Thêm phương án mới về xử lý tài sản không giải trình được

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga
TPO - Ngoài hai phương án thu thuế thu nhập cá nhân và phương án xử phạt hành chính, nhiều ý kiến ĐBQH đề nghị xác lập quyền sở hữu của Nhà nước đối với tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc (phương án 3) theo thủ tục tố tụng dân sự tại Tòa án.

Chiều 10/8, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến (lần 2) về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Cụ thể, Uỷ ban Tư pháp và cơ quan trình dự án trình xin ý kiến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về các phương án xử lý tài sản, thu nhập không giải trình được hợp lý về nguồn gốc (Điều 57).

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, ngày 23/7/2018, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã chủ trì làm việc với lãnh đạo các cơ quan hữu quan để thảo luận về phương án xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc.

Tại cuộc họp, các cơ quan tham dự đã thống nhất bổ sung thêm phương án xác lập quyền sở hữu của Nhà nước tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc theo thủ tục giải quyết vụ việc, vụ án dân sự tại Tòa án để xin ý kiến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Chính trị và báo cáo Quốc hội.

Ngoài hai phương án thu thuế thu nhập cá nhân và phương án xử phạt hành chính, nhiều ý kiến ĐBQH đề nghị xác lập quyền sở hữu của Nhà nước đối với tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc (phương án 3) theo thủ tục tố tụng dân sự tại Tòa án.

Theo Uỷ ban Tư pháp, ưu điểm của phương án 1 (thu thuế) thể hiện thái độ rõ ràng của Nhà nước khi xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc. Song nhược điểm của phương án này lại chưa thể hiện được thái độ nghiêm khắc của Nhà nước trong xử lý tài sản, thu nhập có dấu hiệu không minh bạch với ý nghĩa là một biện pháp nhằm PCTN. Đồng thời, việc quy định thuế suất 45% như dự thảo luật cũng chưa có căn cứ hợp lý.

Còn ưu điểm của phương án 2 (xử phạt hành chính) là bổ sung thêm một loại chế tài để xử lý hành vi kê khai không trung thực bên cạnh chế tài xử lý kỷ luật như Luật hiện hành; thể hiện thái độ nghiêm khắc của Nhà nước trong việc xử lý hành vi không giải trình được hợp lý về nguồn gốc tài sản, thu nhập. Nhưng nhược điểm là mới chỉ xử lý được hành vi vi phạm mà chưa xử lý trực tiếp được tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc, trong khi đây là vấn đề mà thực tiễn công tác PCTN đang gặp rất nhiều vướng mắc.

Với phương án 3 (tố tụng dân sự), đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc thì việc xác lập quyền sở hữu đối với tài sản, thu nhập này phải thông qua thủ tục tố tụng dân sự tại Tòa án.

Ưu điểm của phương án này cũng vừa thể hiện thái độ mạnh mẽ của Nhà nước, lại giải quyết được những vướng mắc trong kiểm soát tài sản, thu nhập của Luật PCTN hiện hành. Đây cũng là hình thức xử lý mà nhiều nước trên thế giới đang áp dụng. Phương án này cũng không phải sửa đổi pháp luật về dân sự và pháp luật về tố tụng dân sự.

Về tố tụng dân sự, đối với trường hợp người có nghĩa vụ kê khai đồng ý bằng văn bản với Kết luận xác minh thì cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có đơn yêu cầu và Tòa án tiến hành thụ lý, giải quyết theo thủ tục giải quyết việc dân sự theo quy định tại Phần thứ 6 của Bộ luật Tố tụng Dân sự. Trường hợp người có nghĩa vụ kê khai không đồng ý với Kết luận xác minh thì cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập khởi kiện và Tòa án thụ lý giải quyết theo thủ tục giải quyết vụ án dân sự theo quy định tại Phần thứ 2 của Bộ luật Tố tụng Dân sự.

Về trách nhiệm chứng minh: Phương án này không mâu thuẫn với quy định về trách nhiệm chứng minh trong tố tụng dân sự (đa số các trường hợp, nghĩa vụ chứng minh thuộc về người khởi kiện). Bởi vì Luật PCTN hiện hành quy định người có nghĩa vụ kê khai phải có tránh nhiệm giải trình về nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm và quy định này tiếp tục được kế thừa trong dự thảo Luật. Mặt khác, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập vẫn phải có trách nhiệm chứng minh tính không hợp lý trong việc giải trình về nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm của người có nghĩa vụ kê khai.

“Như vậy, trong quá trình tranh tụng, Tòa án phán quyết về tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc thì tài sản, thu nhập tăng thêm đó thuộc sở hữu của Nhà nước.

Qua cân nhắc kỹ từng phương án, Uỷ ban Tư pháp và cơ quan trình dự án thấy phương án 2 (xử phạt hành chính) có nhiều yếu tố bất hợp lý nên đề nghị không lựa chọn. Đối với 2 phương án còn lại, Uỷ ban Tư pháp đề nghị lựa chọn phương án 3 là xác lập quyền sở hữu của Nhà nước đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc thông qua thủ tục giải quyết tại Tòa án.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến trong Uỷ ban Thường vụ Quốc hội còn rất băn khoăn với lý giải của Uỷ ban Tư pháp, khi cho rằng: “Trong quá trình tranh tụng, Tòa án phán quyết về tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc thì tài sản, thu nhập tăng thêm đó thuộc sở hữu của Nhà nước”.

Nhiều đại biểu cho rằng, nếu vừa đưa ra tòa xử mà đã kết luận tài sản đó "thuộc sở hữu của Nhà nước" thì không hợp lý.

MỚI - NÓNG