đó với nhà đầu tư nước ngoài thì họ không kiện địa phương mà kiện Chính phủ. Quan điểm của Thủ tướng là chúng ta tạo môi trường minh bạch, tạo niềm tin đối với nhà đầu tư nước ngoài”.

Đang làm rõ vụ mất hồ sơ bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh

Liên quan đến vụ việc mất hồ sơ bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh và xem xét xử lý, kỷ luật cán bộ cung cấp thông tin cho báo chí, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết: Trong quá trình kiểm tra của các cơ quan chức năng ở Bộ Nội vụ thì cũng có nội dung liên quan đến hồ sơ Trịnh Xuân Thanh. Việc quản lý hồ sơ theo quy định của Luật Công chức. Hiện Bộ Công an đang điều tra việc mất hồ sơ cũng như các quy định trong việc cung cấp thông tin cho báo chí. Hiện nay chưa có kết luận cụ thể do đó phải đợi kết luận của cơ quan có thẩm quyền. “Việc mất hồ sơ, ai làm thất thoát, thất lạc, cũng như thẩm quyền cung cấp thông tin cho báo chí có đúng không sẽ được làm rõ theo quy định của pháp luật”, ông Thăng nói.

MỚI - NÓNG