Dịch vụ thủy phi cơ:

Thêm một cách yêu đất nước từ trên cao

Những vị khách đầu tiên của thủy phi cơ. Ảnh: sỹ lực
Những vị khách đầu tiên của thủy phi cơ. Ảnh: sỹ lực
TP - Thủy phi cơ, loại máy bay tầm thấp, hạ cánh trên bộ, trên mặt biển, sông hồ vừa được đưa vào khai thác dịch vụ bay ngắm cảnh tại vịnh Hạ Long. 

Dịch vụ do Hãng hàng không Hải Âu chính thức đưa vào hoạt động vào ngày 9/9 sau 2 năm chuẩn bị. Thủ tục bay đơn giản đến bất ngờ: Khách mua vé, ngồi chờ ở căn nhà nhỏ của Hải Âu bên bờ cảng Tuần Châu (Hạ Long). Đến giờ, xe điện chở khách ra sân đỗ (gần nên khách có thể đi bộ).

Chiếc thủy phi màu trắng đợi sẵn trên bờ. Nhân viên đặt một cầu thang nhỏ, khách bước 3 bước là vào trong tàu bay. Tàu bay có 12 chỗ, kể cả hai phi công. Khoang lái và khoang khách thông nhau; phía sau là nơi để hành lý, ngăn bằng tấm bạt. 

Nhà báo Claire đến từ tờ The Daily Telegraph của Anh thốt lên “Thật kinh ngạc khi nhìn vịnh Hạ Long từ trên cao”. Suốt chuyến, Claire và các đồng nghiệp không rời chiếc máy quay, ghi lại cảnh những mái nhà nhỏ, đỏ chót của Hải Phòng, những dòng sông uốn lượn quanh những làng mạc, ruộng đồng xanh ngắt hay những khu công nghiệp, tuyến đường cao tốc đang ngày nhiều hơn cho đến khi hạ cánh tại Nội Bài.

Bầu trời là tài sản lớn 

Tham gia chuyến bay khai trương, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng chia sẻ, tàu bay khởi hành từ Nội Bài (Hà Nội) mưa to khiến ông và khách đi cùng hơi lo. Nhưng cảm giác đó nhanh chóng mất đi dành cho sự quan sát đầy suy tư. “Đất nước Việt Nam tươi đẹp, nhìn từ trên cao càng đẹp, càng yêu đất nước hơn” – Ông Thăng nói.

Theo người đứng đầu Bộ GTVT, việc ra đời dịch vụ này không chỉ mang đến một loại hình vận tải mới mà quan trọng hơn là thu hút được khách du lịch đến Việt Nam, góp phần khẳng định chủ quyền vùng biển, vùng trời. 

Ông Nguyễn Văn Đọc, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh hé lộ, tỉnh dự định cung cấp dịch vụ thủy phi cơ vào năm 2018, nhưng sự kiện khai trương này đã đưa kế hoạch về đích trước 4 năm. Ông Đọc đề nghị với Bộ trưởng Thăng nghiên cứu cho thủy phi cơ xuất phát từ sân bay Gia Lâm, hoặc tái lập cảng thủy phi cơ ngay tại Hồ Tây (thuộc vùng cấm bay của Hà Nội) để hút khách du lịch. 

Đáp lại đề nghị này, Bộ trưởng Thăng nói: “Bộ GTVT sẽ cùng Bộ Quốc phòng nghiên cứu. Bầu trời là một tài sản rất lớn, quan điểm là mở cửa bầu trời để phát triển kinh tế”. 

Trao đổi với Tiền Phong bên lề sự kiện, một tướng lĩnh của Quân chủng Phòng không Không quân cho rằng, để thủy phi cơ hoạt động tầm thấp là một quyết định rất khó khăn. “Công tác quản lý phức tạp hơn nhưng không thể vì thế mà khép kín, kìm hãm kinh tế” - vị này nói.

Tổng Giám đốc Hải Âu, ông Lương Hoài Nam, cho biết, hiện có nhiều khách đăng ký bay cùng Hải Âu, chủ yếu là khách nước ngoài. Tháng 11 tới, Hải Âu nhập thêm chiếc máy bay thứ 3 và nhập tiếp vào các năm sau để mở đường bay ngắm cảnh đến Nha Trang, Kiên Giang, Phú Quốc, Côn Đảo.

MỚI - NÓNG