Từ vụ phóng viên báo Tuổi Trẻ bị xử phạt:

Thế nào là hành vi “lợi dụng tư cách nhà báo”?

Luật sư Đinh Anh Tuấn. Ảnh: Phú Xuân
Luật sư Đinh Anh Tuấn. Ảnh: Phú Xuân
TP - “Để chứng minh mình không ‘Lợi dụng tư cách nhà báo…”, các nhà báo, phóng viên cần tác nghiệp đúng quy định của Luật Báo chí và các văn bản hướng dẫn thi hành. Nếu phóng viên Quang Thế thấy việc xử phạt không đúng luật định, có thể khởi kiện ra tòa”.

Đó là quan điểm của luật sư Đinh Anh Tuấn (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) khi trao đổi với Tiền Phong quanh vụ Công an quận Tây Hồ, Hà Nội ra quyết định xử phạt phóng viên Quang Thế (báo Tuổi Trẻ) hơn 14 triệu đồng về 6 lỗi vi phạm hành chính; trong vụ việc liên quan tới cảnh sát hình sự Công an huyện Đông Anh, Hà Nội trên cầu Nhật Tân ngày 23/9.

Luật sư Tuấn cho biết thêm, ông không được nghiên cứu hồ sơ vụ việc, nên không thể phát biểu bên nào đúng, bên nào sai, đúng tới đâu, sai tới đâu. Nếu ông Quang Thế thấy việc xử phạt như vậy không đúng luật định, không phù hợp với diễn biến thực tế vụ việc, ông Thế có thể khởi kiện ra tòa. Một phán quyết có hiệu lực pháp luật của Tòa án sẽ là câu trả lời ai đúng, ai sai.

Trong 6 hành vi vi phạm hành chính ông Thế bị xử phạt, luật sư quan tâm đến hành vi nào nhất?

Tôi quan tâm nhất đến hành vi “Lợi dụng tư cách nhà báo, phóng viên can thiệp, cản trở hoạt động đúng pháp luật của tổ chức, cá nhân”, theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 6 Nghị định số 159/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản.

Theo tôi, tinh thần của điều luật này không phải để xử lý những hành vi theo kiểu của phóng viên Quang Thế (trong lúc tác nghiệp, phóng viên có thể vô tình gây cản trở hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân). Tinh thần của điều luật này nhằm xử lý những hành vi cố ý. Tôi không cho rằng phóng viên Quang Thế đã cố tình cản trở hoạt động của tổ công an đang bảo vệ hiện trường, anh ta đang muốn chụp ảnh và thu thập thông tin, đơn giản thế thôi.

Nhưng sự việc đang có những diễn biến không đơn giản. Các nhà báo cần làm gì để vừa có thể tác nghiệp, lại vừa chứng minh mình không “Lợi dụng tư cách nhà báo, phóng viên can thiệp, cản trở hoạt động đúng pháp luật của tổ chức, cá nhân”?

Các nhà báo, phóng viên cần chứng minh họ đang tác nghiệp đúng quy định của Luật Báo chí và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Ở chiều ngược lại, tôi cho rằng việc một số ít cán bộ chức năng có hành vi cản trở, thậm chí tấn công nhà báo không phải vì họ tôn trọng Luật Báo chí, không phải vì họ đang nghiêm chỉnh thực thi Nghị định số 159/2013/NĐ-CP của Chính phủ, mà ngược lại, chính họ đang vi phạm nghiêm trọng Nghị định này. Tuy nhiên, thường là không có ai căn cứ vào Nghị định này để xử phạt họ.

Ông có thể cho biết điều khoản nào của Nghị định 159/2013/NĐ-CP bảo vệ nhà báo tác nghiệp đúng pháp luật?

Điều 7 Nghị định 159/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi “cản trở?trái pháp luật hoạt động nghề nghiệp của nhà báo, phóng viên”; phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi “xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên khi đang hoạt động nghề nghiệp”; biện pháp khắc phục hậu quả là buộc người đã có hành vi vi phạm phải xin lỗi nhà báo, phóng viên.

Theo ông, hành vi cản trở tác nghiệp phóng viên (nếu có) trong vụ việc, cơ quan nào có thẩm quyền xử phạt?

Vấn đề là ai đứng ra xử phạt? Phía các cán bộ Công an huyện Đông Anh  nói họ đang “bảo vệ hiện trường”. Các nhà báo, phóng viên chỉ có thể trông mong vào Thanh tra Sở Thông tin - Truyền thông TP Hà Nội, hoặc Thanh tra Bộ Thông tin - Truyền thông. Các cơ quan này có thể thu thập dữ liệu điện tử (video clip và hình ảnh) do các nhà báo, phóng viên quay được, chụp được, để có căn cứ lập hồ sơ xử lý. Theo tôi, không chỉ riêng phóng viên Quang Thế, mà báo Tuổi trẻ và Hội Nhà báo Việt Nam cần kiến nghị với các cơ quan tôi vừa nêu để xử lý vụ việc.

Có người cho rằng các nhà báo, phóng viên thường “làm to chuyện” chứ thực ra vụ việc cũng không có gì to tát lắm. Xin cho biết quan điểm của ông?

Hành vi cản trở nhà báo tác nghiệp xâm hại đến quyền cơ bản của người dân, đó là quyền được thông tin. Khi đã xâm hại đến quyền cơ bản của người dân thì không thể xem là chuyện nhỏ.

Cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG