'Tháp đôi đại học' - Lãng phí kép

Sau 9 năm được duyệt, dự án tòa nhà Trung tâm Đại học KTQD vẫn chỉ là đại công trường ngổn ngang
Sau 9 năm được duyệt, dự án tòa nhà Trung tâm Đại học KTQD vẫn chỉ là đại công trường ngổn ngang
TP - Câu chuyện hai tòa tháp đại học bị “đắp chiếu” nhiều năm qua ở Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho thấy nhiều bài học cay đắng cho nhà thầu, chủ đầu tư khi mà chính sách đầu tư công chưa có đủ tiền đã “vẽ dự án”...

> Thất thoát tài sản nhà nước, ai chịu trách nhiệm?

Bốn đời hiệu trưởng chưa xong

Năm 2003, dự án “tháp đôi” ĐH Kinh tế Quốc dân (KTQD), được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tổng mức đầu tư 518,1 tỷ đồng.

Dự án được thiết kế vào loại hiện đại nhất trong hệ thống các trường đại học Việt Nam, với hai tháp cao 19 tầng và 13 tầng. Vốn xây dựng công trình từ 3 nguồn: Ngân sách Nhà nước, vốn huy động của nhà trường và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Ông Nguyễn Văn Nam, Hiệu trưởng Trường Đại học KTQD cho biết: “Được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2003 nhưng do chậm trễ về thủ tục và giải phóng mặt bằng, mãi đến năm 2006, dự án mới được khởi công với tổng vốn đầu tư trượt giá lên tới gần 800 tỷ đồng. Đơn vị trúng thầu là Tổng công ty 36 (Bộ Quốc phòng)”.

Thời gian thi công tòa nhà theo hợp đồng kinh tế sẽ kết thúc vào 31-12-2010. Tuy vậy, đến nay, dù là dự án nhóm A trọng điểm, song do vốn Nhà nước được rót rất nhỏ giọt, tòa nhà 19 tầng mới làm đến tầng thứ 7 thì phải “đắp chiếu” hơn một năm qua vì Bộ GD&ĐT chưa cho phép ký gia hạn hợp đồng thi công.

Đến nay, dự toán của công trình do trượt giá ước tính đã lên đến trên ngàn tỷ đồng, nhưng mỗi năm chỉ được rót 30-40 tỷ đồng.

Theo ông Nam, với tiến độ rót kinh phí như hiện nay, dự án này hiện đã qua 4 đời hiệu trưởng vẫn chưa hoàn thành và dự kiến sẽ phải kéo dài 10-15 năm nữa. Đầu tư kiểu nửa vời, hiện nay chính trường Đại học KTQD cũng bị sa lầy vào “ước mơ tháp đại học”.

Lãng phí kép

Ngày 10-6, chúng tôi có mặt tại công trường và chứng kiến một cảnh tượng hoang vắng, ngổn ngang. Hàng chục ô tô, máy móc của nhà thầu nằm chết dí trong công trường.

Hai chiếc cẩu tháp lớn cùng hệ thống trạm trộn bê tông đứng chơ vơ không hoạt động. Hàng chục công nhân không có việc làm vẫn phải túc trực tại công trường.

Nguy hiểm nhất phải kể đến các hệ thống cốt thép, các cáp ứng lực trong tòa nhà do thời gian thi công quá lâu đã bắt đầu hoen gỉ. Các tầng hầm chưa có mái che nên nước mưa đổ vào, ứ đọng lâu ngày gây thấm, ảnh hưởng lớn đến chất lượng công trình.

Ông Đàm Văn Huệ, Trưởng phòng Tài chính nhà trường cho hay, kể từ khi xây hai tòa tháp, do phải phá bỏ các giảng đường cũ, 6 năm qua nhà trường phải đi thuê 50 phòng học của Trường Dân lập Phương Nam, với chi phí hơn 6 tỷ đồng/năm.

Tính ra, nếu công trình kéo dài hơn 10 năm thì chỉ riêng chi phí mà trường này phải bỏ ra thuê giảng đường đã lên tới hàng chục tỷ đồng.

Theo lời ông Huệ thì gần đây, Bộ GD&ĐT còn đề xuất một hướng xử lý tòa nhà theo kiểu “đẽo cày giữa đường”, không xây dựng theo thiết kế đã được Thủ tướng phê duyệt mà sẽ phân kỳ tòa nhà thành 2 giai đoạn.

Trước mắt, hai tòa tháp sẽ được úp nóc tại tầng thứ 7 để đưa vào sử dụng, đợi khi nào có tiền sẽ đầu tư làm tiếp.

Ông Vũ Anh Trọng, Trưởng phòng Quản trị Thiết bị trường ĐH KTQD nói: “Giải pháp úp nóc tại tầng 7 vừa không khả thi vừa vô cùng lãng phí. Nếu úp nóc rồi để đưa vào sử dụng sau đó vừa sử dụng vừa xây dựng là chuyện không thể.

Chưa kể, toàn bộ hệ thống thang máy, điều hòa, điện nước cùng nhiều hạng mục sẽ phải đập đi hoặc dỡ bỏ, gây lãng phí hàng trăm tỷ đồng. Chỉ riêng cáp dự ứng lực chống động đất phía nhà thầu phải nhập ngoại theo thiết kế từ đầu, thi công luồn từ tầng 1, giờ phân kỳ không cắt đi được, cũng không bán lại cho dự án khác được.

Nếu phân kỳ sẽ phải 2 lần dỡ bỏ, nhập khẩu mới, lãng phí hàng chục tỷ đồng, ai là người chịu trách nhiệm? Phương án phân kỳ còn dở ở chỗ phải thiết kế lại, trình phê duyệt lại. Riêng phê duyệt một năm chưa chắc đã xong, phải trình lên Thủ tướng Chính phủ, dự án sẽ tiếp tục rơi vào vòng luẩn quẩn, bế tắc”.

Đại tá Nguyễn Đăng Giáp, Tổng giám đốc Tổng Cty 36, cho biết: “Trong hàng trăm công trình tôi chỉ huy, chưa có công trình nào lỗi hẹn, “đắp chiếu”, nhưng lần này thì chúng tôi phải đầu hàng trước kiểu làm việc vô cảm, thiếu trách nhiệm với tiền bạc, tài sản nhà nước của các bên liên quan”.

Theo ông Giáp, nhà thầu đã đầu tư gần 180 tỷ đồng cho dự án nhưng mới được thanh toán 115 tỷ, còn thiếu tới 65 tỷ đồng chưa được thanh toán trong khi phải chịu lãi suất vốn vay và khấu hao máy móc lên tới 3,1 tỷ đồng/mỗi tháng.

Đáng lưu ý, năm 2011, ban đầu Bộ GD&ĐT đã bố trí cho dự án 30 tỷ đồng, nhưng sau đó chỉ giải ngân, thanh toán cho nhà thầu được 18,3 tỷ đồng, còn 11,7 tỷ đồng bộ này lại cấp cho dự án khác.

Theo ông Vũ Anh Trọng, nguyên nhân chính dẫn tới công trình bị đắp chiếu do không phân định rạch ròi ba nguồn vốn (Ngân sách Nhà nước, vốn huy động của nhà trường và các nguồn vốn hợp pháp khác) cụ thể.

Nên nay, ngân sách nhà nước thì rót nhỏ giọt, còn nhà trường cũng mới chỉ góp được 15,8 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ông Trần Duy Tạo, Cục trưởng cơ sở vật chất, thiết bị trường học và đồ chơi trẻ em, Bộ GD&ĐT cho biết, số tiền thực mà trường bỏ ra cho công trình chỉ gần 5 tỷ đồng.

“Nếu như nhà trường nêu cao trách nhiệm, tập trung nguồn lực cho dự án tòa nhà trung tâm thì mọi việc không đến nỗi bế tắc như hiện nay. Khi chúng tôi đề nghị thực hiện phương án vay vốn ODA nhưng nhà trường cũng không làm. Anh Nam hiệu trưởng nhiều lần hứa sẽ làm việc với ngân hàng vay vốn nhưng rồi cũng không làm”.

Bộ GD&ĐT chưa thực hiện chỉ đạo của cấp trên

Nhân dịp kỷ niệm 55 năm thành lập trường, Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã hứa với lãnh đạo Đảng, Nhà nước sẽ xử lý dứt điểm dự án “tháp đôi” đại học.

Tuy nhiên, đến nay mọi chuyện vẫn giậm chân tại chỗ. Chưa kể, trong kết luận của Thanh tra Chính phủ, cũng yêu cầu Bộ GD&ĐT đôn đốc chỉ đạo trường ĐH KTQD khẩn trương, chủ động hoàn thành việc điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án, xây dựng phương án huy động vốn ngoài ngân sách Nhà nước, xin bổ sung nguồn vốn ngân sách Nhà nước để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, thực hiện dự án đạt hiệu quả nhưng Bộ GD&ĐT cũng không làm.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG