Thảo luận về dự thảo Luật Bồi thường Nhà nước

Thảo luận về dự thảo Luật Bồi thường Nhà nước
Sáng 11/3, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Hội nghị Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội tập trung thảo luận các nội dung của dự thảo Luật Bồi thường Nhà nước.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng việc ban hành Luật Bồi thường Nhà nước là cần thiết, bởi trước đây, quy định về trách nhiệm bồi thường được đặt ra ở nhiều văn bản khác nhưng chưa đầy đủ và thống nhất. Việc ban hành Luật thể hiện trách nhiệm của Nhà nước và góp phần củng cố, tăng cường trách nhiệm của cán bộ, công chức đối với nhân dân khi thi hành công vụ.

Dù vẫn còn có ý kiến khác nhau, nhưng về cơ bản, các đại biểu thống nhất với quy định trong dự thảo Luật về khái niệm “hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ”, bao gồm các hành vi cụ thể trong quản lý hành chính và trong thi hành án dân sự.

Quy định về quản lý Nhà nước và cơ quan quản lý Nhà nước về bồi thường thiệt hại tại Điều 13, 14 của dự thảo Luật vẫn tồn tại hai luồng ý kiến nhưng nhìn chung đều thống nhất cần xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan, tránh hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm.

Trong quá trình thảo luận, việc có hay không thành lập một cơ quan quản lý có trách nhiệm bồi thường cũng có hai quan điểm khác nhau. Ý kiến thứ nhất đề nghị: cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ đã gây thiệt hại là cơ quan có trách nhiệm bồi thường.

Ý kiến khác đề nghị thành lập một cơ quan nhà nước chuyên trách giúp cơ quan quản lý thống nhất về bồi thường. Phương án tối ưu nhất sẽ được các đại biểu Quốc hội lựa chọn trong kỳ họp thứ 5 tới.

Góp ý kiến vào phạm vi điều chỉnh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo và một số đại biểu cho rằng mọi hành vi vi phạm đều phải bồi thường, tuy nhiên cần quy định ở mức độ cho phù hợp với lộ trình nhất định.

Với trường hợp không hành động theo trách nhiệm phải làm cần phải xem xét cụ thể. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và nhi đồng Nguyễn Minh Thuyết cho rằng: điều quan trọng hơn cả là quyền được bồi thường của người dân.

Nếu căn cứ vào tình hình hiện nay, trình độ công chức, ngân sách Nhà nước có hạn mà hạn chế quyền được bồi thường là trái pháp luật và cần tính toán mức bồi thường cho phù hợp.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Thu Ba đề nghị Luật quy định rõ trình tự, thủ tục giải quyết bồi thường tại cơ quan có trách nhiệm bồi thường vì khi Luật ra đời sẽ thay thế cho Nghị quyết 388 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra.

Bà Thu Ba đề nghị lấy những quy định trình tự, thủ tục của Nghị quyết 388 đưa vào phần trình tự, thủ tục của dự thảo Luật.

Theo TTXVN

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG