Thẻ căn cước cho trẻ em: Chủ yếu để cất giữ

TP - Tại phiên thảo luận hôm qua, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, việc làm thẻ căn cước cho công dân dưới 14 tuổi là lãng phí, phiền phức. Trong khi đó, Dự thảo Luật Căn cước công dân đề nghị bỏ giấy khai sinh.
Thẻ căn cước cho trẻ em: Chủ yếu để cất giữ ảnh 1

Đại biểu Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Như Ý

“Không thể thay giấy khai sinh”

Đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) nhấn mạnh, cấp giấy khai sinh (GKS) cho trẻ em là cần thiết, phù hợp với công ước quốc tế về trẻ em, làm căn cứ để tiến hành nhiều thủ tục pháp lý khác, kể cả cấp thẻ căn cước.

Thêm nữa, GKS liên quan 70 thủ tục hành chính khác, không thể bỏ ngay được. Vì vậy, cần tiếp tục cấp GKS nếu vẫn cấp thẻ căn cước công dân (CCCD) theo Luật Căn cước công dân. Ủng hộ quan điểm này, ĐB Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) nói rằng, GKS có giá trị suốt đời, không cần phải cấp đổi như các loại thẻ khác.

“Thẻ căn cước phải đổi định kỳ, giá thành lại tốn kém hơn GKS. Tôi thấy rằng, cần tiếp tục cấp GKS cho trẻ em như trong Luật Hộ tịch. Khi đủ 14 tuổi thì cấp thẻ căn cước. Như vậy đảm bảo tiện dụng, không xáo trộn, không gây tốn kém, lãng phí”, ĐB Tính nói.

ĐB Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang), ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) và một số ĐB cho rằng, cần giữ quy định về cấp GKS như hiện nay, việc cấp thẻ CCCD cho trẻ em là không phù hợp vì trẻ mới sinh ra thay đổi nhận dạng liên tục, gây tốn kém, vì số người dưới 14 tuổi chiếm tới 24% tổng dân số. “Việc cấp thẻ CCCD cho trẻ mới sinh ra chỉ phục vụ yêu cầu quản lý, không thể thay thế GKS”, ĐB Tám nói.

20 triệu thẻ để cất giữ - nên không?

ĐB Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên) cho rằng, luật chưa giảm phiền hà cho dân, vì cùng với thẻ căn cước trong Luật Căn cước công dân, Luật Hộ tịch vẫn giữ GKS. “Một người sinh ra vừa phải làm GKS vừa phải làm thẻ căn cước thì có giảm thủ tục hành chính, giảm bớt phiền hà cho người dân không?”, ĐB Kim Chi nêu vấn đề.

“Bỏ ra một khoản tiền tới 650 tỷ đồng để cấp thẻ căn cước cho khoảng 20 triệu người chủ yếu là để cất giữ… là điều cần phải tính toán trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn hiện nay”.

ĐB Đặng Thị Kim Chi

Theo ĐB này, thực tế, trẻ dưới 14 tuổi không tự thực hiện nhiều loại giao dịch mà phải thông qua người giám hộ. Có cần cấp thẻ CCCD cho độ tuổi này không, nhất là các cháu sơ sinh hoặc mẫu giáo, tiểu học? Bỏ ra một khoản tiền tới 650 tỷ đồng để cấp thẻ căn cước cho khoảng 20 triệu người, chủ yếu là để cất giữ… là điều cần phải tính toán, trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn hiện nay.

“Mặt khác, theo quy định tại khoản 2, điều 19, thẻ CCCD cho người dưới 14 tuổi không có ảnh, dấu vân tay, không ghi đặc điểm nhận dạng để phân biệt người này với người khác. Cấp thẻ CCCD cho đối tượng này là không phù hợp với khái niệm CCCD trong dự thảo luật”, ĐB Kim Chi nói.

ĐB Điều Huỳnh Sang (Bình Phước) nói rằng, chi phí để cấp khoảng 21 triệu thẻ CCCD cho nhóm này là không hề nhỏ, nhưng ít sử dụng trong việc giao dịch dân sự. ĐB Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định) đề nghị, không nên đổi tên chứng minh nhân dân thành thẻ CCCD để giảm phiền hà, lãng phí do việc phải cấp đổi lại hàng chục triệu thẻ như vậy.

ĐB Kim Chi kiến nghị, luật nên quy định theo hướng trẻ sinh ra bên cạnh đăng ký khai sinh, cần có đăng ký thông tin về cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và số định danh cá nhân.

Đến khi đủ 14 tuổi sẽ bổ sung định dạng cá nhân như dấu vân tay và cấp thẻ CCCD với số định danh đã có, không cấp thẻ cho người chưa đủ 14 tuổi. Quy định như vậy sẽ bảo đảm quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư từ khi con người sinh ra đến khi mất đi mà không tốn kém nhiều về kinh phí.

MỚI - NÓNG