Theo đơn thư bạn đọc: Thủy điện 'cắt' đường làm ăn của dân

 Đường đi bị “cắt”, người dân Thượng Nhật không dám liều lĩnh vượt qua sông suối hiểm trở để vào vùng sản xuất.
Đường đi bị “cắt”, người dân Thượng Nhật không dám liều lĩnh vượt qua sông suối hiểm trở để vào vùng sản xuất.
TP - Cao su vào kỳ cạo mủ, cây keo tràm vài năm tuổi đã đến thời điểm cho thu hoạch, vậy nhưng, từ nhiều tháng nay, bà con dân tộc thiểu số xã Thượng Nhật (huyện miền núi Nam Đông, tỉnh TT-Huế) không thể nào vào được vùng rừng sản xuất để khai thác sản phẩm, do bỗng dưng bị mất đường đi vì… thi công thủy điện.

Sau mấy ngày “chịu trận” hết gió bão lại đến lũ lớn, hàng chục hộ dân Thượng Nhật vẫn chưa thể biết rõ nhiều vườn cao su đến kỳ cho mủ, những đồi keo tràm vài năm tuổi tại vùng đồi núi Cha Lai liệu có còn vẹn nguyên hay đã bị đổ ngã, hư hại, trôi hỏng, ngập nước do thiên tai.

Thực ra, từ trước cơn bão số 12 và trận lũ lớn đầu tháng 11, dân có đất rừng sản xuất ở khu vực Cha Lai, xã Thượng Nhật, đã từng trong cảnh đứng ngồi không yên như vậy. Nhiều tháng nay, dân địa phương hết sức bức xúc, lo lắng khi tuyến đường độc đạo vào rừng sản xuất của bà con đã bị xóa sổ do làm thủy điện Thượng Nhật. Dân mất đường “kêu” lên xã, chính quyền địa phương kiến nghị huyện và yêu cầu chủ đầu tư thủy điện Thượng Nhật là Cty Cổ phần Thủy điện Miền Trung Việt Nam sớm “trả” lại đường, nhưng nhiều tháng trôi qua vẫn không có kết quả.

Ông Trần Đình Khởi, Chủ tịch UBND xã Thượng Nhật, cho biết, dự án thủy điện từ khi triển khai tại địa bàn đã ảnh hưởng đến các vấn đề về dân sinh, môi trường. “Dự án mới triển khai được hơn 60% các hạng mục công trình thiết yếu, nhưng gây không ít ảnh hưởng cho địa phương. Đường sản xuất của dân bị đơn vị thi công ủi đi mất. Hơn 200 công nhân đổ về đây làm việc cứ ngày ngày xả rác, chất thải ra môi trường gây ô nhiễm. Chả ai quan tâm xử lý. Sắp tới, số lượng công nhân đổ về đây lên tới 1.000 người, vấn nạn ô nhiễm sẽ còn khủng khiếp hơn nếu chủ đầu tư, các nhà thầu thiếu quan tâm về vấn đề này”, ông Khởi phản ánh. Chưa hết, theo vị chủ tịch xã này, quá trình thi công các hạng mục thủy điện, các nhà thầu ngang nhiên chở vật thải, bùn đất từ công trình đổ lấn ra sông suối thượng nguồn sông Hương, gây ảnh hưởng, bồi lấp dòng chảy và ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt của dân.

Theo thống kê bước đầu của UBND xã, đường lâm sinh bị phá do thi công dự án thủy điện đã khiến 25 hộ dân xã Thượng Nhật từ nhiều tháng nay không thể vào vùng sản xuất nằm sâu giữa đồi núi hiểm trở. “Dân không thể cạo mủ cao su, khai thác cây lâm nghiệp để bán, kiếm sống. Họ đói, ai chịu trách nhiệm? Chính quyền địa phương đã yêu cầu chủ đầu tư sớm “trả” lại đường mới cho dân. Doanh nghiệp hứa miệng rồi để đó, không chịu làm”, Chủ tịch Trần Đình Khởi bức xúc.

Còn theo ông Nguyễn Văn Hóa, Chánh văn phòng UBND huyện Nam Đông, trong tháng 9 vừa qua, UBND huyện đã phát văn bản gửi Cty Cổ phần Thủy điện Miền Trung Việt Nam - chủ đầu tư thủy điện Thượng Nhật - sớm có kế hoạch mở đường vào vùng Cha Lai để dân xã Thượng Nhật đi lại sản xuất, mưu sinh, góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương. Tuy nhiên, đề nghị này vẫn chưa được chủ đầu tư thủy điện giải quyết.

Người dân Thượng Nhật còn bày tỏ lo lắng, nếu chủ đầu tư thủy điện Thượng Nhật có thiện chí “trả” lại đường cho dân, thì chưa chắc đến nửa năm sau bà con có đường mới để đi. Bởi, sau khi đường cũ bị phá đi, dự án làm đường mới vẫn chưa hình thành, dù là trên giấy. Trong khi, Nam Đông đang bước vào mùa gió mưa khốc liệt, dân hoang mang trước viễn cảnh thiếu đói vì đường làm ăn, mưu sinh bị “chặn”.

MỚI - NÓNG