Thị trưởng nên để người dân bầu trực tiếp

Thị trưởng nên để người dân bầu trực tiếp
TP - Trao đổi với Tiền Phong liên quan câu chuyện tổ chức chính quyền đô thị, TS Võ Trí Hảo (Khoa Luật Kinh tế - ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh) ủng hộ việc thị trưởng phải do dân bầu trực tiếp.

Xây dựng chính quyền đô thị là đòi hỏi của thực tiễn

TS Võ Trí Hảo
TS Võ Trí Hảo.

Xây dựng các pháp nhân công quyền

Cải cách chính quyền địa phương sau khi thu được những thành công bước đầu thì sớm bị đụng trần Hiến pháp, để tiếp tục đưa cải cách chính quyền địa phương sang giai đoạn mới, theo ông chúng ta cần có những thay đổi nào?

Quan trọng nhất là sự đổi mới về tư duy và gỡ nút that ở tầm hiến pháp. Trước hết ở chuyện phân cấp, phân quyền. Hiến pháp 1992 sửa đổi năm 2001 chưa ghi nhận quyền tự quản của chính quyền địa phương và quy định sơ sài về thẩm quyền, nguồn thu ngân sách của chính quyền địa phương.

Sự mờ nhạt của Hiến pháp dẫn đến các quyền, nguồn thu mà chính quyền địa phương có được là do chính quyền trung ương “ban phát” thông qua các đạo luật, nghị định, thông tư... Ngoài ra nó cũng dẫn đến việc phân định thẩm quyền giữa trung ương và địa phương luôn nằm trong trạng thái nhập nhằng bất định, bởi vì chính quyền trung ương lúc nào cũng có quyền “nhổ hàng rào cắm lại”.

Theo ông, làm sao khắc phục sự nhập nhằng bất định này?

Chúng ta cần phải xây dựng mỗi cấp chính quyền là một pháp nhân công quyền. Thực tế thì quan niệm “pháp nhân công quyền” thiếu vắng trong hiến pháp 1992, nên dẫn đến sự thiếu sự tách bạch giữa quyền và nghĩa vụ giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương dẫn đến một hiện tượng thứ hai: trung ương đôi khi giao nhiệm vụ bất thường (một nhiệm vụ mà trong Hiến pháp không ghi rõ là của địa phương hay của trung ương) cho địa phương nhưng nguồn lực tài chính và con người kèm theo không cân xứng.

Chính vì giao việc theo kiểu “anh em một nhà” này, nên khi cấp dưới không hoàn thành nhiệm vụ thì trách nhiệm cũng theo kiểu “anh em xuề xòa”.

Nếu các cấp chính quyền là những pháp nhân công quyền thực thụ và quan hệ giữa các cấp không phải là quan hệ thuần túy “mệnh lệnh - phục tùng” mà là quan hệ đối tác trên cơ sở Hiến pháp, thì kinh nghiệm của các nền hành chính tiên tiến cho thấy, ngoài việc khắc phục được hai nhược điểm nói trên thì còn có thể mang lại cho nền hành chính Việt Nam ba ưu điểm khác nữa: đơn giản hóa cho công dân trong khiếu kiện hành chính, và tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh cần thiết giữa các địa phương và tạo cơ sở cho việc ủy thác hành chính giữa các cấp chính quyền.

TP Đà Nẵng, một trung tâm phát triển năng động ở miền Trung từng đề xuất người dân trực tiếp bầu chủ tịch thành phố. Ảnh: Phạm Hoàng Hải
TP Đà Nẵng, một trung tâm phát triển năng động ở miền Trung từng đề xuất người dân trực tiếp bầu chủ tịch thành phố.
Ảnh: Phạm Hoàng Hải.

Nguyên tắc “lệch tần số, lệch pha” trong thiết kế nhiệm kỳ

Theo ông đâu là những bất cập trong tổ chức bộ máy chính quyền địa phương các cấp của chúng ta hiện nay?

Về chính quyền địa phương hiện nay Việt Nam có hai bất cập lớn. Thứ nhất, Hiến pháp 1992 đồng nhất từ miền núi, hải đảo xa xôi, nông thôn đến thành thị, mô hình tổ chức giống nhau gần như hoàn toàn trong khi đặc thù mỗi nơi rất khác nhau.

Thứ hai, hiện nay chúng ta từ Quốc hội đến Hội đồng nhân dân các cấp đều có nhiệm kỳ 5 năm giống nhau. Như vậy, bộ máy nhà nước là một hệ dao động gồm bốn con lắc dao động cùng tần số (cùng độ dài nhiệm kỳ năm năm), cùng pha (cùng thời điểm bầu cử). Về mặt thực tiễn, thì mô hình bộ máy nhà nước bốn cấp cùng nhiệm kỳ sẽ dẫn đến hai hiện tượng bất cập trên thực tế. Thứ nhất, nhiệm kỳ cấp xã quá dài, không cần thiết.

Thứ hai, làm cho dòng chảy kinh tế bị ngưng đọng trên toàn quốc trước mỗi kỳ bầu cử bốn cấp. Khoảng chừng hai năm trước mỗi kỳ bầu cử thì cả thiên hạ ngóng về các kỳ đại hội, bầu cử với những tâm trạng khác nhau. Người đương chức thì thủ thế, hạn chế ban hành những quyết sách lớn vì sợ mắc sai lầm đúng vào thời điểm nhạy cảm nhất của sự nghiệp chính trị.

Người tâm huyết thì cũng dè dặt trong việc đưa ra sáng kiến mới, vì không biết nhiệm kỳ sau mình có tái cử hay không để mà triển khai, dẫn dắt sáng kiến do mình đưa ra. Vì nếu đưa ra sáng kiến, nhưng không được tái cử thì họ sẽ bị mang tiếng là “đánh trống bỏ dùi”.

Sự thủ thế này lan sang các thương nhân: các đại gia bất động sản thì đứng ngồi không yên, ngóng tin quy hoạch xây dựng sẽ ra sao sau kỳ bầu cử; các nhà tài phiệt thì cũng án binh bất động, chờ xem lĩnh vực kinh tế nào bị siết, lĩnh vực nào sẽ được bơm…

Vậy đề xuất của ông là gì?

Nhằm hướng tới xây dựng một hệ thống chính trị ổn định, bền vững thì nguyên tắc “lệch tần số, lệch pha” cần được tham khảo trong thiết kế bộ máy nhà nước. Cụ thể nhiệm kỳ chính quyền các cấp nên quy định: cấp xã - 2 năm; cấp huyện - 3 năm; cấp tỉnh - 4 năm.

Việc bố trí “lệch tần số” này sẽ góp phần bảo đảm sự liên tục và kế thừa của hệ thống chính trị, tránh hiện tượng “thay máu” cùng lúc ở cả 4 cấp chính quyền. Nó sẽ làm tăng tính ổn định của hệ thống chính trị, tránh những cuộc đại xáo trộn không cần thiết cho xã hội. Cùng với đó thì nó cũng cho phép phản ánh đúng chức năng, đặc thù của từng cấp chính quyền, tăng tính linh hoạt của toàn bộ hệ thống chính trị.

Để người dân bầu trực tiếp thị trưởng

Trong đề xuất về mô hình chính quyền đô thị gần đây, đề cập đến việc thị trưởng thành phố phải do người dân trực tiếp bầu, thay vì được bổ nhiệm từ thủ tướng, ông nghĩ sao?

Tôi ủng hộ việc thị trưởng phải do dân bầu trực tiếp, điều này thể hiện sự dân chủ, thứ hai là thực quyền, thứ ba là tính trách nhiệm. Ở nhiều thành phố khác trên thế giới, ngoài thị trưởng ra thì cảnh sát trưởng cũng được bầu trực tiếp. Tôi phản đối việc để thủ tướng bổ nhiệm chức thị trưởng vì nếu làm như thế có thể dẫn đến việc tập quyền quá mức vào trung ương, dễ dẫn đến lạm quyền.

Mục đích sinh ra thị trưởng là họ phải gắn với chính quyền thành phố đó, phải chịu trách nhiệm trước dân về ùn tắc giao thông, an ninh trật tự, y tế, giáo dục… của thành phố. Nếu từ trung ương bổ nhiệm thì thị trưởng trên thực tế ông chỉ chịu trách nhiệm trước trung ương- người bổ nhiệm mình.

Tuy nhiên, để tránh nguy cơ “cát cứ”, thì thủ tướng nên được giao quyền cách chức thị trưởng nếu ông ta có vi phạm pháp luật trong khi thực thi nhiệm vụ của mình.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG