Thập diện mai phục vịnh Hạ Long - Kỳ cuối: Khai thác kiểu tận diệt

Phía cuối đuôi thuyền có dây điện cỡ lớn cắm xuống biển là thuyền kích điện.
Phía cuối đuôi thuyền có dây điện cỡ lớn cắm xuống biển là thuyền kích điện.
TP - Nhũ đá trong các hang động bị đập phá không thương tiếc, môi trường vịnh cũng đang bị xâm hại nghiêm trọng. Đặc biệt, cách khai thác “tận diệt” nguồn lợi thủy sản của nhiều ngư dân đang là mối nguy cho vịnh Hạ Long nơi hai lần được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.

Di sản bị… kích điện

Từ bến cá chợ Hạ Long di chuyển ra vịnh chừng 10 phút đi thuyền, chúng tôi dễ dàng bắt gặp hàng chục con thuyền đang ngang nhiên đánh bắt cá bằng cách kích điện. Chiếc chạy ngược, chiếc chạy xuôi nhốn nháo cả khu vực vịnh. Những chiếc thuyền kích điện này vô tư nổ máy như “dạo chơi” trên vịnh giữa ban ngày.

Theo chỉ dẫn của các ngư dân truyền thống, để nhận biết thuyền có kích điện hay không rất dễ, chỉ cần nhìn phía đuôi thuyền có nhiều dây, trong đó có một dây điện cỡ to cắm thẳng xuống biển. Loại thuyền này đi rất chậm và kéo theo một đống lưới phía sau để vớt hải sản khi bị điện giật.

“Từ khu vực Hạ Long xuống đến Cẩm Phả có đến vài nghìn chiếc thuyền được trang bị bộ kích và thường xuyên hoạt động khai thác trên vịnh. Thuyền càng lớn thì bộ kích điện càng khỏe, sức ảnh hưởng điện áp càng rộng. Trong vòng bán kính 20 mét hầu như không có sinh vật nào có thể thoát khỏi mắt lưới của họ”.

            Ngư dân Đặng Văn Mẫu cho biết

“Từ khu vực Hạ Long xuống đến Cẩm Phả có đến vài nghìn chiếc thuyền được trang bị bộ kích và thường xuyên hoạt động khai thác trên vịnh. Thuyền càng lớn thì bộ kích điện càng khỏe, sức ảnh hưởng điện áp càng rộng. Trong vòng bán kính 20 mét hầu như không có sinh vật nào có thể thoát khỏi mắt lưới của họ” – Ngư dân Đặng Văn Mẫu cho biết.

Tình trạng khai thác này đã diễn ra khá lâu, đa số các thuyền kích điện đều xuất phát từ thị xã Quảng Yên, mỗi thuyền có khoảng 2 đến 3 người, một đợt rà điện khoảng 2 tiếng và liên tục trong cả ngày. Mỗi ngày một chiếc thuyền bắt được vài trăm kg cá mà không cần phải bỏ nhiều công sức như những ngư dân đánh bắt truyền thống.

“Tác hại của việc đánh bắt kiểu này là vô cùng lớn. Dòng điện được kích lên có thể giết được cả một con bò đấy. Cá lớn mà dính điện, dù không vào lưới thì cũng không sống sót nổi chứ chưa nói đến cá bé. Ngư dân truyền thống chúng tôi ngày càng khốn khổ, tiền dầu đèn, phí tổn cho một chuyến đánh bắt toàn bị thâm hụt vì nguồn hải sản đang bị cạn kiệt dần” - Ông Nguyễn Văn Tới, một ngư dân truyền thống bức xúc nói.

Ở khu Cặp La, hoạt động đánh bắt này diễn ra nhộn nhịp hơn hết, chỉ cần đi một vòng chúng tôi gặp gần 60 chiếc thuyền kích điện đang ngang nhiên hoạt động. Khu vực này có dãy đá ngầm nên tôm cá thường tập trung tại đây, ở đây cũng là tuyến điểm du lịch tham quan vịnh và dịch vụ trải nghiệm bằng chèo thuyền kayak. Sẽ rất nguy hiểm nếu dòng điện từ các con thuyền đánh cá bằng xung điện này phóng ra khi đi qua khu vực chèo thuyền trải nghiệm của du khách.

Khi được hỏi tại sao các cơ quan chức năng lại không ngăn chặn kiểu khai thác tận diệt này? Nhiều ngư dân cho biết, các lực lượng chức năng thỉnh thoảng vẫn có kiểm tra và xử phạt nhưng sau đấy thì đâu lại vào đó vì số lượng thuyền khai thác bằng kích điện quá nhiều.

Vắt kiệt nguồn tài nguyên

Thập diện mai phục vịnh Hạ Long - Kỳ cuối: Khai thác kiểu tận diệt ảnh 1

Cận cảnh ngư dân đánh cá bằng kích điện. Ảnh được cắt từ video

Sử dụng máy kích điện đánh cá không chỉ khiến môi trường bị ảnh hưởng. Những nơi thường xuyên bị đánh bắt như vậy sẽ không còn loài thủy sinh nào tồn tại. Trên vịnh, cứ cách nhau vài trăm mét lại có một thuyền kích điện. Có chỗ vừa có thuyền rà điện xong lại có thuyền khác đến rà tiếp. Tình trạng này diễn ra công khai, ngang nhiên cả ngày lẫn đêm.

“Do dòng điện lớn nên mỗi khi các thuyền này kích điện thì từ cá con đến cá lớn, ghẹ, cua, tôm tép và các vi sinh vật trong vòng bán kính 20 mét đều bị điện giật chết. Họ đánh bắt như vậy không khác nào vắt kiệt nguồn tài nguyên. Những ngư dân truyền thống như chúng tôi thực sự bất lực khi nhìn biển chết” – Anh Nguyễn Văn Chiến, một ngư dân đánh cá trên vịnh chia sẻ.

Theo tìm hiểu của PV, đa số các thuyền kích điện này đều hoạt động ngay trong vịnh, có đến hàng nghìn chiếc thuyền được trang bị bộ kích điện có xuất xứ từ Trung Quốc. Hai đầu dây được đấu nối với hai điện cực khác nhau, cách nhau một khoảng cỡ 5 đến 15 mét. Luồng điện phóng ra cỡ 1.500-2.000w để tạo điện trường trong nước. Với dòng điện này, hầu như không loài sinh vật nào sống sót khi dòng điện đi qua.

“Chúng tôi đã nhiều lần báo cáo, kiến nghị tình trạng này với chính quyền địa phương nhưng gần như không được xử lý. Số lượng thuyền trang bị kích điện ngày càng nhiều, vì không kích điện thì sản lượng chỉ còn khoảng 1/5 so với trước đây, nguồn hải sản ngày càng khan hiếm. Ngay cả các hộ nuôi cá lồng bè trên vịnh cũng bị ảnh hưởng. Dòng điện chạy qua tuy cá trong lồng không chết nhưng cũng chẳng lớn được” - Ông Tới tâm sự.

Các thuyền đánh bắt hải sản trên vịnh Hạ Long hầu như không có biển số, ký hiệu. Chỉ có một số ít trong đó có biển kiểm soát nhưng cũng nhòe nhoẹt hoặc biến dạng. Đa số các thuyền kích điện đều không có ký hiệu nhưng vẫn được hoạt động trong khu vực vịnh Hạ Long.

Không chỉ đánh bắt bằng biện pháp kích điện, thậm chí một số thuyền của ngư dân còn dùng mìn đánh cá ngay trong vịnh. “Mùa này lạnh nên ít gặp họ dùng mìn đánh cá đấy. Vào mùa hè thì đầy ra, thỉnh thoảng chúng tôi còn ghé thuyền vào xin vớt vài con cá nổi bụng về nấu canh. Nhưng lạ thay chẳng thấy ai bắt bớ gì” - Chị Ng.Th.H, cư dân làng chài Cửa Vạn nói.

Thập diện mai phục vịnh Hạ Long - Kỳ cuối: Khai thác kiểu tận diệt ảnh 2

Nhận diện tàu kích điện.

Thập diện mai phục vịnh Hạ Long - Kỳ cuối: Khai thác kiểu tận diệt ảnh 3

Các tàu cá ngang nhiên đánh bắt cá bằng kích điện trên vịnh Hạ Long.

Theo Nghị định số 103 năm 2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản có chế tài hành vi lạm sát thủy sản - “Phạt tiền 1 - 2 triệu đồng đối với hành vi sử dụng kích điện; nếu tàng trữ, vận chuyển phương tiện kích điện trên tàu cá hoặc phương tiện nổi khác bị phạt từ 2 - 5 triệu đồng; nếu sử dụng lưới điện để khai thác bị phạt  từ 10 - 15 triệu đồng. Phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với hành vi tàng trữ trái phép chất nổ, kíp nổ, dây cháy chậm trên tàu cá; Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi sử dụng chất nổ để khai thác thủy sản. Biện pháp xử phạt bổ sung là tịch thu dụng cụ đánh bắt trái phép” - Mức phạt đó với lợi nhuận mà họ khai thác được, theo tâm sự của một lão ngư vùng vịnh thì họ luôn chấp nhận. Thế nên, việc tận diệt cứ thế diễn ra dù phạt cứ phạt, phóng điện cứ phóng…

MỚI - NÓNG