Thay thế nhiều cây sưa đỏ chục tỷ và 4.000 cây xà cừ ở Hà Nội: Xã hội hóa để không bị trục lợi

TP - Chỉ tính riêng đoạn đường từ Mai Dịch đến cầu Thăng Long, kinh phí cho việc chặt hạ, di chuyển 1.300 cây xanh đã hết khoảng 10 tỷ đồng. Theo nhiều chuyên gia nếu đem trồng các cây mới như Hà Nội đã làm thời gian qua, vừa chết nhiều, vừa không có giá trị về bóng mát và phần nào làm biến mất giá trị lịch sử.

Gần chục tỷ đồng để xử lý 1.300 cây xanh

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, hiện thành phố Hà Nội đang nghiên cứu phương án thay thế 4.000 cây xà cừ trên địa bàn. Nguyên nhân được cho là cây xà cừ không phải cây đô thị, phần lớn già cỗi, dễ gãy đổ khi gặp thời tiết mưa bão. Thế nhưng, tính toán kỹ, nhiều chuyên gia về cây xanh cho rằng, việc chặt hạ 1 cây xà cừ hàng chục năm đến trăm năm tuổi để trồng bằng một loại cây mới chưa chắc giá trị đã bằng.

Theo khảo sát, thực tế trên tuyến đường Phạm Văn Đồng các cây có đường kính từ 61cm trở lên rất ít. Cụ thể, có khoảng hơn 90 cây có đường kính 15-40cm, 40 cây đường kính 41-50cm, 10 cây đường kính  51-60 cm, và chỉ có 1 cây đường kính 71-80cm. Theo dự toán của đơn vị thi công tuyến đường này, có khoảng 150 cây được giữ nguyên vị trí, chỉ cần cắt sửa tán, tổng số tiền thi công khoảng hơn 1 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, gần 300 cây bị chặt hạ, đường kính 15-40cm, tổng chi phí hơn 6 tỷ đồng. Riêng cây đánh chuyển về vườn ươm chiếm số lượng nhiều nhất với gần 900 cây, tổng kinh phí khoảng 6 tỷ đồng. Như vậy, ước lượng kinh phí để giải quyết vấn đề cây xanh ở tuyến đường từ cầu vượt Mai Dịch đến cầu Thăng Long khoảng hơn 10 tỷ đồng.

Theo ông Võ Nguyên Phong – Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, sau khi di dời 1.300 cây kể trên, Hà Nội sẽ trồng thay thế 1.547 cây, gồm giáng hương, bàng Đài Loan, cọ dầu, ban hoàng hậu, đại sứ, tường vi, hoa giấy…

Thay thế nhiều cây sưa đỏ chục tỷ và 4.000 cây xà cừ ở Hà Nội: Xã hội hóa để không bị trục lợi ảnh 1 Cây sưa đỏ trị giá hơn 10 tỷ đồng trên phố Trần Hưng Đạo nguy cơ sẽ bị chặt do quy hoạch giao thông của thành phố.

7 cây sưa đỏ giá hơn trăm tỷ đồng sẽ về tay ai?

Theo khảo sát của phóng viên Tiền Phong, tại Hà Nội, các làng nghề tập trung chế tác các sản phẩm mộc và thủ công mỹ nghệ từ gỗ cây xà cừ chủ yếu tập trung ở huyện Thường Tín, và huyện Phú Xuyên, Thạch Thất. Ông Hùng, chủ một xưởng mộc ở huyện Thạch Thất cho biết, hiện nay, xưởng của ông và nhiều xưởng khác ở địa bàn chủ yếu mua gỗ xà cừ từ các tỉnh Phú Thọ, Hà Giang, Tuyên Quang và một số tỉnh trong miền Nam chuyển về. Giá gỗ khoảng 7-10 triệu đồng 1m3 gỗ. Gỗ xà cừ có đặc tính thớ gỗ chắc, chống mối mọt tốt, đường kính lớn càng có giá trị kinh tế cao.

