Thiệt Nhà nước, khổ bệnh nhân

Thiệt Nhà nước, khổ bệnh nhân
TP - Không phải đợi đến năm 2010 như quy định trong Pháp lệnh Hành nghề y dược tư nhân, nhiều người cho rằng, ngay từ bây giờ đã có thể vận động các bác sĩ công thôi hành nghề tư nhân vì lợi ích của người bệnh.

Nữ nhà báo V. vừa làm mẹ một bé gái kháu khỉnh kể về đoạn trường mà chị đã gặp ở một phòng mạch tư trên phố Mã Mây, Hà Nội.

Phòng mạch được điều hành bởi bác sĩ T. có chân trong Ban Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương (Bệnh viện C).

Được bạn thân bảo đảm “uy tín nhất đấy”, một hôm V. tranh thủ: “Em là bệnh nhân của anh đây. Em muốn hỏi một chút về cái thai được không ạ?”. “Không trả lời qua điện thoại. Có gì thì qua phòng khám nhé” - Bác sĩ T bảo.

Nằm trên giường phòng khám bé xíu và khách đợi chen nhau chật như nêm, V. nghe phán cái thai có vấn đề, không đi máy bay được. Nằm bẹp ở nhà một tuần, V. đến Bệnh viện C. Đo, nghe, siêu âm đủ thủ tục, bác sĩ cam đoan “hoàn toàn bình thường”. “Thế mà thủ trưởng của các chị nói ngược lại là sao” - V ấm ức.

Nghe chuyện, nhà văn Nguyễn Việt Hà than thở: “Ông bác sĩ ấy dọa vợ anh rằng thai dị dạng, rau quấn cổ thai nhi”. Khi V. thắc mắc, bác sĩ T không mấy khi trả lời đến câu hỏi thứ tư của bệnh nhân, tác giả Cơ hội của Chúa cười: “Em ơi. Giả nhời hết để lần sau ít bệnh nhân đến à”...

Kinh tế thị trường ngày càng phát triển, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng đòi hỏi tiện nghi và chất lượng hơn. Thế nhưng, theo bác sĩ Lê Minh Hoàn (Bảo hiểm Xã hội Hà Nội), các phòng khám tư và cả một số bệnh viện tư chưa đáp ứng được nhu cầu đó.

Thiệt Nhà nước, khổ bệnh nhân ảnh 1

Mở phòng khám tư khiến nhiều bác sĩ xao nhãng công việc chính tại bệnh viện               ảnh: Phạm Yên

PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh, Giám đốc BV Tai- Mũi- Họng Trung ương thừa nhận, khi kiêm nhiệm công lẫn tư, “chân ngoài bao giờ cũng dài hơn chân trong” và hậu quả là bệnh nhân lãnh đủ vì tâm lý cả tin “chân ngoài”.

Bác sĩ Hoàn cho rằng các cơ sở khám chữa bệnh tư hiện có ba điểm yếu tai hại.

Thứ nhất, chất lượng khám chữa bệnh chưa cao. “Hầu hết các phòng khám tư, khám, chẩn đoán bệnh không có phương tiện xét nghiệm cận lâm sàng, chiếu chụp X quang - Bác sĩ Hoàn nói- Họ chỉ khám, chẩn đoán dựa trên triệu chứng lâm sàng và kinh nghiệm.

Chỉ bằng ống nghe hoặc một vài thứ y cụ thông thường, làm sao có chẩn đoán chính xác, điều trị hiệu quả được. Không ít bệnh nhân tiền mất tật mang vì đi khám chữa bệnh tại phòng khám tư”. 

Kể từ khi Pháp lệnh Hành nghề y dược tư nhân được ban hành năm 1995 đến đầu năm 2005, hệ thống khám chữa bệnh ngoài công lập trong cả nước có hơn 60.000 cơ sở, chủ yếu là loại hình phòng khám.

Đối với loại hình bệnh viện ngoài công lập, đến nay cả nước có 40 cơ sở, trong đó 30 bệnh viện tư nhân, 5 bệnh viện có vốn đầu tư nước ngoài và 5 bệnh viện bán công.

Loại hình bệnh viện ngoài công lập chủ yếu tập trung ở TPHCM, Hà Nội, Huế, Đà Nẵng và An Giang. Tính đến cuối năm 2004, Hà Nội có 5.000 cơ sở hành nghề y tư nhân, trong đó có 4 bệnh viện tư nhân.

Riêng trong năm 2004, hệ thống bệnh viện ngoài công lập cấp cứu và khám chữa bệnh cho gần 2 triệu lượt và phẫu thuật cho 50.000 lượt bệnh nhân.

Thứ hai, vi phạm quy định chuyên môn. Khi hành nghề y dược tư nhân, bác sĩ chỉ được phép khám bệnh, kê đơn, bệnh nhân phải mua thuốc tại nhà thuốc được phép hành nghề.

“Tuy nhiên hầu hết phòng khám tư vừa khám, kê đơn và trực tiếp bán thuốc” – Bác sĩ Hoàn khẳng định - “Một số phòng khám tư nhân mà bác sĩ đang làm trong cơ sở y tế công lập còn chỉ bệnh nhân về khám chữa tại phòng khám tư, hoặc lợi dụng các phương tiện xét nghiệm cận lâm sàng của cơ sở y tế công phục vụ xét nghiệm tại phòng khám tư. Như thế khó tránh tình trạng bác sĩ không tận tâm với công việc chung".

Thứ ba, góp phần làm tăng giá thuốc và nhờn thuốc. Phòng khám tư nhân hoạt động không ngoài mục đích tận dụng thời gian nhàn rỗi để tăng thu nhập. Do vậy bệnh nhân đến phòng khám tư đều được chẩn đoán, thông báo tình trạng bệnh nặng hơn so với thực tế để kê đơn nhiều loại thuốc, nhiều biệt dược.

“Đơn thuốc đó dù mua tại phòng khám hoặc mua ở nhà thuốc do phòng khám tư chỉ dẫn đều mang lại lợi nhuận cao cho thầy thuốc kê đơn- Bác sĩ Hoàn nói- Đặc biệt khi bệnh nhân khám ở phòng khám tư mắc bệnh cần dùng kháng sinh, thầy thuốc ở phòng mạch tư sẵn sàng kê đơn chỉ định kháng sinh mạnh nhất với liều tối đa. Nếu bệnh chưa thuyên giảm họ sẵn sàng đổi kháng sinh khác bất chấp bệnh nhân có chịu được không, kể cả dùng chưa đủ liều theo quy định”.

Ông cảnh báo, cách kê đơn như phần đông phòng khám tư nhân đang thực hiện góp phần làm giá thuốc tiếp tục tăng và gây nhờn thuốc, dẫn đến phát sinh một số bệnh tật khác như teo cơ ở trẻ em, loạn khuẩn đường tiêu hóa…

“Cái mất lớn nhất có lẽ là kiến thức - PGS Dinh lo ngại - Tối ngày hết làm công đến làm tư, lấy đâu thời gian trau dồi và nạp thông tin mới để nâng cao tay nghề. Tôi tin một bộ phận không nhỏ bác sĩ công của chúng ta không theo kịp tốc độ phát triển và lỗi lớn là chuyện công tư lẫn lộn”.

“Trước đây tôi có một phòng mạch, mỗi tháng kiếm được chục triệu - PGS Dinh nói - Nay con trai tôi làm ở Bệnh viện 108, tôi cũng vận động không làm tư. Không phải vì đủ tiền đâu, vì biết bao nhiêu mới đủ?”.

Nhiều ý kiến bàn luận xung quanh sáng kiến ở Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM), và coi đây là đột phá trong xã hội hóa công tác y tế.

“Bộ Y tế cần nghiên cứu để biến quyết định trên của Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy thành quy định chung của ngành- Bác sĩ Hoàn đề nghị - Quyết định trên nếu chưa phù hợp với Pháp lệnh Hành nghề y dược tư nhân thì đề nghị sửa đổi Pháp lệnh cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay”.  

Những “thành tích” đáng quên của cơ sở y tế tư nhân

Hiện tượng rất phổ biến ở nhiều cơ sở tư nhân là: lợi dụng tâm lý sợ bệnh tật để buộc người bệnh làm những xét nghiệm vô lý và sử dụng những loại thuốc ngoại rất tốn kém.

Có nơi như Bệnh viện Đa khoa Tư nhân Tràng An (Hà Nội) còn chữa khớp cho bệnh nhân bằng loại thuốc Trung dược cổ truyền đặc hiệu rồi lấy giá cắt cổ mấy năm trời.

* BS Phạm Viết Thái, Trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Ninh Thuận, mua một máy nội soi về làm thêm tại Cty TNHH khám chữa bệnh Thái Tuận.

Ngày 6/7/2004, một bệnh nhân chết do sốc khi đang được nội soi tại đây. Ngày 20/3/2006, bác sĩ Thái bị xử 12 tháng tù treo vì tội vi phạm quy định khám chữa bệnh.

* Tháng 4/2004, chị Nguyễn Minh Thu từ quận Tân Bình (TPHCM), tới một bệnh viện lớn ở Hà Nội để làm phẫu thuật thẩm mỹ nâng ngực.

Vị bác sỹ Trưởng khoa Phẫu thuật thẩm mỹ kéo bệnh nhân ra Phòng khám Đa khoa H.Ph. để “đánh quả”. Hậu quả là bộ ngực của chị Thu bị hỏng. Đến thời điểm này, chị vẫn phải chấp nhận “sản phẩm” xuống cấp dù vấn đề nhiễm trùng đã được xử lý.

* Nhiều người Hà Nội không quên chuyện tai tiếng ở một trong những phòng khám tư nhân đầu tiên của Hà Nội với “dịch vụ thử thai bằng nước bọt” gây bao phiền toái cho không ít chị em.

Sau đó là tình trạng các phòng khám tư nhân đua nhau mời “chuyên gia” Trung Quốc sang làm việc mà thực chất chỉ là lang băm khiến nhiều người thêm tiền mất tật mang.

* Theo Thanh tra Bộ Y tế, năm 2004, trong tổng số 9.270 cơ sở hành nghề y tư nhân bị thanh tra có 1.520 cơ sở bị phát hiện vi phạm. Trong số đó có 456 cơ sở bị cảnh cáo và 193 cơ sở bị đình chỉ hành nghề.

Các sai phạm tập trung chủ yếu ở việc vừa khám vừa bán thuốc, vi phạm quy chế chuyên môn trong khám chữa bệnh, hành nghề không phép, hành nghề vượt quá phạm vi cho phép, lạm dụng xét nghiệm, thuốc và thực hiện không nghiêm chế độ vô khuẩn, xử lý chất thải.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.