Thiệt hại bão số 1 gây ra trên 3.430 tỷ đồng

Nam Định thiệt hại nặng do bão số 1
Nam Định thiệt hại nặng do bão số 1
TPO - Cơn bão số 1 vừa tan, đã làm 7 người chết, mất tích, 21 người bị thương; gây thiệt hại nặng nề về sản xuất nông nghiệp, hạ tầng điện... với ước tính tổng thiệt hại ban đầu của các địa phương khoảng 3.430 tỷ đồng.

Tại cuộc họp sáng nay 1/8, Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai, bão số 1 đã làm 5 người chết (Hà Nội 1 người; Hà Giang 2 người; Hà Nam 1 người; Thanh Hóa 1 người). Có 2 người mất tích, trong đó Yên Bái 1 người; Hà Giang 1 người.

Bão đã làm gần 90 nhà đổ hoàn toàn, trên 32.000 nhà bị tốc mái, hư hỏng, trên 5.600 nhà bị ngập nước. Cơn bão đánh chìm, hư hỏng tại khu vực cửa sông hơn 90 tàu thuyền đánh cá, trong đó, nặng nhất là Thái Bình với 54 tàu nhỏ bị chìm, đắm, 17 tàu bị va đập, mắc cạn.

Thiệt hại lớn nhất do bão số 1 là về sản xuất nông nghiệp. Diện tích lúa bị ngập úng tới hơn 216.000 ha, trong đó, chủ yếu là các tỉnh Đồng bằng Bắc bộ, trong đó, diện tích lúa mất trắng gần 9.000 ha. Có hơn 27.000 ha rau màu bị hư hại; diện tích cây lâu năm, hàng năm, cây ăn quả bị gẫy, đổ, giảm năng suất trên 14.600 ha; hơn 60.000 cây xanh bị xô đổ, gãy; trên 77.000 con gia súc, gia cầm bị cuốn trôi.

Cơn bão cũng làm trên 8.700 ha nuôi trồng thuỷ sản và 12.700 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị thiệt hại. Đặc biệt, trong cơn bão này có lẻ đạt kỷ lục xô gãy cột điện, với trên 16.800 cột điện, trong đó, Nam Định tới 14.200 cột bị xô đổ, gãy.

Trong khi đó, về điện, hiện lưới điện phân phối cho các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình chưa khắc phục xong, trong đó có 1 tỉnh (Ninh Bình) chỉ còn 1 trạm biến áp phân phối chưa được khôi phục vận hành.

Trong đó, nhiều xã ở Thái Bình, Nam Định, Hà Nam chưa được cấp điện. Các đơn vị điện lực đang tiếp tục tập trung mọi nguồn lực để khắc phục và cấp điện trở lại cho khách hàng trong thời gian nhanh nhất.

Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương tiếp tục huy động lực lượng và phương tiện tìm kiếm người mất tích, bơm tiêu úng cứu lúa, khắc phục sự cố về điện ổn định, về sản xuất để ổn định dân sinh; phân tích, thống kê đánh giá thiệt hại do bão gây ra.

Trong đó, tập trung hướng dẫn kỹ thuật cứu lúa, chuẩn bị phương án phục hồi sản xuất đối với diện tích lúa bị mất trắng, hoa màu bị dập đổ, hư hỏng; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong khu, cụm công nghiệp khẩn trương khắc phục thiệt hại sớm ổn định sản xuất.

Huy động máy móc và các lực lượng trên địa bàn thu dọn cành cây, vệ sinh môi trường. Kiểm tra, xử lý khắc phục sự cố công trình hạ tầng giao thông, thủy lợi (đê điều, hồ đập).

Tiếp tục theo dõi, cập nhật diễn biến bão số 2 để chủ động các biện pháp phòng tránh kể cả trên biển và các tỉnh miền núi, trung du, đồng bằng Bắc bộ do có khả năng mưa lớn xảy ra.

MỚI - NÓNG