Chương trình xúc tiến thương mại trong nước

Thị trường sữa: Lập lờ 'móc túi' người tiêu dùng

Thị trường sữa: Lập lờ 'móc túi' người tiêu dùng
TP - Nhiều doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh sữa vô tư quảng cáo sai sự thật, đánh lừa người tiêu dùng đối với các sản phẩm sữa nước họ sản xuất. Còn người tiêu dùng đang bị móc túi nhưng không hề hay biết...

>> Vì sao sữa bột ngoại ở VN đắt nhất thế giới?

Thị trường sữa: Lập lờ 'móc túi' người tiêu dùng ảnh 1
Giá sữa là mối quan tâm của các bậc cha mẹ - Ảnh: Phạm Yên

Sữa hoàn nguyên thành sữa tươi

Báo cáo mới nhất của Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công nghiệp, Bộ Công Thương về thực trạng ngành sữa Việt Nam cho thấy có nhiều bất ổn đối với cả thị trường sữa nước và sữa bột.

Năm 2007, tổng lượng sữa tươi tiệt trùng, thanh trùng được các doanh nghiệp sản xuất đưa ra thị trường khoảng 430 triệu lít. Sau một năm, sản lượng sữa tươi tiệt trùng được bán ra thị trường lên tới hơn 439 triệu lít.

Ngoài việc sản xuất sữa tươi, các doanh nghiệp còn sản xuất tới hơn 431 triệu hộp sữa đặc có đường (năm 2007) và giảm xuống 388 triệu hộp trong năm 2008.

Theo quy định trong Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) số 7028: 2002 về sữa tươi tiệt trùng; TCVN số 7029: 2002 về sữa hoàn nguyên tiệt trùng và TCVN số 7405: 2004 về sữa tươi nguyên liệu: Sữa được chế biến từ sữa bột không gọi là sữa tươi tiệt trùng. Sữa tươi tiệt trùng là sản phẩm được chế biến từ sữa tươi nguyên liệu có hoặc không bổ sung phụ gia và qua xử lí ở nhiệt độ cao.

Theo Quyết định 178/1999 của Thủ tướng Chính phủ, về “Qui chế ghi nhãn hàng hóa lưu thông trong nước và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu”, thì với sữa hoàn nguyên từ sữa bột, nhãn phải ghi rõ tên gọi của sản phẩm là “Sữa hoàn nguyên tiệt trùng”.

Lượng sữa bột được các doanh nghiệp sản xuất trong năm 2008 lên tới 46.500 tấn, 80,34 triệu lít sữa chua, 6 tấn bơ, 70 tấn pho mát và khoảng 18.000 tấn các sản phẩm sữa khác. Năm 2009, riêng lượng tiêu thụ sữa nước của Việt Nam ước tính khoảng 400 triệu lít.

Trong khi đó, năm 2007, cả nước mới có 98.659 con bò sữa, cho tổng lượng sữa là 234,4 nghìn tấn sữa. Con số này năm 2008 tăng lên 107.983 con với sản lượng 262,16 nghìn tấn sữa tươi.

Đến đầu năm 2010, với số lượng bò sữa ở mức hơn 116.000 con như hiện nay thì tổng lượng sữa được sản xuất cả năm cũng chỉ ở mức gần 300 nghìn tấn.

Như vậy, tất cả các vùng nguyên liệu trên, cả nước hiện chỉ đủ để sản xuất gần một nửa số sữa tươi được bán ra thị trường, chưa kể đến các chế phẩm khác có sử dụng sữa tươi như sữa chua, sữa đặc có đường, sữa bột trẻ em, sữa cho người tiểu đường…

Theo khẳng định của nhiều chuyên gia trong ngành sữa, phần lớn lượng sữa được quảng cáo là sữa tươi nguyên chất 100%, sữa tươi tiệt trùng là không đúng. Bởi với lượng sữa tươi nguyên liệu trong nước sản xuất được chỉ đảm bảo được lượng rất nhỏ sữa tươi mà các doanh nghiệp đang bán ra thị trường.

