'Thánh vật ở sông Tô Lịch': Đâu là sự thực?

'Thánh vật ở sông Tô Lịch': Đâu là sự thực?
TP - Những ngày gần đây tại Hà Nội, ở đâu cũng bắt gặp cảnh người dân hiếu kỳ chuyền nhau đọc báo lẫn tờ phô tô có đăng bài “Thánh vật ở sông Tô Lịch”. Tôi may mắn nắm  được khá nhiều thông tin liên quan đến “sự cố” sông Tô Lịch ngay từ đầu. Vậy đâu là sự thực?

>> Ông Dương Trung Quốc nói về 'Thánh vật' ở sông Tô Lịch  

'Thánh vật ở sông Tô Lịch': Đâu là sự thực? ảnh 1
Đền Quán Đôi gần đoạn sông Tô Lịch, nơi xảy ra những sự việc được coi là “Thánh vật”- Ảnh: Hồng Vĩnh

Đó là vào quãng thượng tuần tháng 11/2001, ông Nguyễn Hùng Cường, Đội trưởng Đội thi công 12 thuộc dự án VIC, đơn vị thi công xây dựng tuyến kè sông Tô Lịch gọi điện báo: “Chỗ anh đang thi công phát hiện được nhiều cổ vật, chú xuống xem”.

Tôi là phóng viên đầu tiên được ông Cường thông tin vụ việc này.

Khoảng mấy phút sau, tôi có mặt tại khúc sông Tô Lịch, đoạn đối diện giữa đường Bưởi. Đến nơi, tôi thấy một nửa chiếc máy cẩu xúc bùn nằm bên bờ, một nửa dưới sông.

Đoạn sông này nước vẫn đen ngòm, xung quanh đã được đội thi công cho đóng cọc tre bao để không cho nước vào.

Mấy chiếc tiểu sành, sứ và một vài hiện vật như bát bị sứt, mẻ, vỡ, xương răng động vật được công nhân lấy lên xếp vội trên bờ. Còn những bộ di cốt do máy xúc lấy lên đã được đội thi công đưa đi chôn cất gần đấy (Mãi sau này họ mới đưa lên Bất Bạt).

Cách gần 100 m nơi phát hiện là khu lán xập xệ của đội 12.

Đúng ra, theo luật định, trong quá trình thi công, nếu đơn vị phát hiện hiện vật thì phải giữ nguyên hiện trường, hiện vật và báo với cơ quan chức năng nơi gần nhất để xem xét, xử lý nhưng họ đã làm ngược lại.

Có nghĩa là hiện trường đã bị xáo trộn, hiện vật đã bị mang đi gần hết chỉ còn lại mấy cái tiểu sành, liễn sành, bát vỡ và xương răng động vật.

Sau khi quan sát kỹ hiện trường, trao đổi với những người trực tiếp tham gia thi công đoạn kè này trong đó có ông Nguyễn Hùng Cường, tôi đã viết bài phản ánh phát hiện di vật, cổ vật tại sông Tô Lịch và đề nghị chính quyền và cơ quan chuyên môn vào cuộc.

Bài viết đó đã được đăng trên Tiền phong, và báo Tiền phong là cơ quan báo chí đầu tiên khi đó phản ánh việc này tiếp đến là báo Gia đình&Xã hội, Đời sống & Pháp Luật, Văn hóa

Qua theo dõi vụ việc, người viết nhận thấy, thời gian đó những cơ quan báo chí này phản ánh sự việc khá nghiêm túc, thậm chí có tờ báo đứng ra tổ chức cuộc tọa đàm với sự tham gia của một số nhà chuyên môn.

Chỉ một thời gian ngắn sau, sự việc đi vào yên lặng. Về sau, tức sự việc ở sông Tô Lịch đã có độ lùi khoảng một, hai năm thì tôi được ông Nguyễn Hùng Cường cho biết những chuyện xảy ra đối với một số cá nhân trong đội 12, và một số người liên quan.

Những chuyện đó đã được ông Cường viết trên báo trong những ngày gần đây. Thời điểm đó, vì không có cơ sở để kiểm chứng hơn nữa lời kể có vẻ mang tính hoang đường nên tôi đã không tiếp tục phản ánh.

Ngay sau khi báo Tiền phong đăng bài phát hiện hiện vật ở sông Tô Lịch, một số nhà khoa học đã đến hiện trường.  Dựa trên những lời kể của công nhân đội 12 cộng với hiện trường bị xáo trộn và hiện vật bị phân tán nên khi đó các nhà khoa học này chưa thể đưa ra nhận định.

'Thánh vật ở sông Tô Lịch': Đâu là sự thực? ảnh 2
Bài viết về việc “Thánh vật ở sông Tô Lịch” đăng trên báo Bảo vệ pháp luật cuối tuần

Một thời gian ngắn sau đó, Bảo tàng Hà Nội đã mời một số nhà khoa học lịch sử, khảo cổ đến hiện trường xem xét. Cuộc hội thảo “đầu bờ” diễn ra. Đó là ngày 22/12/2001.

