Thí điểm số hóa truyền hình mặt đất: Gần 10 vạn hộ phải mua đầu thu

Người dân Đà Nẵng, Quảng Nam đang dùng truyền hình analog phải mua đầu thu kỹ thuật số công nghệ mới trước ngày 1/7/2015. Ảnh: Như Ý
Người dân Đà Nẵng, Quảng Nam đang dùng truyền hình analog phải mua đầu thu kỹ thuật số công nghệ mới trước ngày 1/7/2015. Ảnh: Như Ý
TP - Chín tháng nữa, tại Đà Nẵng, Bắc Quảng Nam sẽ tắt sóng truyền hình analog, hoàn thành việc chuyển đổi sang truyền hình kỹ thuật số. 40% hộ dân ở khu vực này sẽ phải thực hiện chuyển đổi trong chín tháng nữa nếu muốn xem được truyền hình.

Mất từ 600 - 800 nghìn đồng/hộ dân thực hiện chuyển đổi


Theo kế hoạch đặt ra, Đà Nẵng và khu vực Bắc Quảng Nam là nơi thực hiện thí điểm số hóa truyền hình mặt đất. Dự kiến ngày 1/7/2015 (chín tháng nữa) địa bàn này sẽ ngừng phát sóng truyền hình analog để chuyển đổi hoàn toàn sang truyền hình kỹ thuật số, sớm hơn so với dự kiến ban đầu sáu tháng.

Truyền hình mặt đất ở nước ta đang sử dụng công nghệ truyền hình tương tự (Analog TV) và công nghệ truyền hình kỹ thuật số (Digital TV). Với Analog TV, người dân thường dùng ăng ten dàn ngoài trời để thu các kênh chương trình. 

Truyền hình analog được phủ sóng rộng khắp và được nhiều người dân, nhất là khu vực nông thôn sử dụng. Với công nghệ Digital TV, khán giả xem truyền hình sử dụng đầu thu truyền hình số hoặc máy thu hình có tích hợp chức năng DVB-T2 để thu tín hiệu truyền hình số. 

Truyền hình kỹ thuật số có lượng kênh nhiều hơn, chất lượng hình ảnh ổn định, sống động hơn. Theo đề án số hóa truyền dẫn và phát sóng truyền hình mặt đất, tới năm 2020, toàn quốc sẽ chuyển hoàn toàn từ truyền hình analog sang truyền hình số mặt đất. 

Theo ông Nguyễn Hồng Tuấn, Văn phòng Ban chỉ đạo đề án số hóa truyền hình, Đà Nẵng có hơn 230.000 hộ dân. Theo thống kê sơ bộ, 60% hộ đang sử dụng truyền hình trả tiền như truyền hình cáp, kỹ thuật số vệ tinh, IPTV. 

Nhóm đối tượng này sẽ không bị ảnh hưởng bởi Đề án số hóa truyền hình. Khoảng 40% số hộ còn lại (khoảng 92 nghìn hộ) dùng truyền hình analog là đối tượng bị tác động trực tiếp. 

Để xem truyền hình số, người dân phải trang bị thêm đầu thu truyền hình số (settop box). Mỗi tivi một settop box. Trên thị trường có nhiều loại settop box khác nhau với giá dao động từ 600 - 800 nghìn đồng. Như vậy, nếu mỗi gia đình có một tivi, sẽ mất từ 600 - 800 nghìn đồng để chuyển sang dùng truyền hình số. 

Trong trường hợp mua tivi mới, người dân nên mua tivi đã tích hợp sẵn chức năng thu truyền hình số DVB - T2, giá chênh hơn ti vi cùng dòng không tích hợp từ 5 - 7 USD (khoảng 100 - 150 nghìn đồng). Như vậy sẽ không phải trang bị thêm settop box. 

Với các hộ đang thu xem truyền hình bằng đầu thu kỹ thuật số của VTC (dùng công nghệ cũ DVB-T, chuẩn MPEG-2) vẫn được dùng cho đến khi hết khấu hao. 

Tuy nhiên, để thu xem được các chương trình chất lượng cao sau khi số hóa, người dân vẫn phải mua settop box công nghệ mới (DVB-T2, chuẩn MPEG-4). Các settop box đã được một số đơn vị bán trên thị trường Đà Nẵng như VTV, AVG và Công ty TNHH MTV Hanel.

Hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo

“Để thu sóng truyền hình số tốt nhất người dân nên đặt ăng ten trên nóc nhà, có độ cao 10 m. Nếu dùng ăng ten trong nhà thì nên dùng loại thu tích cực, có bộ khuếch đại. Ở khu chung cư nên thiết kế chung ăng ten ngoài trời sau đó sử dụng đường phân phối đến các hộ sẽ đạt được hiệu quả thu sóng cao nhất”.

Ông Nguyễn Hồng Tuấn

Theo ông Nguyễn Hồng Tuấn, ở Đà Nẵng và Bắc Quảng Nam có hai đơn vị đã phủ sóng truyền hình số mặt đất theo tiêu chuẩn cho phép (DVB-T2, chuẩn MPEG-4) là Đài truyền hình Việt Nam (VTV) và Truyền hình An Viên (AVG). Người dân chỉ cần mua thêm settop box là chuyển đổi sang truyền hình số mặt đất.

Khó khăn trong thực hiện số hóa truyền hình là giúp các hộ nghèo, cận nghèo chuyển đổi. Trong cuộc họp của Ban chỉ đạo đề án số hóa truyền hình, Hội nghị giao ban quản lý nhà nước tháng 7 của Bộ TT&TT, ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện cho biết, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son đã đồng ý với phương án sử dụng trước một phần kinh phí từ Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích để mua đầu thu truyền hình số mặt đất cung cấp cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ gia đình chính sách ở khu vực Đà Nẵng và Bắc Quảng Nam. 

Tại Đà Nẵng có 26.297 hộ thuộc diện nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách theo chuẩn quốc gia. Tính theo chuẩn riêng của TP Đà Nẵng thì số hộ thuộc các diện kể trên là 42.949 hộ. Nếu tính cả khu vực bắc Quảng Nam thì con số đầu thu nhà nước cần hỗ trợ cho hai khu vực này khá lớn.

Việc hỗ trợ đầu thu sẽ thực hiện với các hộ nghèo, cận nghèo đã có tivi.
Các hộ nghèo sẽ được hỗ trợ 100% giá trị đầu thu, các hộ cận nghèo sẽ được hỗ trợ phần lớn giá trị đầu thu. Phương thức hỗ trợ có thể theo hướng hỗ trợ trực tiếp đầu thu cho người dân, cũng có thể phát phiếu mua hàng miễn phí cho hộ nghèo, phiếu giảm giá mua hàng cho hộ cận nghèo. 

Tuy nhiên, các phương thức này vẫn đang trong quá trình xem xét. Dự kiến việc hỗ trợ sẽ được thực hiện vào đầu năm sau, trước khi chính thức ngắt sóng analog trên địa bàn.

Hà Nội, TPHCM, Cần Thơ xin lùi ngày chuyển đổi

Theo lộ trình, sau Đà Nẵng, Hà Nội, TPHCM, Cần Thơ và Hải Phòng sẽ tắt sóng truyền hình analog trước ngày 31/12/2015. Tuy nhiên, mới đây, ba thành phố Hà Nội, TPHCM, Cần Thơ đã có văn bản lên Ban chỉ đạo đề án số hóa truyền hình xin lùi thời điểm ngắt sóng truyền hình analog đến ngày 31/12/2016.

Lý do là có hiện tượng chồng lấn sóng analog giữa các thành phố trên với địa phương lân cận nên việc thực hiện chuyển đổi sẽ không được triệt để.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.