Lượng sữa tươi còn lại, thực tế là sữa bột được hoàn nguyên, “phù phép” thành sữa tươi.

Tiền thật, hàng dỏm

Theo khảo sát của chúng tôi, phần lớn người mua sữa không thể phân biệt trong số hơn  300 sản phẩm sữa các loại do các công ty trong nước sản xuất và nhập khẩu đâu là sữa tươi 100% và đâu là sữa được hoàn nguyên.

Chủ nhiều cửa hàng sữa trên đường Thọ Lão, Bạch Mai, Hàng Buồm và thậm chí nhân viên một số siêu thị Hà Nội thừa nhận chỉ biết một số doanh nghiệp có sản xuất và quảng cáo sữa tươi lớn cũng không rõ trong số các sản phẩm trên thị trường đâu là sữa tươi 100% và đâu là sữa hoàn nguyên.

Một quan chức từng có thời gian dài làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp cũng phải ngạc nhiên với số lượng sữa nước được cung cấp ra thị trường và khẳng định không phải các loại sữa của các nhãn hàng bán trên thị trường đều là sữa tươi 100% như quảng cáo.

Cũng có trường hợp doanh nghiệp dù mang danh sản xuất loại sữa mang thương hiệu Ba Vì nhưng lại thu gom cả sữa ở các khu vực khác vào sản xuất.

Cũng theo quan chức này, lượng sữa sản xuất từ đàn bò hiện nay chỉ đủ để đáp ứng khoảng 28% nhu cầu của thị  trường. Để tăng sản lượng, các doanh nghiệp thường mua sữa bột về pha lại, thêm gia giảm rồi tung ra thị trường dưới danh nghĩa sữa tươi tiệt trùng, thanh trùng dạng gói, hộp khác nhau.

Thực tế cho thấy, mỗi hộp sữa hoàn nguyên, được ghi nhãn sữa tươi tiệt trùng và bán giá bằng sữa tươi 100%, doanh nghiệp “móc túi” 1.000 - 1.500 đồng của người tiêu dùng.

Vì nếu dùng sữa hoàn nguyên để chế biến, doanh nghiệp sẽ không phải tốn chi phí đầu tư, trang bị hệ thống bảo quản khi thu mua sữa tươi, đào tạo, huấn luyện con người. Còn nếu tính theo giá sữa nguyên liệu sữa bột nhập khẩu ở mức là 2.000 USD/tấn khoảng giữa năm 2009, thì giá nguyên liệu cho 1 lít sản xuất là khoảng 5.000 đồng/lít.

Trong khi đó giá sữa tươi trung bình ở mức 7.200 đồng/lít, thì việc mua sữa bột pha chế doanh nghiệp sẽ giảm được hơn 30% chi phí so với khi mua sữa bò tươi, nhưng giá bán bằng giá bán sữa tươi 100%.

Nhiều doanh nghiệp, để dễ bán hàng, đều chọn ghi dòng chữ sữa tiệt trùng rất nhỏ ở phần góc dưới của hộp sữa thay vì ghi rõ sữa hoàn nguyên trên nhãn mác, sản phẩm.

“Như vậy, với những loại sữa tiệt trùng có sử dụng sữa bột nêu trên, trên nhãn phải ghi rõ tên gọi của sản phẩm là sữa hoàn nguyên tiệt trùng chứ không thể gọi là sữa tươi tiệt trùng như cách mà hầu hết các doanh nghiệp đang làm hiện nay”- Chuyên gia này cho biết.

Với những loại sữa mang danh  sữa tươi này, người tiêu dùng đang móc túi để mua loại sữa bột hoàn nguyên với giá cao hơn 30% so với sữa tươi chính hiệu, trong khi chất lượng không biết đến đâu.

MỚI - NÓNG
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.