Thấp thỏm bên miệng Hà Bá

Thấp thỏm bên miệng Hà Bá
TPO - Hàng chục hộ dân bên bờ sông Đuống, thị trấn Yên Viên, Gia Lâm nói rằng, nhà cửa, sân vườn cứ bị nước sông Đuống nuốt dần qua từng mùa lũ.

>Sụt lún ở Ba Vì là do mưa lớn

>Hà Nội: Xuất hiện hố sụt hàng loạt

Đêm nằm cứ lo nhà cửa sụt xuống sông. Ảnh: Văn Việt
Đêm nằm cứ lo nhà cửa sụt xuống sông. Ảnh: Văn Việt.

Nhà cửa trôi sông

Theo những người ở khu dân cư tổ 2, thị trấn Yên Viên, Gia Lâm, hiện tượng nhà cửa trôi xuống sông xảy ra từ những năm 2002-2003. Có người mất nguyên cả khoảng sân dăm chục m2. Nhà khác lại mất cả căn bếp và căn phòng mới xây chỉ trong một đêm.

“Xót xa lắm, nhưng không có cách nào. Trồng tre, đổ gạch đá xuống bờ sông v.v. Chúng tôi thử hết cách rồi mà không hiệu quả” bà Phạm Thị La, tổ 2, Yên Viên chỉ cho chúng tôi những gốc cây mới mọc bên bờ sông, xưa kia là công trình phụ bao gồm bếp núc, nhà vệ sinh của nhà bà.

Theo ông Phạm Đức Phương, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê số huyện Gia Lâm, khu vực lún nứt, sạt trượt có vị trí từ Km9+300 đến Km9+325, cách chân đê phía sông 180m và cách kè Yên Viên về phía hạ lưu khoảng 300m. Vết nứt nghiêm trọng nhất dài khoảng 30m, rộng 0,2 đến 0,3m và đang có xu hướng phát triển. Các bụi tre được trồng để bảo vệ bờ sông đã bị sụt lún sâu xuống từ 1m đến 2m. Vị trí từ Km 9 + 300 đến Km 9 + 325 xuất hiện những vết nứt nghiêm trọng dài khoảng 30m, rộng 0,2 - 0,3m và đang có xu hướng phát triển.

Cả dọc bờ sông từ chân cầu Đuống tới bãi khai thác cát dài hơn 300m, bờ sông trở thành vách dựng đứng. Gần 40 hộ dân sống trong khu vực này, nhà cửa đang từng ngày từng giờ bị trôi lở xuống sông. “Người dân không đi đâu được, bây giờ cứ loanh quanh ở như thế này, nước lên phải lội thì mới di tản còn thế này vẫn phải ở. Nói chung người dân ở đây không có chỗ nào để ở, đất thì vẫn cứ sụt lún, mà lở là ùm từng mảng chứ không phải lở ít, có trận đổ cả nhà”, bà La nói.

Nhà bị sạt lở nhiều nhất là của bà Nguyễn Thị Điểm ở số nhà 178. Toàn bộ sân và căn nhà chính đã bị sụp xuống sông. Gia đình bà Điểm đang phải ở trong khu bếp, trong khi đó, đất vẫn tiếp tục sụp dù gia đình đã đóng cọc tre, kè lại. Bà Điểm nói: “Đi lại đêm hôm chỉ lo đất dưới chân sụt, nứt thế này hãi lắm. Đêm nằm cứ nước lên là không ngủ được phải xem làm thế nào mà chạy”.

Dự án kè sông đang lập, cứ chờ

Ông Dương Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm nói, huyện này đã có báo cáo thành phố, khu vực này có dự án kè và sẽ giãn dân trong thời gian tới.

“Trong chương trình thì có phương án kè toàn bộ khu vực đó và giải phóng một số hộ dân. Về khu tái định cư cho các hộ, huyện đã giao cho thị trấn Yên Viên trình lên UBND Hà Nội”, ông Dũng nói.

Nhưng ông Dũng nói rằng, ông không nắm được tiến độ kè và thời gian giãn dân cũng không nắm được, việc này phải hỏi Ban quản lý dự án thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Trong khi đó, ông Đỗ Đức Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục quản lý đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội nói: “Khu vực này đang lên kế hoạch, lập dự án, nên tôi cũng chưa nắm được rõ, đang chỉ đạo các đơn vị phối hợp làm. Nhưng đang lập, đang lên dự án, chưa phê duyệt, nên tôi cũng chưa nắm rõ được”.

Văn Việt

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.