Thí điểm khoán xe công tại TPHCM: Chậm vì sao?

Xe công chở cán bộ lãnh đạo các sở ban ngành và quận huyện đến dự họp tại trụ sở UBND TPHCM. Ảnh: Huy Thịnh.
Xe công chở cán bộ lãnh đạo các sở ban ngành và quận huyện đến dự họp tại trụ sở UBND TPHCM. Ảnh: Huy Thịnh.
TP - Dự kiến thực hiện thí điểm từ ngày 1/1 song đến nay đề án khoán kinh phí sử dụng ô tô phục vụ công tác chung tại cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của TPHCM vẫn còn trên giấy.

Còn lo ngại

Sở Tài chính TPHCM vừa có văn bản đề nghị Văn phòng UBND TPHCM sớm trình Thường trực UBND thành phố xem xét, phê duyệt “Đề án thí điểm khoán kinh phí sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung tại cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của TPHCM”.

Trước đó, lực lượng Thanh niên Xung phong TPHCM (TNXP) cũng đã trình UBND TPHCM dự thảo đề án “Kinh doanh và phục vụ hoạt động chính quyền thành phố”, đưa ra lộ trình dự kiến là trong tháng 12/2017 sẽ thực hiện việc bàn giao tiếp nhận phương tiện, nhân sự để triển khai thí điểm đề án. Thời gian bắt đầu thí điểm là 6 tháng kể từ ngày 1/1/2018.

Quỹ thời gian dự kiến thí điểm đã sắp cạn, việc triển khai thực hiện vẫn chưa diễn ra. Theo tìm hiểu của Tiền Phong, nguyên nhân chậm trễ do mô hình khoán xe công TPHCM đang triển khai còn quá mới mẻ nên các cơ quan chủ trì việc soạn thảo còn lúng túng. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất của việc triển khai đề án này là nhiều lái xe, bảo vệ, tạp vụ còn tâm tư và không muốn điều chuyển sang làm việc ở môi trường mới.   

Trao đổi với Tiền Phong ngày 21/3, một số lái xe, bảo vệ và nhân viên phục vụ thuộc diện sắp xếp bày tỏ lo ngại khi phải điều chuyển sang làm việc ở đơn vị mới. Nhiều người cho biết dù chỉ là nhân viên lái xe, phục vụ, bảo vệ nhưng hiện nay trên danh nghĩa và trong mắt bạn bè, đồng nghiệp và bà con chòm xóm, họ là cán bộ của thành phố, có danh phận, công việc ổn định… Sau khi điều chuyển, trở thành “lính đánh thuê” như các công ty dịch vụ tư nhân bên ngoài nên ai cũng tâm tư.

Ông H. (xin không nêu tên) cho biết, đã làm công việc lái xe gần 15 năm, thu nhập hàng tháng khoảng 10 triệu đồng. Nếu chuyển về công ty TNXP, phải chạy dịch vụ, chở thuê…thu nhập giảm, bấp bênh. “Dù cơ quan mới có đóng bảo hiểm xã hội, chắc chắn sau này mình sẽ thiệt thòi khi nghỉ hưu”, ông H. bày tỏ.

Là một trong 5 đơn vị được chọn thí điểm, Chánh Văn phòng UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết đã chuẩn bị tinh thần tham gia. Văn phòng UBND TPHCM đã chuẩn bị số xe, số tài xế, bảo vệ, phục vụ… để bàn giao cho Lực lượng TNXP tổ chức thực hiện đề án.

Theo ông Hoan, đề án cho thấy rất rõ việc tiết kiệm nhưng quan điểm của lãnh đạo thành phố là chăm lo đầy đủ và giữ được mức thu nhập hiện nay cho đội ngũ cán bộ, công chức đã từng công tác ở Văn phòng UBND TPHCM trong nhiều năm.

“Không phải vì chuyện chuyển giao qua đơn vị mới mà điều kiện, thu nhập và làm việc của anh em gặp khó khăn hơn. Làm gì thì làm cũng không để ảnh hưởng đến thu nhập, tâm lý, tư tưởng, tình cảm của đội ngũ cán bộ, công chức”, ông Hoan nói.

Người lao động giảm thu nhập

Theo đề án “Kinh doanh và phục vụ hoạt động chính quyền thành phố” của lực lượng TNXP, công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích TNXP (công ty TNXP) sẽ tiếp nhận xe, toàn bộ số nhân viên bảo vệ, phục vụ,… của 5 cơ quan đơn vị thực hiện thí điểm để quản lý và triển khai hoạt động phục vụ công tác chung.

Cụ thể: Số lượng ô tô phục vụ công tác chung là 26 xe (16 xe dôi dư sẽ bán đấu giá, thanh lý theo quy định), 22 nhân viên lái xe; 50 nhân viên bảo vệ (thuê dịch vụ ngoài 18 người), 21 nhân viên tạp vụ (thuê dịch vụ ngoài 5 người).

Qua khảo sát của công ty TNXP, hiện nay, thu nhập bình quân của nhân viên lái xe là trên 10 triệu đồng/tháng (nơi cao nhất trên 12 triệu đồng/tháng), nhân viên bảo vệ trên 8 triệu đồng/tháng và nhân viên phục vụ gần 8 triệu đồng/tháng.

Trong khi đó, sau khi tiếp nhận, trong thời gian thực hiện thí điểm đề án, thu nhập của người lao động được hưởng theo mức lương khoán phụ thuộc đơn giá cho thuê được Sở Tài chính phê duyệt.

Theo tính toán, mức thu nhập hằng tháng (lương, tiền ăn giữa ca, phúc lợi) của nhân viên lái xe là trên 8 triệu đồng/tháng, nhân viên bảo vệ và nhân viên tạp vụ trên 6 triệu đồng/tháng.

Đề án khoán xe công sẽ được thí điểm tại 3 sở ban ngành, gồm Văn phòng UBND TPHCM, Sở Tài chính, Ban quản lý an toàn thực phẩm TPHCM, quận Bình Thạnh và huyện Bình Chánh. Đối tượng áp dụng bao gồm các chức danh có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,7 trở lên (không kể kiêm nhiệm).

Theo tiêu chuẩn trên, các chức danh: Chánh Văn phòng, các Phó Chánh Văn phòng UBND TPHCM; Giám đốc, các Phó giám đốc Sở Tài chính; Trưởng Ban và Phó Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM; Chi cục trưởng Chi cục Tài chính doanh nghiệp; Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh và Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh sẽ không còn xe công vụ mà chuyển sang cơ chế khoán kinh phí.  Kinh phí khoán sử dụng ô tô phục vụ công tác chung chỉ được áp dụng trong trường hợp đưa đón công chức từ nơi làm việc đến nơi công tác, không áp dụng khoán kinh phí sử dụng xe đưa đón hàng ngày từ nơi ở đến nơi làm việc, đảm bảo không làm phát sinh chi phí hành chính hàng năm và không làm ảnh hưởng việc thực hiện nhiệm vụ được giao.

Theo Sở Tài chính, hiện nay số lượng xe phục vụ công tác tại các cơ quan, đơn vị thuộc TPHCM là 667 xe, trong đó ô tô phục vụ tiêu chuẩn chức danh là 10 xe, ô tô phục vụ công tác chung là 657 xe.

Sở Tài chính đề xuất lộ trình giảm 50% số lượng xe phục vụ công tác chung đến năm 2020. Riêng trong năm 2018 sẽ giảm khoảng 30% số xe phục vụ công tác chung hiện có (khoảng 205 xe). Số xe công sẽ được luân chuyển, sắp xếp cho các đơn vị theo định mức mỗi đơn vị 2 xe. Số xe còn dôi dư sẽ thu về đấu giá, thanh lý tùy theo chất lượng xe.

MỚI - NÓNG