Thêm 5 dịch vụ công trực tuyến, tiết kiệm nghìn tỷ mỗi năm

CSGT nhập dữ liệu tài xế vào hệ thống. Ảnh: Nguyễn Hoàn
CSGT nhập dữ liệu tài xế vào hệ thống. Ảnh: Nguyễn Hoàn
TP - Ước tính, việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến vừa được công bố có thể giúp tiết kiệm được thời gian, chi phí thực hiện của người dân, doanh nghiệp tối thiểu khoảng 1.686 tỷ đồng/năm.

Ngày 1/7, Văn phòng Chính phủ họp báo công bố thêm năm dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, gồm: Dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính; đóng BHXH tự nguyện; gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình; cấp mới, đổi giấy phép lái xe mức độ 4; nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Ước tính, việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến vừa được công bố có thể giúp tiết kiệm được thời gian, chi phí thực hiện của người dân, doanh nghiệp tối thiểu khoảng 1.686 tỷ đồng/năm.

Ngồi nhà nộp phạt

Tại buổi họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, thời gian qua, số lượng người tra cứu để nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ tương đối lớn, khoảng hơn 16.000 lượt. Lực lượng cảnh sát giao thông đã cung cấp gần 11.000 dữ liệu về các trường hợp vi phạm hành chính để phục vụ tra cứu, nộp phạt trực tuyến. Tuy nhiên, số lượng nộp phạt trực tuyến thành công còn thấp, chủ yếu do phạm vi thực hiện thí điểm còn hẹp, cơ sở hạ tầng của các đơn vị thực hiện dịch vụ còn hạn chế, tâm lý e ngại, thói quen chưa hình thành…

Từ ngày 1/7, việc nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ bằng hình thức trực tuyến được mở rộng phạm vi trên toàn quốc. Thẩm quyền xử phạt thuộc về Thanh tra giao thông, chỉ huy cấp đội trở lên thuộc phòng Cảnh sát giao thông Công an các địa phương và các đơn vị trực thuộc Cục Cảnh sát giao thông.

Cũng từ tháng 7 này, dịch vụ cấp mới, đổi giấy phép lái xe cũng được nâng cấp từ mức độ 3 lên mức độ 4 trên cơ sở tích hợp, chia sẻ dữ liệu khám sức khỏe của Bộ Y tế và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ của Bộ Công an.

Theo tính toán, nếu triển khai dịch vụ này trên toàn quốc, sẽ phục vụ trung bình khoảng hơn 965.000 lượt người và tiết kiệm được 324 tỷ đồng mỗi năm so với thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3.

Ông Dũng cho biết, dịch vụ này được thí điểm từ 1/7 tại Tổng cục Đường bộ, thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Nam, với ba bệnh viện ở Hà Nội (Giao thông vận tải, E, Đa khoa Hà Đông) và tám bệnh viện, trung tâm y tế ở Hà Nam (Đa khoa Hà Nam, Đa khoa Nam Lý; các trung tâm y tế huyện Bình Lục, Kim Bảng, Lý Nhân, Thanh Liêm, thị xã Duy Tiên và Trung tâm Giám định y khoa tỉnh).

Giảm thiểu chi phí xã hội

Theo ông Dũng, với chứng thực bản sao điện tử từ bản chính, bản sao điện tử có giá trị sử dụng thay cho bản chính đã dùng để đối chiếu chứng thực trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Bản sao chứng thực điện tử được ký số bảo đảm tính nguyên vẹn, chính xác và có thể sử dụng lại nhiều lần.

Ngoài ra, việc này sẽ giúp người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện trực tuyến hoàn toàn đối với đa số các thủ tục hành chính đã được cung cấp trên môi trường điện tử, loại bỏ tình trạng phải nộp bản sao chứng thực, xuất trình bản giấy để xác minh lại hồ sơ như hiện nay. Theo thống kê của Bộ Tư pháp, trong năm 2019, số lượng bản sao chứng thực được thực hiện trên 102 triệu bản, nếu sử dụng lại được 30% kết quả chứng thực, chi phí xã hội tiết kiệm hơn 428 tỷ đồng/năm.

Cũng từ tháng 7 này, người dân hoàn toàn có thể ngồi tại nhà đăng ký tham gia và đóng BHXH tự nguyện. Theo thống kê của BHXH Việt Nam, hiện có gần 615.000 người tham gia BHXH tự nguyện.

Nếu đóng trực tuyến sẽ giúp tiết kiệm hơn 209 tỷ đồng/năm. Việc bổ sung dịch vụ gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình cũng cho phép người dân đóng tiền trực tuyến cho mình hoặc người thân. Với hơn 17 triệu người tham gia BHYT theo hộ gia đình, nếu chỉ 50% trong số này thực hiện gia hạn trực tuyến, số tiền tiết kiệm được hằng năm vào khoảng gần 725 tỷ đồng.

Vướng mắc nộp phạt online

Trao đổi với phóng viên bên lề buổi họp báo ngày 1/7, Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an), cho biết, tính đến 6 giờ sáng cùng ngày, lực lượng CSGT toàn quốc đã đăng vào Cổng dịch vụ công quốc gia 13.000 trường hợp, trong đó 11.000 trường hợp có quyết định xử phạt. Tuy nhiên, tỷ lệ sử dụng nộp tiền tại Cổng dịch vụ công quốc gia còn hạn chế - chỉ có 97 trường hợp. Ông nói rằng, Luật Xử lý vi phạm hành chính, nghị định hướng dẫn và các quy định hiện hành không quy định điền số điện thoại trong mẫu biên bản xử lý vi phạm hành chính, trong khi đây là điều rất quan trọng để cung cấp nhanh nhất thông tin cho người dân. Một khó khăn khác là người dân phải có tài khoản, có trình độ hiểu biết nhất định về công nghệ thông tin.

Luân Dũng

MỚI - NÓNG