Thi hành công vụ gây hại: Phải bồi thường

Thi hành công vụ gây hại: Phải bồi thường
TP - Theo Luật Trách nhiệm Bội thường Nhà nước vừa được Quốc hội thông qua hôm qua với trên 92% số phiếu tán thành, cá nhân, tổ chức bị thiệt hại về vật chất, tổn thất về tinh thần (gọi chung là người bị thiệt hại) trong các trường hợp quy định tại luật này thì được Nhà nước bồi thường.

Người bị thiệt hại có quyền yêu cầu cơ quan có trách nhiệm bồi thường thực hiện việc giải quyết bồi thường khi có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật hoặc có văn bản của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người bị thiệt hại thuộc trường hợp được bồi thường.

Ngoài ra, trong quá trình khiếu nại hoặc khởi kiện vụ án hành chính, người bị thiệt hại có quyền yêu cầu cơ quan giải quyết khiếu nại hoặc toà án giải quyết việc bồi thường. Luật có hiệu lực thi hành từ 1/1/2010.

Luật Trách nhiệm Bồi thường Nhà nước quy định trách nhiệm bồi thường của nhà nước đối với cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng, thi hành án. Đồng thời quy định về thủ tục giải quyết bồi thường thiệt hại; quyền, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại; kinh phí bồi thường và trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại.

Thêm đối tượng Việt kiều được mua nhà

Hôm qua, với 87 phần trăm đại biểu tán thành, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi bổ sung điều 126 Luật Nhà ở và điều 121 Luật Đất đai, mở ra cơ hội cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài được mua và sở hữu nhà tại Việt Nam.

Cùng ngày, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa; Luật Cơ quan Đại diện nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ở Nước ngoài.

Theo điều 126 Luật Nhà ở về “Quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam của người Việt Nam định cư ở nước ngoài”, những người đang định cư ở nước ngoài có hoặc còn quốc tịch Việt Nam “được cơ quan có thẩm quyền cho phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên thì có quyền sở hữu nhà ở để bản thân và các thành viên trong gia đình sinh sống tại Việt Nam”.

Theo luật, nhóm đối tượng này gồm: a) Người có quốc tịch Việt Nam; b) Người gốc Việt Nam về đầu tư trực tiếp tại Việt Nam theo pháp luật về đầu tư; người có công đóng góp cho đất nước; nhà khoa học, nhà văn hoá, người có kỹ năng đặc biệt mà cơ quan, tổ chức của Việt Nam có nhu cầu và đang làm việc tại Việt Nam; người có vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam sinh sống trong nước. Nhóm đối tượng này được mua và sở hữu nhà ở trong nước không hạn chế số lượng. Hiện, khoảng 70 phần trăm trong tổng số hơn ba triệu người Việt Nam định cư ở nước ngoài, vẫn giữ quốc tịch gốc sẽ có điều kiện được mua và sở hữu nhà trong nước.

Khoản 2, điều 126 quy định: “Người gốc Việt Nam không thuộc các đối tượng quy định tại Điểm b Khoản 1, điều này được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp giấy miễn thị thực và được phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên thì có quyền sở hữu một nhà ở riêng lẻ hoặc một căn hộ chung cư tại Việt Nam để bản thân và các thành viên trong gia đình sinh sống tại Việt Nam”.

Điều 121 Luật Đất đai (sửa đổi) quy định rõ hơn về quyền và nghĩa vụ sử dụng đất ở của kiều bào được mua và sở hữu nhà ở trong nước. Theo đó, người Việt Nam định cư  ở nước ngoài thuộc các đối tượng quy định tại điều 126 Luật Nhà ở có quyền sở hữu nhà ở gắn liền với đất ở tại Việt Nam. Cùng đó, kiều bào được chuyển quyền sử dụng đất khi bán, tặng cho, thừa kế, thế chấp, cho thuê, ủy quyền quản lý nhà ở trong thời gian không sử dụng, và được bồi thường khi nhà nước thu hồi đất. Luật có hiệu lực thi hành từ 1/9/2009.

MỚI - NÓNG