'Theo chân' thuốc chữa bệnh trôi nổi: Thuốc thu hồi lại chui ra ngoài

'Theo chân' thuốc chữa bệnh trôi nổi: Thuốc thu hồi lại chui ra ngoài
TP - Nhiều loại thuốc đã được ngành chức năng yêu cầu thu hồi, tiêu hủy do không đảm bảo chất lượng nhưng, lạ thay, ở các nhà thuốc và chợ dược phẩm, muốn mua thuốc thu hồi bao nhiêu cũng có.

>> Kỳ trước

'Theo chân' thuốc chữa bệnh trôi nổi: Thuốc thu hồi lại chui ra ngoài ảnh 1

Thanh tra Sở Y tế TPHCM kiểm tra một phòng mạch sai phạm. Ảnh: Lê Nguyễn

Thu hồi rồi bán lại

Cầm danh sách 30 loại thuốc đã được Cục Quản lý Dược yêu cầu thu hồi do nhiễm khuẩn, không đảm bảo chất lượng trong vòng một năm qua, tôi đến nhà thuốc Duy Trúc trên đường Cách Mạng Tháng Tám, phường 13, quận 10.

Chỉ vào loại thuốc bao phim Cetirizine 10mg lô sản xuất EV 801, hạn dùng đến tháng 2/2011, số đăng ký VN-2786 do Cty Kausilkh Therapeutics Ltd. India sản xuất, được một Cty ở TPHCM nhập về, người bán hàng chạy vào bên trong nhà, lục tìm hồi lâu rồi cầm ra hai hộp.

Tôi hỏi mua thêm hai loại viên nén Torilor 10mg và Loratadine 10mg cùng lô sản xuất, hạn dùng, và số đăng ký Việt Nam được Cục Quản lý Dược yêu cầu thu hồi từ tháng 4/2008, nhân viên bán hàng của nhà thuốc này bảo chờ rồi chạy đi lục tìm. Không lâu sau, người này cho biết, chỉ còn loại thuốc Loratadine 10mg, còn loại kia đã đứt hàng hơn năm nay.

Đến một nhà thuốc nổi tiếng tên M. trên đường Hai Bà Trưng, quận 3 hỏi mua thuốc viên nang Ampicillin 500 mg (lô SX 050508, HD 05/2010) đã bị thu hồi, người bán thuốc ở đây vẫn còn thuốc để bán.

Ngay cả thuốc viên bao phim Zenatop 250 giả, cùng lô sản xuất đã yêu cầu thu hồi ba tháng trước, khi tôi hỏi Quang - người thu gom thuốc  ở chợ sỉ, người này khẳng định vẫn có, nhưng phải chờ hỏi một số nơi. Có nhà thuốc khi chúng tôi đưa danh sách thuốc bị thu hồi, người bán khẳng định sẽ gom hàng và hẹn lấy trong vòng một tuần.

Không chỉ thuốc kém chất lượng bị thu hồi, nhiều loại thuốc hết đát sử dụng, buộc phải tiêu hủy cũng được bán công khai.

Ngày 6/9, trong vai một người thu gom thuốc, tôi gặp Thành (có biệt hiệu Thành tẩy rửa), chuyên mua các loại thuốc chữa bệnh hết hạn sử dụng, bị thu hồi ở gần khu vực chợ dược Tô Hiến Thành. Thành nói với tôi sẽ mua lượng lớn thuốc hết hạn dùng, bị thu hồi tiêu hủy, tuy nhiên, người này cho biết giá mua các loại thuốc trên rẻ hơn 80 phần trăm so với giá các loại hàng có hạn.

Tôi hỏi Quang đầu nậu thu gom về Thành. Người này cho biết, Thành mua thuốc bị thu hồi, hết đát sau đó về tẩy số lô, tẩy sửa hạn dụng, rồi đóng mới và đưa trở lại chợ sỉ tiêu thụ hoặc bỏ mối cho các phòng mạch. Vì vậy, dân ở đây gọi nó là Thành tẩy rửa.

Nhiều đường lách

Theo quy định của Bộ Y tế, một khi phát hiện thuốc không đạt chất lượng buộc thu hồi thì đơn vị sản xuất và đơn vị phân phối phải gửi thông báo thu hồi loại thuốc này đến tất cả các đại lý, nhà thuốc, bệnh viện, nơi đang sử dụng thuốc của mình và thu hồi ngay.

Tuy nhiên, một cán bộ ở Phân viện Kiểm nghiệm Thuốc tại TPHCM cho biết, đơn vị sản xuất, phân phối và các cơ sở sử dụng thuốc thu hồi có khi vẫn lách được lệnh thu hồi này.

Theo đó, trước khi lệnh thu hồi ban bố, các cơ sở đã tẩu tán thuốc thu hồi ra thị trường bằng các thủ đoạn nhanh nhất, hoặc đẩy thuốc bị thu hồi về các tỉnh với các chiêu giảm giá hay khuyến mãi. Trong đó, việc bán tháo cho các đầu nậu thu gom thuốc để tẩy rửa như Thành là chuyện không hiếm. Theo cán bộ này, bằng cách trên, các cơ sở vi phạm vừa bán được thuốc vừa không mất chi phí đi thu hồi.

Một kẽ hở nữa khiến cho thuốc không đảm bảo chất lượng vẫn tuồn ra thị trường và đến tay bệnh nhân là đối với các loại thuốc do Cục Quản lý Dược ra quyết định thu hồi thì các đơn vị sản xuất, phân phối không phải báo cáo với sở y tế địa phương. Vì vậy, việc các cơ sở trên có thu hồi hay không, y tế địa phương cũng bó tay.

Đó là chưa kể, để thu hồi một sản phẩm không đạt chất lượng, từ khi kiểm nghiệm đến khi ra quyết định khoảng 10 - 15 ngày nên khi thông báo vừa đến nơi thì thuốc cũng đã bán hết.

Một cán bộ quản lý về dược ở Sở Y tế TPHCM cho biết, những bất cập trên khiến ngành chức năng đôi khi phải thu hồi thuốc bị đình chỉ trên giấy.

Theo Bộ Y tế, số thuốc không đạt chất lượng buộc phải thu hồi mỗi năm mỗi tăng. Năm 2006, có 66 loại thuốc dỏm, thuốc nhái, kém chất lượng bị thu hồi. Đến năm 2007  tăng lên 83 loại. Năm 2008 có 93 loại. Từ đầu năm 2009 đến nay, ít nhất cũng có gần 50 loại thuốc kém chất lượng sau khi tuồn ra thị trường bị thu hồi.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, lượng thuốc thuộc nhóm kháng sinh có tỉ lệ không đạt chất lượng lớn nhất với hơn 26 phần trăm, tiếp đến là những nhóm thuốc kháng viêm và tiêu hóa.

Theo ngành chức năng, kết quả kiểm tra hằng năm cho thấy, ba phần trăm mẫu thuốc được lấy ngẫu nhiên trên thị trường đưa đi xét nghiệm không đạt tiêu chuẩn chất lượng về hàm lượng hoạt chất, độ ẩm, độ hòa tan, độ nhiễm khuẩn như các nhà sản xuất đăng ký và công bố. Trong số thuốc không đạt chất lượng trên, có một phần thuốc giả.
MỚI - NÓNG