Thích được nộp phạt

Thích được nộp phạt
Một điều tưởng như nghịch lý, bởi nộp phạt đồng nghĩa với việc mất tiền, đó là chuyện buồn, nhưng trên thực tế ở tỉnh Gia Lai lại có không ít chủ cơ sở kinh doanh luôn vui vẻ và... "tích cực" nộp phạt liên tục từ năm này sang năm khác.

Điển hình của sự ”thích phạt” là các cơ sở hành nghề y dược tư nhân. Định kỳ hàng năm, mỗi cơ sở hành nghề y dược tư nhân đều được kiểm tra một lần, hầu như cơ sở nào cũng có vi phạm. Những "căn bệnh" cố hữu của các đơn vị này là: dược sĩ vắng mặt tại quầy, vừa khám vừa kê đơn bán thuốc, giấy phép hết hạn, bán thuốc ngoài danh mục... Thế nhưng, các cơ sở này cứ bị phạt và vẫn cứ tồn tại.

Sở dĩ "căn bệnh" cố hữu nêu trên không sửa được bởi lợi nhuận từ bán thuốc cho người bệnh khá cao, mỗi năm chỉ có một lần nộp phạt vài ba triệu đồng thì chẳng "sứt mẻ" gì. Vì thế, họ "sẵn lòng" chịu nộp phạt. Theo nhận định của nhiều người trong cuộc: những loại hình vi phạm này trên lĩnh vực y tế chắc chắn sẽ còn diễn ra nếu không có biện pháp ngăn chặn một cách hữu hiệu. Và sự thiệt thòi trước hết thuộc về người bệnh.

Đối với các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường cũng vậy: các cơ quan chức năng cứ thanh tra, cứ phạt, nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường từ chất thải công nghiệp của các nhà máy sản xuất ở địa bàn Gia Lai ngày càng tăng, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và sản xuất của cộng đồng dân cư. Các chủ cơ sở chịu nộp phạt cũng là do họ đã tính toán "thiệt - hơn" trong quá trình sản xuất kinh doanh.

Nếu xây dựng hoàn thiện hệ thống xử lý môi trường phải cần đầu tư quá lớn đến vài ba tỷ đồng; riêng các nhà máy chế biến mủ cao su phải có mức đầu tư đến cả chục tỷ đồng cho một nhà máy. Nếu phải dùng đến nguồn vốn vay để đầu tư thì mỗi năm phải chịu trả lãi cho ngân hàng rất lớn, do vậy các chủ cơ sở sản xuất chọn giải pháp tối ưu là vui vẻ nộp phạt để được tồn tại, duy trì sản xuất. Thế là môi trường tiếp tục bị ô nhiễm.

Được biết trong những năm gần đây, các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã có chuyển biến đáng kể trong công tác bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, mức đầu tư cho việc xử lý chất thải còn rất nhỏ giọt, chủ yếu là để đối phó và "lách" các mức phạt.

Theo Văn Thông

TTXVN 

MỚI - NÓNG