Thay đổi tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế

TPO - “Một trong những ưu tiên hàng đầu là chúng ta cần thống nhất sớm hiện thực hoá quan điểm của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu vào tháng 9/2017 thành kế hoạch hành động cụ thể phù hợp với đặc trưng và điều kiện của Vùng. Đó là chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp”.

Đó là ý kiến của Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan tại hội thảo “Sau một năm thực hiện Nghị quyết 120/CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu do Trường Đại học Cần Thơ phối hợp với Thời báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức vào sáng nay, 14/12. 

Thay đổi tư duy

Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, ban hành ngày 17-11-2017, liên quan tới gần 30 bộ, ngành và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Nghị quyết đã nhấn mạnh, ĐBSCL phát triển theo hướng “thuận thiên” là chính.

PGS.TS Lê Việt Dũng, Phó hiệu trưởng trường đại học Cần Thơ cho rằng, để thực  hiện thành công và hiệu quả Nghị quyết 120 bên cạnh các giải pháp kỹ thuật cụ thể thì vấn đề thay đổi tư duy và quán triệt đồng bộ của nhà quản lý, nhà khoa học và rộng rãi trong cộng đồng và đến từng người dân cần phải có kế hoạch đồng bộ. Đồng thời, đã có những ý kiến khác nhau khi nói về quan điểm “thuận thiên”, về kịch bản thích nghi với biến đổi khí hậu. Vì vậy các bên có liên quan cần có sự thống nhất cơ bản trước khi thực hiện những vấn đề lớn; sự thay đổi quan điểm liên quan đến nhận thức về mặn – hạn – lũ; về quản lý khai thác bền vững tài nguyên thiên nhiên và những chủ trường, chương trình hành động cụ thể.  

Thay đổi tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế ảnh 1

Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp phát biểu 

Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp nói rằng, nông nghiệp của vùng còn nhiều nút thắt. Muốn tháo gỡ, vai trò của doanh nghiệp và các chuyên gia, nhà khoa học là rất quan trọng. Bí thư Hoan dẫn hai "điểm liệt" mà Ngân hàng Thế giới chỉ ra đối với nông nghiệp Việt Nam đang gặp phải là "chi phí cao, chất lượng thấp" dẫn đến tình trạng "giải cứu nông sản" xảy ra ở nhiều nơi, trên nhiều loại nông sản khác nhau. Và đúng như vậy, nếu chỉ "loay hoay" với sản xuất theo kiểu tăng diện tích, tăng sản lượng mà không chú trọng đến chi phí sản xuất, chất lượng nông sản, phát huy công nghệ bảo quản, chế biến, phát triển thị trường thì nông nghiệp sẽ rơi vào bế tắc và người nông dân không thể thoát ra khỏi rủi ro.

“Một trong những ưu tiên hàng đầu là chúng ta cần thống nhất sớm hiện thực hoá quan điểm của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu vào tháng 9/2017 thành kế hoạch hành động cụ thể phù hợp với đặc trưng và điều kiện của Vùng. Đó là chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp”, Bí thư Hoan nhấn mạnh.

Theo ông, một trong những thành phần vô cùng quan trọng để hiện thực hoá quan điểm đó chính là đội ngũ các chuyên gia và các nhà khoa học từ các viện, trường cùng nối kết với cộng đồng doanh nghiệp để dẫn dắt người nông dân thay đổi. Tư duy sản xuất đã định hình trong một thời gian dài với tôn chỉ "lấy sản lượng làm mục tiêu phấn đấu" của chính quyền, ngành chuyên môn và người nông dân, mà câu chuyện lúa ba vụ là một minh chứng rõ nét nhất. “Giờ là lúc chúng ta bớt đi bình phẩm về những tác hại của cách làm như vậy, mà hãy cùng nhau hành động để biến tư duy kinh tế thành hiện thực cho nền nông nghiệp của Đồng bằng”, Bí thư Hoan nói. 

Thay đổi tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế ảnh 2

PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu trường ĐH Cần Thơ 

Phát triển thuận thiên

Ông Nguyễn Hữu Lập, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, trong năm qua, tỉnh đã nghiên cứu, ứng dụng các bài học kinh nghiệm trong thực tiễn để thay đổi tư duy trong sản xuất, chuyển từ phát triển theo chiều rộng sang kết hợp hài hòa giữa chiều rộng với chiều sâu. Đồng thời, từng bước hình thành và phát triển các mô hình sản xuất, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu, thuận thiên.

Điển hình như: Mô hình canh tác lúa chịu mặn; Mô hình tôm - lúa; Mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn (giai đoạn 1: Ươm tôm giống dựa trên Hệ thống nuôi trồng thủy sản tuần hoàn có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, giai đoạn 2: nuôi tôm thương phẩm dựa trên hệ thống nuôi trồng thủy sản tuần hoàn); Mô hình thâm canh bưởi da xanh theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống hạn, mặn; Chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng các cây có giá trị kinh tế cao; Mô hình sản xuất theo chuỗi sản phẩm;...

PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu – Đại học Cần Thơ cho biết, thời gian qua có nhiều giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu đã được nông dân các nơi triển khai, các đánh giá bước đầu các giải pháp này hoàn toàn phù hợp với những thay đổi tự nhiên và các biến động thời tiết, giúp cải thiện sinh kế, thu nhập và giảm thiểu rủi ro. Điển hình như các mô hình canh tác chuyển đổi từ độc canh cây lúa sang các hình thức canh tác bền vững hơn trên nền lúa như mô hình lúa – cá, lúa – tôm, lúa - sen, lúa - màu, lúa – cây ăn trái,… Đồng thời kết hợp với chế biến nông sản, làm du lịch.

“Đây là các mô hình chuyển đổi canh tác rất thuận thiên, theo hướng bảo vệ môi trường, duy trì hệ sinh thái và ứng phó hiệu quả với các biến động khí hậu, rất  hợp lý với tinh thần Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Theo ông Tuấn, tuy là một vùng nông nghiệp năng động có giá trị đóng góp đáng kể cho nền kinh tế quốc dân nhưng cuộc sống người nông dân ở đây còn thấp và bấp bênh do chịu nhiều rủi ro tiềm ẩn từ sự tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Vì thế, cần có chiến lược cụ thể như đối với sản xuất nông nghiệp, cần phải điều chỉnh lịch thời vụ kịp thời, đẩy mạnh nghiên cứu tìm ra các giống cây con mới có thể chịu đựng khô hạn, nhiễm mặn tốt hơn. Xây dựng và khai thác các nguồn năng lượng tái tạo (gió, mặt trời, sinh khối, dòng chảy) nhằm phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Ngoài ra, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng và tập huấn phương pháp lồng ghép biên đổi khí hậu và kế hoạch phát triển của địa phương.

MỚI - NÓNG