Ông Hùng cho hay, các đợt đấu giá gỗ xà cừ của Hà Nội hầu như những xưởng mộc như gia đình ông không có cơ hội tiếp cận. Theo người thợ mộc lâu năm này, gỗ xà cừ có đặc tính dễ cong, vênh nên để chế tác đồ thủ công mỹ nghệ thường đòi hỏi tuổi đời của cây gỗ phải vai chục năm trở lên. Ở huyện Thạch Thất hiện nay gỗ xà cừ chủ yếu được chế biến là xe cải tiến chở hàng hóa, mỗi xe có giá chỉ khoảng 1-2 triệu đồng. Đối với những loại gỗ tốt, các nghệ nhân có thể chế tác làm đồ nội thất như bàn ghế, cầu thang…

Trước đó, ngày 23/7/2015, Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản (Sở Tư pháp Hà Nội) thông tin, đã đấu giá xong đợt một 3 lô gỗ xà cừ, muồng, phượng, keo, bàng, sếu, bằng lăng… thuộc Đề án cải tạo thay thế cây xanh và gỗ thu hồi được sau khi chặt hạ cây trên đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân). Trong đó, lô 1 có gần 190m3 gỗ xà cừ, hơn 83m3 gỗ muồng, phượng, bàng, keo và hơn 78m3 củi các loại được định giá khởi điểm gần 769 triệu đồng. Số gỗ của lô 2 bán đấu giá tại kho là trên 50m3 gỗ xà cừ và 6,7m3 củi các loại, có giá khởi điểm là hơn 152 triệu đồng. Lô 3 gồm gỗ xà cừ đem đấu giá tại kho là 52,8m3 cùng 6,1m3 củi các loại với giá khởi điểm trên 160 triệu đồng.

Cty Cổ phần thiết bị công nghiệp Minh Đức là đơn vị đã trúng thầu cả 3 lô với giá hơn 1 tỷ đồng. Con số này chỉ bằng một phần nhỏ chi phí (tạm tính) để chặt 500 cây xà cừ trên đường Nguyễn Trãi (500 cây x 36 triệu đồng/cây, theo ước tính của UBND TP Hà Nội thời điểm đó).

Trong khi đó, đại diện một doanh nghiệp kinh doanh cây xanh ở Hà Nội cho hay, một cây xà cừ hàng chục năm tuổi có thể có giá lên tới hàng chục triệu đồng nếu đem bán cho các đại gia có biệt thự sân vườn, hoặc các khu đô thị mới, các hồ điều hòa của thành phố.

“Tính toán đơn giản nhất, một cây xà cừ kích thước khoảng 91-100cm, kinh phí cho việc đào bới, đánh chuyển về vườn ươm khoảng 7 triệu đồng. Nếu đem bán cho các xưởng mộc hoặc các khu biệt thự, đô thị mới có thể kiếm được vài chục triệu đồng, trong khi đem trồng thay thế bằng một cây cọ dừa cả giá cây và công trồng cũng mất khoảng 7 triệu đồng. Thế nhưng cọ dừa chỉ có tuổi đời vài chục năm, nếu đem bán thì giá trị rất thấp so với cây gỗ xà cừ hàng chục năm tuổi, lại không có ý nghĩa lịch sử”, chủ doanh nghiệp này nói.

Cũng theo vị này nắm được, trong đề án xử lý cây bóng mát thuộc khu vực hầm và các ga ngầm dự án đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn – ga Hà Nội có tổng số 323 cây dịch chuyển, chặt hạ. Đặc biệt, trong số này tại tuyến đường Trần Hưng Đạo có tới 7 cây sưa đỏ, trị giá mỗi cây trên thị trường lên tới 20 tỷ đồng. Nếu chặt đi không biết sẽ bán đấu giá ra sao, về tay ai? Do đó, chủ doanh nghiệp này cũng đồng tình với các ý kiến trước đó nên xã hội hóa việc chặt, di chuyển cây xanh ở Hà Nội.

Tại tuyến đường Trần Hưng Đạo có tới 7 cây sưa đỏ, trị giá mỗi cây trên thị trường lên tới 20 tỷ đồng. Nếu chặt đi không biết sẽ bán đấu giá ra sao, về tay ai?

MỚI - NÓNG