Thiếu cầu, dân bơi qua sông tới rẫy

Xe công nông chở khách qua cầu đập tràn Trà Tập.
Xe công nông chở khách qua cầu đập tràn Trà Tập.
TP - Người dân nhiều buôn làng Tây Nguyên đến nay vẫn hằng ngày lội suối, vượt sông lên nương rẫy, chủ yếu vì không có cầu.

Cõng nông sản qua suối

Nhiều năm nay, hơn 700 hộ dân buôn Cuôr, Cuôr Tắk và Dơng Yang, xã Yang Tao, huyện Lắk phải lội suối Đắk Pok để qua bên kia bờ sản xuất nông nghiệp.

Suối Đắk Pok dài 7km, rộng chỉ khoảng 10m nhưng cũng đủ chia cắt người dân xã Yang Tao với hàng trăm héc ta nương rẫy . Mùa mưa có khi nước cao đến 2m, không chỉ khó khăn trong việc gieo trồng canh tác, mà còn đe dọa tính mạng dân nghèo. Hằng ngày, họ phải lội qua suối lên rẫy. Mùa khô nước suối cạn, họ có thể dùng xe chở nông sản vượt qua. Mùa mưa nước từ đầu nguồn đổ về, đường xuống suối lầy lội, trơn trượt, đến xe công nông cũng chẳng dám qua. Có khi họ phải dựng lán chờ hết đêm, nước rút, mới về được. Vụ thu hoạch lúa thường trùng vào mùa nước lên nên việc đi lại, vận chuyển nông sản càng khó khăn và nguy hiểm.

Gia đình ông Y Nam Teh (buôn Cuôr Tắk) có 6 sào lúa, nằm cách suối hơn 200 mét, bình thường thu hoạch chỉ cần vài người gặt trong 2 ngày là xong, nhưng mùa nước lớn xe không qua được, ông phải mướn thêm 10 người để vừa thu hoạch vừa phụ giúp vác lúa qua suối.

Ông Ma Táo (SN 1969, buôn Cuôr Tắk) kể: Mấy năm trước, một lần đàn bò đi qua suối về nhà, gặp lúc nước dâng cao cuốn trôi mất 2 con . Năm vừa rồi có hai cháu bé đi chăn bò, lội qua suối chảy xiết, bị nước cuốn trôi. “Nhà tôi gần suối lại có cháu nhỏ nên không dám cho các cháu ra đây chơi, nguy hiểm lắm. Đã nhiều lần người dân Yang Tao chặt những thân cây to làm cầu tạm để qua suối nhưng cũng chẳng được lâu, cứ nước đầu nguồn về là cầu tạm lại bị cuốn đi mất”.

Ông Y Khương H’long, Phó chủ tịch UBND xã Yang Tao cho biết: Bà con buôn Cuôr, Cuôr Tắk và Dơng Yang đã nhiều lần kiến nghị tại các cuộc tiếp xúc cử tri, mong có một cây cầu để việc đi lại, sản xuất và giao lưu hàng hóa thuận tiện hơn.

“Đò công nông”

Cầu đập tràn Trà Tập nối hai xã Nam Yang và H’Neng (huyện Đak Đoa, Gia Lai). Mùa mưa nước ngập lên mặt cầu, người dân phải bơi trên cầu để qua sông.

Anh Trương Quang Trung (thôn 1, xã Nam Yang) hằng ngày vận chuyển bà con, học sinh qua sông, tâm sự:  Hễ mùa lũ về là nước cuồn cuộn chảy xiết, nhiều người vẫn  bất chấp nguy hiểm lội qua sông. Tôi đã độ chiếc xe công nông nhà mình cho cao lên rồi túc trực từ 5 giờ sáng đến 19 giờ đêm để chở học sinh 2 xã H’Neng và xã Nam Yang qua học tại các điểm trường trên địa phận của xã. Hiện có trên 200 học sinh được tôi chở miễn phí.

Đối với người dân, ban đầu, mỗi chuyến vận chuyển một người kèm xe máy, anh Trung thu 5.000 đồng/lượt (nay là 10.000 đồng/lượt do giá xăng dầu tăng cao).

Xã H’Neng đa số là đồng bào dân tộc thiểu số, mưu sinh chỉ yếu bằng nghề nông. Cầu đập tràn Trà Tập là điểm nối huyết mạch giữa 2 xã, việc vận chuyển phân bón sang rẫy rất vất vả, nhiều lúc qua đến nơi thì phân bị ướt buộc phải bón gấp.

Ở thôn 6, xã Bình Hòa huyện Krông Ana, Đắk Lắk thầy cô và học sinh muốn đến điểm trường phải vượt qua sông dữ Krông Ana. Ông Phạm Văn Sỹ dạy học ở đây kể: Ngày chưa có đò, thầy cô giáo, học sinh phải chịu cảnh đất bùn lên quá đầu gối khi mùa mưa sang, phải hít bụi dày đi đường vòng xa lắc vào mùa nắng mới đến được trường. Không muốn con theo nghiệp “con trâu đi trước cái cày theo sau”, ông quyết đóng đò đưa con đi học. Những ngày mưa lớn, thầy cô, học sinh ướt nhẹp vì chiếc đò tự chế không có mái che.

Ngày 19/9/2014 Ban An toàn giao thông tỉnh Đắk Lắk trao tặng xã Bình Hòa một chiếc thuyền gắn máy có đầy đủ trang thiết bị, có thể vận chuyển từ 70 đến 100 khách/chuyến. Chiếc thuyền được xã giao cho anh Phạm Văn Hùng. Từ khi có thuyền mới, việc đi học - đi dạy của cô trò dễ dàng hơn đôi chút.

Ông Lục Văn Toại - Giám đốc Ban quản lý dự án, Sở Giao thông Vận tải Đắk Lắk cho biết: Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh Đắk Lắk có hơn 400 cầu dân sinh, chủ yếu là cầu tạm bắc qua suối. Tháng 3/2016, Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt “Dự án đầu tư xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương. Tỉnh Đắk Lắk được xây dựng 122 cầu kinh phí 193 tỷ đồng từ nguồn vốn vay của Ngân hàng thế giới (WB), ngân sách Trung ương và địa phương. