Hà Tây:

“Tháo khoán” cấp đất trước ngày về HN?

“Tháo khoán” cấp đất trước ngày về HN?
TP - Chưa bao giờ thông tin về Hà Tây lại được quan tâm như hiện nay. Sự quan tâm này không chỉ xuất phát từ việc Hà Tây được đề xuất sáp nhập về Hà Nội mà còn bởi Hà Tây đang có hàng chục dự án khu đô thị gắn với hàng chục ngàn khách hàng Hà Nội.

Số phận các dự án này rồi sẽ ra sao? Dư luận cũng rộ lên tin đồn rằng, Hà Tây đang rất “thoáng” trong việc cấp đất trước giờ “G”. PV Tiền phong đã tìm hiểu vấn đề này.

Bài 1: Có “tháo khoán” cấp phép dự án?

Nếu như năm 2007 Hà Tây cấp phép cho 143 dự án với quy mô sử dụng đất 1.600 ha thì trong 2 tháng đầu năm 2008 số dự án được cấp phép là 20, và quy mô đất đai lên đến 1.570 ha. Phải chăng có sự “tháo khoán” trong cấp phép dự án?

Năm 2007: Cấp phép dự án quy mô 1.600 ha đất

Với vị trí đắc địa mà bất kỳ địa phương nào cũng thèm khát, thế nhưng chỉ đến năm 2006-2007, Hà Tây mới vươn lên là một trong những tỉnh đi đầu về thu hút đầu tư của cả nước.

Trong 3 tháng đầu năm 2007, Hà Tây thu hút được 28 dự án đầu tư trong nước (10 dự án/tháng). Quy mô dự án khoảng 2ha/dự án.

“Tháo khoán” cấp đất trước ngày về HN? ảnh 1

Thành phố Hà Đông - Hà Tây như một đại công trường bởi nhiều dự án được ào ạt triển khai. Ảnh: PS

Ba tháng cuối năm 2007, Hà Tây đã thu hút được 40 dự án đầu tư trong nước. Tổng diện tích cần cho các dự án là khoảng 1.260 ha với tổng mức đầu tư 5.600 tỷ đồng.

Đặc biệt chỉ tính trong tháng 12/2007 tỉnh Hà Tây đã cấp phép cho 12 dự án đầu tư trong nước với tổng mức đầu tư 2.981 tỷ đồng. Và 12 dự án này cũng “ngốn” diện tích 1.225 ha đất.

Cũng trong tháng 12/2007, Hà Tây cấp phép đầu tư cho “siêu dự án” Khu du lịch quốc tế cao cấp Tản Viên (Suối Hai, Ba Vì) với diện tích 1.200 ha, tổng mức đầu tư  lên đến 2.500 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Sở KH&ĐT Hà Tây trong cả năm 2007, tỉnh Hà Tây thu hút được 143 dự án đầu tư trong nước. Đi theo các dự án này có đến 1.600 ha đất nằm trong diện thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng.

Trong số đó có khoảng gần chục dự án phát triển du lịch, số dự án còn lại chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghiệp, đầu tư kinh doanh hạ tầng, đô thị.

Liệu có “tháo khoán”?

Năm 2007, Hà Tây cấp phép cho 30 dự án đầu tư nước ngoài với số vốn 836 triệu đô la, diện tích sử dụng đất 65 ha.

Trong đó có nhiều dự án có vốn đầu tư xấp xỉ 100 triệu đô la như dự án của Cty HS Việt Nam (90 triệu đô la); Dự án của Cty Thái Dương Hằng Chính Việt Nam (92 triệu đô la)...

Như vậy, tính đến hết tháng 12/2007, Hà Tây  đã thu hút được trên 2,25 tỷ đô la. Và Hà Tây đã chính thức lọt vào danh sách “câu lạc bộ thu hút đầu tư đạt 1 tỷ đô la”.

lTừ ngày 17/3/2007 đến 17/9/2007, UBND tỉnh Hà Tây đã ban hành hàng loạt quyết định phê duyệt  quy hoạch chi tiết xây dựng cho trên 30 khu, cụm, điểm công nghiệp với diện tích 3.687 ha đất.

Trong đó có 4 khu công nghiệp (883 ha); 32 cụm, điểm công nghiệp (2.804 ha).

Sự gia tăng các dự án được cấp phép trên địa bàn tỉnh Hà Tây được kéo sang những tháng đầu năm 2008.

Thống kê chưa đầy đủ của Sở KH&ĐT Hà Tây cho thấy, trong tháng 1 và 2 năm 2008, tỉnh Hà Tây cấp giấy chứng nhận đầu tư được 20 dự án đầu tư trong nước với tổng diện tích đất 1.570 ha.

Tổng mức đầu tư trên 5.600 tỷ đồng.

Trong đó có các dự án lớn như trường ĐH Đại Nam 10 ha, Khu vui chơi, sân golf Ba Trại- Cẩm Lĩnh ( Ba Vì)  trên 254 ha; làng dưỡng sinh và du lịch sinh thái Tuy Lai (Mỹ Đức) diện tích 1.100 ha...

Cty Simcon Sông Đà đầu tư dự án kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp Phụng Hiệp (huyện Thường Tín) với diện tích 170 ha.

Bên cạnh đó, 2 tháng đầu năm 2008, Hà Tây còn thu hút được 5 dự án đầu tư nước ngoài với diện tích 8,5 ha, vốn đầu tư 23 triệu đô la...

Nếu không có biến động lớn, tất cả các dự án này sẽ được xem xét để cấp đất theo đúng giấy phép đầu tư mà tỉnh này đã cấp. Như vậy, Hà Tây vẫn gia tăng cấp phép các dự án đầu tư. Liệu có xảy ra tình trạng “tháo khoán” trong việc cấp đất?

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, GĐ Sở TN&MT Hà Tây khẳng định là không vì các dự án này đều phải thực hiện đầy đủ các quy trình chuẩn bị đầu tư theo quy định của pháp luật. Khi các hồ sơ xin cấp đất được chuyển đến Sở thì chúng đã được hoàn thiện đầy đủ. 

Hơn thế, các dự án được chuẩn bị từ trước khi có thông tin Hà Tây sẽ về Hà Nội vì lẽ đó thông tin về việc cấp đất “tháo khoán” theo ông Nghĩa là hoàn toàn không có cơ sở.

Theo ông Nghĩa, năm 2007, Sở giải quyết khoảng 300 hồ sơ đất đai, trong đó có 80% hồ sơ giải quyết cho các doanh nghiệp tại các khu, cụm công nghiệp! Đây là các dự án phát triển sản xuất.

Liệu có xảy ra việc “chạy” giấy phép để xí phần đất trước khi Hà Tây về Hà Nội? Đại diện Sở KH&ĐT Hà Tây cho biết, sở dĩ có sự gia tăng cấp phép cho các dự án là bởi các dự án này đã được “thai nghén” từ trước.

Và đến thời điểm chín muồi, tỉnh phải thực hiện cấp phép cho nhà đầu tư. Và, chuyện này là hoàn toàn bình thường. 

Phùng Sưởng
(Còn nữa)

MỚI - NÓNG