Dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội:

Tháo gỡ khó khăn để 'xốc' lại tiến độ thi công

Do được “xốc” lại thi công, tiến độ dự án đang được đẩy lên, riêng đoạn tuyến đi trên cao từ Nhổn về Cầu Giấy sẽ xong trong tháng 12/2018.
Do được “xốc” lại thi công, tiến độ dự án đang được đẩy lên, riêng đoạn tuyến đi trên cao từ Nhổn về Cầu Giấy sẽ xong trong tháng 12/2018.
TP - Ðường sắt đô thị (ÐSÐT) đoạn Nhổn - ga Hà Nội là dự án lần đầu tiên thành phố triển khai và cũng là dự án đầu tiên Ban Quản lý Ðường sắt đô thị Hà Nội (MRB) thực hiện. Thông tin về dự án thời gian vừa qua, ông Nguyễn Cao Minh, Trưởng ban quản lý MRB thẳng thắn nhìn nhận, dự án đã bị chậm kéo dài. Nhưng ông cũng chia sẻ, MRB đang nỗ lực “xốc” lại mọi thứ để tạo nên một hình ảnh mới cho dự án.

Vừa làm, vừa hoàn thiện thủ tục

Với sức chứa gần 20.000 lượt hành khách/ giờ trên cả hai chiều và được vận hành trên nền tảng đoàn tàu, công nghệ của Cộng hòa Pháp, sau khi đi vào hoạt động tuyến ĐSĐT Nhổn - ga Hà Nội được đánh giá sẽ làm thay đổi diện mạo giao thông công cộng (GTCC) Thủ đô. Do tốc độ đô thị hóa nhanh và sự bùng nổ của phương tiên cá nhân, việc UBND thành phố Hà Nội phê duyệt, cho triển khai dự án là một chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, sau khi khởi công vào năm 2010, dự án có tiến độ hoàn thành được điều chỉnh vào tháng 12/2018 nhưng đến nay khối lượng thi công mới đạt 41%. Trước tình thế trên, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo MRB yêu cầu Nhà thầu, Tư vấn lập điều chỉnh tiến độ tổng thể dự án, từ đó thành phố báo cáo Chính phủ kéo dài thời gian hoàn thành dự án sang năm 2022. Riêng tổng mức đầu tư vẫn giữ nguyên ở con số 1.176 triệu Euro theo phương án điều chỉnh của UBND thành phố năm 2013.

Trao đổi với phóng viên về sự việc trên, ông Nguyễn Cao Minh, Trưởng ban quản lý MRB không hề giấu giếm: dự án đã chậm trễ và bị kéo dài thời gian thi công. Lý giải về các nguyên nhân dẫn đến việc này, ông Minh cho biết, đây là một dự án lớn và công nghệ thi công, thiết bị hiện đại phức tạp, lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam. Theo ông Minh, trong các nguyên nhân trên có một số nguyên nhân cơ bản: Thứ nhất, năng lực và kinh nghiệm quản lý, thực hiện của chủ đầu tư còn hạn chế; Thứ hai, Tư vấn giám sát dự án là Công ty Systra (Pháp), tuy có nhiều kinh nghiệm về các dự án ĐSĐT nhưng do quy trình thủ tục ở Việt Nam phức tạp, dẫn đến tư vấn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc; Thứ ba, dự án phải giải phóng mặt bằng, di chuyển nhiều cây xanh, hạ tầng kỹ thuật... trên diện rộng nên tiến độ chậm; Thứ tư, kế hoạch bố trí vốn ODA hàng năm không đủ yêu cầu làm chậm trễ thanh toán chi phí cho nhà thầu dẫn đến chậm tiến độ thi công...

Giám đốc MRB cũng chia sẻ, kể từ khi về nhận nhiệm vụ tại MRB từ tháng 8/2016, ông đã yêu cầu rà soát thực trạng dự án, cũng như tất cả các tồn tại, khó khăn trên, từ đó từng bước đưa ra các giải pháp điều chỉnh, khắc phục. Với các nội dung liên quan đến quy trình, thủ tục Ban đã báo cáo, kiến nghị để lãnh đạo UBND thành phố tháo gỡ. “Tuy vẫn còn nhiều những khó khăn và dự án đang còn khối lượng công việc khá lớn nhưng đến nay, bằng các cơ chế linh động, MRB và UBND thành phố bước đầu đã có các giải pháp tháo gỡ. Riêng mặt bằng, với đoạn tuyến đi nổi từ Nhổn về Cầu Giấy, hiện không còn khó khăn gì và đang được gấp rút thi công; với đoạn tuyến đi ngầm từ Cầu Giấy về ga Hà Nội - vốn đang là phần việc nặng nhất của dự án hiện nay, vừa được các quận cam kết thúc đẩy GPMB nhanh ở phần cầu thang lên xuống, các giếng thông gió các ga ngầm", ông Minh thông tin.

Tháo gỡ khó khăn để 'xốc' lại tiến độ thi công ảnh 1 Ông Nguyễn Cao Minh - Trưởng ban MRB (đứng giữa, đội mũ) báo cáo tiến độ dự án với Phó Thủ tướng Vương Ðình Huệ (đội mũ cối) tại buổi kiểm tra hiện trường chiều 20/4. Ảnh: T. Ðảng.

Tháng 12 hoàn thành đoạn tuyến Nhổn - Cầu Giấy

Thay vì chỉ thi công ban ngày, trên toàn tuyến ĐSĐT Nhổn - ga Hà Nội hiện nay công nhân, kỹ sư đã có mặt 24/24h. Ông Nguyễn Bá Sơn, Trưởng Phòng thực hiện Dự án 1, MRB - trực tiếp phụ trách thi công tại dự án ĐSĐT Nhổn - ga Hà Nội cho biết, vừa qua bằng việc rà soát, sau đó xây dựng lại kế hoạch thi công tổng thể, việc thi công tại dự án không ngừng được thúc đẩy nhanh. Với đoạn cầu cạn  trên cao từ Nhổn về Cầu Giấy, theo kế hoạch thi công mới từ nay đến tháng 12/2018 sẽ hoàn thành. Sau thời điểm này, hàng rào phục vụ thi công đường tàu trên cao kéo dài từ Nhổn về Cầu Giấy sẽ được dỡ bỏ cơ bản. So sánh khối lượng thi công của các gói thầu của dự án từ ngày khởi công đến thời điểm hết năm 2017, ông Sơn cho biết, trong tổng số 41% khối lượng xây lắp đã đạt được, riêng năm 2017 chiếm 11%, đây là khối lượng công việc dự án đã đạt được nhiều nhất sau hơn 7 năm thi công.

Cùng với đó ông Sơn cũng thông tin, nhiều khó khăn, vướng mắc trên công trường thi công cũng được MRB đưa ra giải pháp tháo gỡ. Đơn cử, cùng với kế hoạch thi công tổng thể, tại mỗi gói thầu MRB cũng xây dựng tiến độ, kế hoạch cấp vốn riêng. Rút kinh nghiệm từ các năm trước khi nhiều hạng mục hết vốn phải nằm chờ, MRB đã đề xuất thành phố linh động cho sử dụng vốn đối ứng để tiếp tục thi công trong trường hợp kế hoạch vốn ODA không bố trí kịp. Cụ thể, năm 2017 dự án chỉ được bố trí kế hoạch vốn là 1.600 tỷ trong khi nhu cầu sử dụng vốn thực tế là 3.320 tỷ. Để bù vào khoản thâm hụt này, MRB đã báo cáo thành phố để bổ sung kịp thời vào quí IV/2017 để giải ngân, đảm bảo tiến độ thi công. Đầu năm 2018, hiện Dự án mới chỉ được bố trí 1400 tỷ bằng 50% so với nhu cầu. Trên lĩnh vực thi công, ngoài yêu cầu toàn dự án phải thi công cả ngày và đêm (trước đây các nhà thầu nước ngoài chỉ thi công ban ngày), MRB đã rà soát từng vị trí nhân lực và kịp thời chấn chỉnh, thay thế những vị trí không đảm bảo tiến độ, công việc. Trong hơn 1 năm qua, MRT đã thay 8 nhân sự chủ chốt tại các gói thầu, trong đó có 3 giám đốc quản lý bộ phận, thậm chí cả tư vấn trưởng của Tư vấn giám sát Systra (Pháp) cũng bị thay.

Đánh giá về tiến độ dự án, trong đó có việc giải ngân thi công cho các gói thầu, trong buổi thị sát, kiểm tra chiều 20/4 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đánh giá Dự án có những tiến triển tốt hơn. Để đẩy nhanh tiến độ dự án, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu, từ kế hoạch giải ngân cho thi công đã được lập, MRB và UBND thành phố Hà Nội cần rà soát lại kế hoạch sử dụng vốn cho từng thời điểm, từng gói thầu, từ đó có các đề xuất, kiến nghị để lãnh đạo Chính phủ xem xét, giải quyết kịp thời.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.