Thêm nhiều ca mắc, chủng virus gây COVID-19 mới xuất hiện ở Việt Nam

TP - Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 ngày 27/7, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thông báo, Việt Nam xuất hiện chủng virus gây COVID-19 mới, có sức lây lan nhanh so với các chủng trước đây.
Thêm nhiều ca mắc, chủng virus gây COVID-19 mới xuất hiện ở Việt Nam ảnh 1

Đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng đồng lòng vượt qua giai đoạn khó khăn. Ảnh: Nguyễn Thành

11 ca mắc mới, có 4 nhân viên y tế

Chiều tối 27/7, Bộ Y tế cho biết, có thêm 11 ca mắc COVID-19 liên quan Bệnh viện Đà Nẵng. Các ca mắc mới tuổi từ 24-70, trong đó có 7 bệnh nhân đang điều trị tại các khoa Tim mạch, Hồi sức tích cực- Chống độc, Nội thận - Nội tiết và 4 nhân viên y tế của Bệnh viện Đà Nẵng. Sau khi được phong tỏa ngày 26/7, Bệnh viện Đà Nẵng đã lấy mẫu bệnh phẩm gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng, kết quả xét nghiệm ngày 27/7 có 11 mẫu dương tính với SARS-CoV-2.

Đó là các bệnh nhân 421 (nam, 26 tuổi, phường Tam Thuận, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng), bệnh nhân 422 (nam, 63 tuổi), phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng; bệnh nhân 423 (nữ, 41 tuổi, nhân viên Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc; bệnh nhân 424 (nữ, 58 tuổi, nhân viên Khoa Hồi sức tích cực- Chống độc); bệnh nhân 425 (nữ, 24 tuổi, nhân viên y tế); ca bệnh 426 (nữ, 62 tuổi, bệnh nhân Khoa Nội thận- Nội tiết; ca bệnh 427 (nam, 45 tuổi, bệnh nhân Khoa Nội thận- Nội tiết); ca bệnh 428 (nam,70 tuổi, bệnh nhân Khoa Nội thận - Nội tiết); ca bệnh 429 (nữ, 53 tuổi, bệnh nhân Khoa Nội thận- Nội tiết); ca bệnh 430 (nữ, 33 tuổi, bệnh nhân Khoa Nội thận - Nội tiết); bệnh nhân 431 (nam, 55 tuổi, bệnh nhân Khoa Cấp cứu). Các bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng.

“Thời gian tới, chúng tôi không ngạc nhiên nếu Việt Nam xuất hiện thêm những ca bệnh mới trong cộng đồng hoặc trở về nước. Điều đó cho thấy hệ thống giám sát đang hoạt động tốt. Công tác truy vết, khoanh vùng, phát hiện hiệu quả. Chúng tôi tin Việt Nam sẽ nhanh chóng cách ly, khoanh vùng, dập dịch hiệu quả. Việc xuất hiện các ca bệnh từ nước ngoài về, chứng tỏ chính sách nhân đạo của Chính phủ Việt Nam, củng cố niềm tin của người dân với chính quyền”, TS Park Kidong, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam

Chiều 27/7, Thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 họp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các tổ chức quốc tế khác về công tác phòng, chống dịch bệnh. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu, mỗi khi tình hình dịch bệnh có thay đổi, Việt Nam mong muốn tham vấn ý kiến của WHO và các tổ chức, chuyên gia quốc tế. Ban Chỉ đạo cho biết, hệ thống giám sát đã phát hiện các ca bệnh mới lây nhiễm trong cộng đồng tại Đà Nẵng. Những ngày tới sẽ phát hiện thêm nhiều ca nhiễm, không chỉ ở Đà Nẵng mà cả một số địa phương khác có người liên quan đến Đà Nẵng.

Trao đổi tại cuộc họp, TS Park Kidong, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, đánh giá, việc xuất hiện lại các ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng ở Việt Nam là điều bình thường. Nhiều nước đã ghi nhận số ca lây nhiễm trong cộng đồng tăng mạnh sau khi dỡ bỏ giãn cách xã hội.