Các nhà khoa học tham dự bao gồm: GS Trần Quốc Vượng, PGS TS Đỗ Văn Ninh, TS Phạm Quốc Quân (Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam), TS Vũ Quốc Hiền (Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam);

TS Ngô Thế Phong (chuyên gia khảo cổ học Bảo tàng Lịch sử Việt Nam), Nhà khảo cổ Phạm Như Hồ (Trưởng phòng Khảo cổ học lịch sử, Viện Khảo cổ học Việt Nam), TS Bùi Văn Liêm (chuyên gia khảo cổ học, Viện Khảo cổ học Việt Nam).

Về phía cơ quan hữu quan của Hà Nội có ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Giám đốc Sở VH-TT, TS khảo cổ Nguyễn Thị Dơn, Phó ban quản lý di tích Hỏa Lò, TS Đặng Kim Ngọc, Giám đốc Bảo tàng Hà Nội, đại diện Ban quản lý Di tích danh thắng, Phòng VH-TT quận Cầu Giấy, UBND phường Nghĩa Đô…

Sở dĩ liệt kê danh sách dài như vậy vì để thấy rằng, tuy là cuộc hội thảo khoa học “đầu bờ” nhưng đã có sự hiện diện của những chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành về lịch sử, khảo cổ nhằm đưa ra những nhận định mang tính khoa học chứ không phải giải thích sự huyền bí như có tờ báo đã phản ánh.

Cũng trong cuộc hội thảo này có GS.TS Nguyễn Trường Tiến, Chủ tịch HĐQT Tổng Cty Liên doanh xây dựng VIC, ông Nguyễn Văn Cường, Phó tổng giám đốc Cty VIC, ông Nguyễn Hùng Cường và ông Trần Mạnh Linh, Bộ GT-VT.

Cuộc hội thảo “đầu bờ” đã được ghi thành biên bản với 11 chữ ký và sáu con dấu đỏ, thể hiện sự nghiêm túc trong khoa học.

Sau khi các nhà khoa học, các chuyên gia cùng những người có mặt đi xem xét, khảo sát hiện trường và một số điểm xung quanh, cuộc họp bắt đầu từ 10 giờ 30.

Mở đầu, ông Đặng Kim Ngọc, Giám đốc Bảo tàng thông báo nội dung, tiếp đến ông Nguyễn Hùng Cường kể lại quá trình phát hiện ở đoạn sông Tô Lịch.

Sau đây, chúng tôi ghi lại một số ý kiến của một số nhà khoa học và người trong cuộc từ biên bản cuộc họp để bạn đọc nhận biết:

'Thánh vật ở sông Tô Lịch': Đâu là sự thực? ảnh 3
Rất đông người dân kéo đến Đền Quán Đôi - Ảnh: Hồng Vĩnh

Ông Nguyễn Hùng Cường:

Trong quá trình nạo vét và kè sông Tô Lịch đoạn thuộc địa phận phường Nghĩa Đô thì vào ngày 24/9/2001, đội 12 chịu trách nhiệm thi công đã gặp hiện tượng:

Sau khi đào qua lớp bùn khoảng 40-50cm thì gặp một lớp cát xốp, đồng thời làm xuất lộ 3 cọc gỗ, 3 âu, 2 liễn.

Thấy đây là hiện tượng lạ đồng thời thu nhặt những hiện vật tiền đồng, bát gốm, gạch, dao sắt… cùng một loạt xương. Theo phân loại có 4 bộ xương người và xương động vật.

Đến ngày 4/10/2001 âm lịch, trong khi tiếp tục làm gặp thêm một số cọc gỗ, xen giữa các cọc có một liễn sành. Cho đến trước khi có cuộc họp thì đội đã thu được 7 bộ xương người và đã tìm thấy bộ thứ 8, nằm ở vị trí cách đó khoảng 70-90cm về phía dốc Bưởi.

Đội thi công đã đào lên được một số hiện vật như liễn sành, bát gốm… Những người có trách nhiệm đã cho gửi thông báo đến một số cơ quan chức năng.

GS Trần Quốc Vượng: Giả thiết chúng ta đang ở vào vị trí cửa phía Tây của La Thành mà cổng phía Tây của Hoàng thành… Trước đây, cổng Hoàng thành ngoài lính còn có thần trấn giữ 4 cửa (Thăng Long tứ trấn) và có yểm bùa hay còn làm lễ hiến sinh.

Như vậy, đây là cổng thành phía Tây của La Thành. Ngoài ra, nhìn một cách tổng quát về niên đại của khu vực thông qua tính tương đối nhất giữa niên đại của tiền và đại đa số đồ gốm: bát, hòn kê… cho thấy niên đại của địa điểm này trong khoảng thế kỷ XI cho đến đầu XIV. Niên đại thuộc vào thời Lý-Trần hay thời Tống của Trung Quốc…

PGS.TS Đỗ Văn Ninh: Tôi nhất trí với những ý kiến của GS Trần Quốc Vượng và nói thêm, đây là một trong 6 “ủng môn” còn sót lại duy nhất, khá rõ nét, đáng tin cậy để nghiên cứu về những ủng thành khác đã được nhắc và ghi lại trong một số bản đồ cổ.

Coi hiện tượng này là một hiện tượng trấn yểm mà bất kỳ công trình xây dựng nào cũng phải có lễ trấn yểm, động thổ đặc biệt là đối với một vị trí quan trọng như cổng phía Tây La Thành.

Cũng xin được thông tin thêm rằng, sau cuộc họp này, đơn vị thi công vẫn tiến hành xây kè sông Tô Lịch một cách bình thường và đã hoàn thành như hiện nay.

Trong khoảng thời gian làm tiếp đó, không biết xuất phát từ điều gì mà Đội 12 mời nhiều thầy cúng về lập đàn cúng tế.

Việc làm này cơ quan chức năng không hề biết. Thời gian vẫn cứ trôi đi, sự kiện phát hiện hiện vật ở sông Tô Lịch cũng mờ dần và dường như không ai để ý nữa, báo chí cũng không còn phản ánh.

Thi thoảng, năm tháng hay một năm, ông Cường lại gọi điện cho người viết thông báo chuyện xảy ra này, khác đối với một số người liên quan.

Xong công việc xây kè ở sông Tô Lịch, nghe nói ông Cường sang Lào thi công cho một công trình nào đó.

Và gần đây nhất, khi em gái ông Cường dính vào vòng lao lý trong vụ Cty Bảo hiểm Pjico ở Sài Gòn phải ra hầu tòa nên ông Cường đã nghĩ rằng vì chuyện “ngày xưa” mới gây nên cơ sự mà viết lại nhưng câu chuyện của cái gọi là “thánh vật” chăng?

TS Phạm Quốc Quân:

Vấn đề được đặt ra là cần có sự kết hợp giữa Bảo tàng Hà Nội và Bảo tàng Lịch sử xem xét, chỉnh lý khoa học hiện vật. Đồng thời cần kết hợp giữa kinh tế và khoa học, khảo sát theo dõi công trường, đào thám sát nhỏ để đánh giá đúng giá trị của di tích này.

Nhà khảo cổ Phạm Như Hồ: Tôi nhất trí với những ý kiến trên. Tuy nhiên, vấn đề trước mắt là phải tiến hành khai quật tại địa điểm hiện đang nằm dưới lòng sông. Bởi vì, chỉ có như thế mới có những cơ sở kết luận xác đáng được.

GS Trần Quốc Vượng: Hiện tượng có dải cát dài khoảng 200m khác hẳn so với những đoạn sông khác có thể là vào thời Lý do sự hợp lưu của sông Tô và sông Nhuệ đã làm đổi dòng chảy của sông Tô và vị trí chúng ta đang ngồi đây có thể là nơi mà con sông Tô đổi dòng.

Vì vậy, đã tạo cho địa tầng nơi đây bị tụ cát thành một dải như vậy. Sự trùng hợp ngẫu nhiên giữa hiện tượng sông Tô bị lở do đổi dòng và mắt nhà vua bị đau đã tạo nên một lễ trấn yểm, trong đó có những bộ xương người cùng những hiện vật khác chăng (?).

Cuối cùng, cuộc họp đi đến kết luận: Đề nghị giữ lại ủng thành (đấu đong) dấu tích của di tích liên quan đến thành Đại La. Đề nghị xem xét xếp hạng di tích và giải quyết xâm phạm;

Không tiến hành những hố thám sát khảo cổ trong khu vực hiện đang thi công (nơi có phát hiện khảo cổ);

Trong thời gian thi công tiếp theo nếu phát hiện ra hiện vật khảo cổ mới, Bảo tàng Hà Nội và các đơn vị có liên quan cử người theo dõi và thu giữ đưa về Bảo tàng.

Được biết, sau cuộc hội thảo “đầu bờ” hôm đó, dường như cơ quan chức năng và các chuyên gia, nhà khoa học không còn quan tâm nhiều lắm. Có lẽ, họ nghĩ rằng đây là vấn đề cần được nghiên cứu dài dài về sau.

Mọi chuyện tưởng đã khép lại từ lâu thì tự nhiên có tờ báo đăng tải lại những câu chuyện huyền bí có liên quan đến khúc sông Tô Lịch gây hoang mang cho người dân như là sự “phát hiện” mới trong khoa học.

Nếu trở lại sự việc đó trên cơ sở lý giải bằng nghiên cứu khoa học thì chẳng nói làm gì, nhưng nó lại được thể hiện bằng những trải nghiệm cá nhân của người trong cuộc với những suy luận, gán ghép thiếu căn cứ.

Những tài liệu hiện vật hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Hà Nội cần được xem là một cơ sở để chúng ta tiếp tục nghiên cứu, chứ không thể đưa ra dư luận những câu chuyện huyền bí để làm rúng động dư luận như vậy.

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".