Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc:

“Thế lực phản động đứng sau người tự ứng cử” chỉ là thông tin cá nhân!

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc. Ảnh Như Ý
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc. Ảnh Như Ý
TPO - Thông tin trên được Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định tại buổi họp báo bế mạc kỳ họp sáng 12/4.  

Không bị động khi làm nhân sự

Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến việc miễn nhiệm, bầu nhân sự thay thế tại kỳ họp, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, tại kỳ họp 11, Quốc hội dành nhiều thời gian cho công tác nhân sự, song hoàn toàn không có chuyện bị động và hoàn toàn có sự chuẩn bị, thông báo, thực hiện đúng quy trình về quản lý, miễn nhiệm, bổ nhiệm.

Trao đổi về việc không miễn nhiệm vị trí Phó Chủ tịch Quốc hội với bà Nguyễn Thị Kim Ngân và Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trước khi bầu làm Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng, ông Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định, không cần thiết phải thực hiện miễn nhiệm hai chức danh này trước khi bầu.

Bởi không có chuyện chủ tịch Quốc hội lại kiêm phó chủ tịch Quốc hội. Còn những vị trí khác thì phải miễn nhiệm, ví như Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, phải miễn nhiệm mới bầu ông Đỗ Bá Tỵ thay thế. Hay đối với Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, không phải một lúc kiêm hai chức danh nên không cần miễn nhiệm chức danh cũ trước khi bầu Thủ tướng Chính phủ.

Phó Tổng Thư ký Quốc hội Lê Minh Thông cũng cho rằng, việc kiện toàn nhân sự tại kỳ họp này được thực hiện đúng chủ trương, quy định của pháp luật và được làm rất suôn sẻ, tốt đẹp. 

Việc rút kinh nghiệm để làm tốt hơn trong lần tới, theo ông Thông đây là việc đương nhiên, và việc kiện toàn nhân sự lần này cũng rút ra được một số bài học kinh nghiệm. Qua đó cần hoàn thiện quy định pháp luật, nhân sự Đại hội Đảng sau khi được thông qua làm sao để đại biểu tiếp cận sớm hơn, đáp ứng kịp thời hơn để đảm bảo tính chặt chẽ nhất, gọn nhất.

Xúc động nghị thức tuyên thệ

Trao đổi về vấn đề tuyên thệ sau khi được bầu, ông Phúc cho biết, đây là lần đầu tên thực hiện nghi thức tuyên thệ, nhưng không mới. Năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm lễ tuyên thệ ở Đình Tân Trào và lần này được lấy từ ý tưởng đó.

Về việc đại biểu Quốc hội không đứng khi tuyên thệ, ông Phúc cho biết, việc này trên thế giới có nơi đứng, có nơi ngồi chứ không có quy định cụ thể nào mà tùy điều kiện hoàn cảnh cụ thể. Chẳng hạn như ở Nga, ông Putin nhậm chức, do phòng không có ghế nên đại biểu phải đứng.

Trước phản ánh về tình trạng đại biểu Quốc hội dùng điện thoại chụp ảnh khi tuyên thệ, ông Phúc lý giải: Nhiều đại biểu muốn có kỷ niệm, muốn ghi lại dấu ấn nên cũng là chuyện bình thường. Nhưng khi quay trên ti vi thì đồng bào thấy việc tuyên thệ rất trang nghiêm. 

Người đầu tiên tuyên thệ lại là nữ Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nên hình ảnh này rất xúc động. Đồng thời vì người đầu tiên tuyên thệ, các đại biểu ở dưới ngồi, nếu ba người sau tuyên thệ lại thay đổi nghi thức sẽ không đồng bộ, và nếu có thay đổi phải sang kỳ sau.

Chỉ là ý kiến cá nhân

Trả lời câu hỏi về các đại biểu tự ứng cử, ông Phúc cho biết, Quốc hội XIII có hai đại biểu Quốc hội bị bãi miễn và đều là nữ tự ứng cử là điều rất đáng tiếc. Tuy nhiên, tại nhiệm kỳ này, dù đại biểu tự ứng cử, hay đề cử thì tất cả đều “phát biểu rất nhiệt tình”, không có sự khác biệt.

Theo ông Phúc, việc có nhiều người tự ứng cử tại nhiệm kỳ XIV là điều rất tốt, rất đáng hoan nghênh, cho thấy Quốc hội nhận được sự quan tâm nhiều hơn. Theo thông tin sơ bộ, đến trước hiệp thương vòng 3 có khoảng 48 người tự ứng cử, và đến vòng 3 sẽ chốt danh sách cuối cùng, sau đó giới thiệu để cử tri đi bầu.

Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến thông tin về “tổ chức phản động đứng sau người tự ứng cử”, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Văn phòng Quốc hội vừa nhận được thư kiến nghị của ông Nguyễn Quang A (người tự ứng cử) về việc này, và đã có thư trả lời. Ông Phúc khẳng định lại, thông tin trên nêu ra được báo chí phản ánh trước đó chỉ là ý kiến của một cá nhân, không phải của Tiểu Ban An ninh, không có việc đó.

Về đưa thông tin bầu cử trên mạng cá nhân, theo ông Phúc đây là quyền của mỗi người, không ai cấm. “Hiện đang trong giai đoạn hiệp thương, chưa biết ai được vào danh sách chốt nên đưa thông tin lên mạng cá nhân là quyền họ. Còn sau này khi đưa vào danh sách bầu, tất cả đại biểu kể cả tự ứng cử hay giới thiệu đều phải tuân thủ theo luật trong việc vận động bầu cử”, ông Phúc cho hay.

Tổng Thư ký Quốc hội cũng khẳng định, lấy ý kiến cử tri nơi cư trú, không ai hiểu ứng viên hơn là chính bà con nơi cư trú. “Họ hiểu rõ và công khai cá nhân đó thế nào, gia đình ra sao, sinh hoạt thế nào, người ta thấy tốt thì bảo tốt, thấy không tốt thì nói không tốt, rất rõ ràng, sòng phẳng. 

Sau đó sẽ biểu quyết, nếu ai trên 50% đồng ý thì được giới thiệu, dưới 50% thì bị loại”, ông Phúc cho hay, đồng thời khẳng định Luật Báo chí không cấm việc phóng viên, nhà báo đến đưa tin tại các hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú, nếu địa phương nào ngăn cản là vi phạm luật.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.