Thay đê đất bằng đê bê tông: Dân không đồng tình thì không làm

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại buổi kiểm tra các dự án hạ tầng giao thông của Hà Nội.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại buổi kiểm tra các dự án hạ tầng giao thông của Hà Nội.
TP - Đó là ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại buổi kiểm tra các dự án hạ tầng giao thông, cấp nước tại Hà Nội, trong đó có nút giao đường Thanh Niên - Yên Phụ - Nghi Tàm - An Dương, địa điểm Hà Nội vừa kiến nghị thay đê đất bằng đê bê tông để mở rộng hai bên đường.

Phải lập cơ quan thẩm định dự án

Tại buổi kiểm tra ngày 17/2 của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo thành phố Hà Nội báo cáo về hiện trạng khu vực ngoài đê hữu sông Hồng. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung nói, thay đổi kết cấu đê đất thành đê bê tông, kết hợp xây dựng tường bê tông cốt thép, sẽ tạo điều kiện mở rộng được 2 làn đường mỗi bên 3,7m. Theo ông Chung sau khi thay đổi kết cấu đê đất thành đê bê tông, phía tường bê tông ngoài đê vẫn tiếp giáp các khu dân cư rồi mới đến mép nước sông Hồng. Vì vậy, mặt đê bê tông cốt thép sau xây dựng không chịu áp lực trực tiếp của mực nước và sóng khi nước nâng cao. “Ngay bên Hà Lan cũng xây dựng đê bê tông ngoài biển”, ông Chung nói.

Ông Chung cho biết thêm, khu vực từ khách sạn Thắng Lợi đến An Dương, thành phố đã xin ý kiến dân cư và được đồng tình rất cao là khi làm con đường như vậy thì giao thông sẽ thuận lợi tốt hơn. Chủ tịch Hà Nội cũng cho rằng thay đổi kết cấu đê đất thành đê bê tông sẽ đảm bảo chống lũ, giao thông tốt hơn và mỹ quan đẹp hơn.

Tại hiện trường, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Hà Nội cùng Bộ NN&PTNT phải thành lập hội đồng thẩm định dự án. Phải mời các nhà khoa học tham gia, sau đó công bố cho người dân biết. Và phải dùng cơ chế phản biện của các nhà khoa học, cần thiết mời cả tư vấn nước ngoài để người dân, để các nhà khoa học trong nước yên tâm.

Theo Phó Thủ tướng, vấn đề quan trọng nhất là phải trả lời việc này có an toàn không. “Người dân không đồng tình là không làm được. Phải khẳng định với bà con là chúng tôi làm chỉ có bền vững hơn thôi, tốt hơn thôi, không thể nói chẳng có vấn đề gì đâu. Phải nói dứt khoát như thế, không thể nói chung chung”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh 4 điều cần lưu ý khi thực hiện dự án này gồm: Đảm bảo an toàn chống lũ cho Thủ đô; Giảm ùn tắc giao thông; Tạo ra công trình kiến trúc đẹp cho Thủ đô; Người dân khu vực này phải có cuộc sống chất lượng hơn cả về đi lại và cảnh quan môi trường. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị liên quan khi được nhân dân đồng tình cao thì tiến hành xây dựng thật nhanh. Vấn đề gì vượt thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng xem xét.

Có biện pháp thu hồi 2,5 triệu xe máy quá đát

Trước ý kiến của Bộ TN&MT về thực trạng ô nhiễm không khí của Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung thừa nhận, vấn đề ô nhiễm không khí ở Hà Nội ở mức báo động đỏ. Theo ông, nguồn ô nhiễm lớn nhất xuất phát từ xe máy, ôtô đã cũ, hết hạn sử dụng từ trước năm 2000.

Theo ông Chung, hiện nay thành phố đã lắp đặt được 10 trạm quan trắc không khí. Dự kiến trong năm 2017, thành phố sẽ lắp thêm khoảng 70 trạm quan trắc. Từ các trạm quan trắc này, thành phố sẽ có toàn bộ các thông số liên quan đến không khí, đặc biệt là ở các tuyến đường trọng điểm để xác định nguyên nhân ô nhiễm. Cụ thể, qua hai tháng các trạm quan trắc không khí đi vào hoạt động, cho thấy nguồn ô nhiễm không khí Hà Nội hiện nay rất nặng nề, trong đó liên quan đến xả thái của xe máy và ô tô.  “Hiện Hà Nội có gần 6 triệu xe máy, qua thống kê có khoảng 2,5 triệu xe máy quá đát, trước năm 2000. Vấn đề này, thành phố cũng đang xem xét, cố gắng trình HĐND chương trình liên quan đến hạn chế xe máy vào kỳ họp tháng 6 tới, sau đó sẽ trình Chính phủ. Ngoài ra, chúng ta phải có biện pháp thu hồi các xe ô tô, xe máy quá đát”, ông Chung nói.

Liên quan đến tiến độ thực hiện các tuyến đường sắt đô thị, ông Chung cho biết, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông cơ bản đã hoàn thành, đến tháng 9 tới sẽ đưa vào chạy thử. Còn tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội đã giải quyết được các vướng mắc liên quan đến thủ tục và hoàn thành trên 30% khối lượng công việc. Đơn vị thi công cam kết đến quý I/2021 sẽ đưa vào hoạt động. Trong quy hoạch, Hà Nội có 8 tuyến đường sắt đô thị. Hiện mới có 2 tuyến đang được thi công. Vừa qua, thành phố đã nhận được đề xuất của 3 tập đoàn lớn mong muốn tham gia xây dựng các tuyến metro, việc này sẽ được thành phố báo cáo Chính phủ.

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Hà Nội chủ động tìm nguồn vốn để thực hiện 6 tuyến đường sắt đô thị còn lại là rất đáng hoan nghênh. Việc huy động nội lực để thực hiện các dự án giao thông cũng là chủ trương của Chính phủ, vì hiện nay đi vay từ bên ngoài không dễ.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý Hà Nội nếu nhà đầu tư nội tham gia, phải đảm bảo được an toàn khi thi công. Vấn đề cốt lõi của xây dựng các tuyến metro là đảm bảo nhanh và an toàn. “Đã có nhà đầu tư nội đăng ký rồi, Hà Nội cũng xem xét kỹ họ sẽ làm thế nào. Bên cạnh đó phải mời các tư vấn, kể cả tư vấn nước ngoài vào nghiên cứu, phản biện”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói.

MỚI - NÓNG