Chủng virus mới lây lan nhanh

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay, kết quả phân tích nguồn gene của virus từ các bệnh nhân cho thấy đây là chủng virus mới xuất hiện ở Việt Nam (trước đây nước ta phát hiện 5 chủng SARS-CoV-2 khác nhau). Chủng này có đặc tính lây lan nhanh hơn so với các chủng trước đây đã ghi nhận. Tuy nhiên, chưa có căn cứ xác định độc lực của virus này tăng lên so với các chủng trước.

Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, hiện chưa có đủ bằng chứng là 4 ca nhiễm vừa công bố ở Đà Nẵng có cùng nguồn lây, có thể dịch đến từ nhiều nguồn và khởi phát của ổ dịch bắt đầu từ cộng đồng. Chủng virus ở bệnh nhân Đà Nẵng là chủng xâm nhập từ bên ngoài. Ông Long cho rằng, dịch có thể bắt đầu từ đầu tháng 7 và cho đến nay, Đà Nẵng đã trải qua 4 chu kỳ lây nhiễm và có thể còn nhiều trường hợp lây nhiễm nữa. Ông nhận định, dịch khả năng diễn biến phức tạp, có thể lan ra các địa phương khác.

Các chuyên gia dịch tễ cho biết, qua phân tích dịch tễ, các trường hợp mắc bệnh đều liên quan 3 cơ sở: Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Chỉnh hình. Ba bệnh viện này nằm chung trên 1 khu đất. Về việc phong toả cụm 3 bệnh viện tại Đà Nẵng, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, sẽ áp dụng giống như Bệnh viện Bạch Mai trước đây. Đồng thời, Bộ Y tế sẽ hỗ trợ tối đa về nguồn lực để cùng với địa phương tổ chức hiệu quả cách ly, truy vết, điều trị, xét nghiệm, khoanh vùng, dập dịch…

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho rằng, để ngăn chặn dịch bệnh lây lan ra cộng đồng, cần phong toả từng nấc; giãn cách xã hội tại Đà Nẵng, mọi người hạn chế ra khỏi nhà, không tụ tập đông người. Tất cả những người đi từ Đà Nẵng có liên quan đến ổ dịch này khi trở về địa phương khác phải cách ly 14 ngày và theo dõi chặt chẽ như những người tiếp xúc gần; còn những người khác từ Đà Nẵng về phải khai báo y tế và theo dõi sức khoẻ. Bên cạnh đó, cần mở rộng xét nghiệm để nhanh chóng phát hiện các ổ dịch để kịp thời khoanh vùng, dập dịch triệt để.

Sau khi nghe ý kiến thảo luận của các chuyên gia và thành viên Ban chỉ đạo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói rằng, cần phải tiếp tục phát huy những kinh nghiệm trước đây trong công tác phòng, chống dịch bệnh. “Chúng ta vừa phải dập dịch nhanh, vừa giữ xã hội ổn định và phát triển nên phải có những quyết định rất chính xác.

Vai trò của lực lượng điều tra dịch tễ học, phối hợp với công an, quân đội để xác định nhanh nhất nguồn lây, véc-tơ truyền bệnh là vô cùng quan trọng. Không chỉ Đà Nẵng, mà tất cả các tỉnh, thành phố phải tăng cường công tác rà soát các bệnh nhân có triệu chứng đến khám ở các bệnh viện, phòng khám tư nhân; kiểm soát chặt chẽ người nước ngoài nhập cảnh…

Bộ Y tế khẩn trương triển khai xét nghiệm bằng các loại kit thử mà Việt Nam sản xuất; bảo đảm đầy đủ kit thử, trang thiết bị y tế và những điều kiện cần thiết khác để sẵn sàng ứng phó với các diễn biến của dịch bệnh. Tinh thần là chống dịch như đánh trận, quyết liệt nhưng phải bình tĩnh, bảo đảm ổn định kinh tế, xã hội”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG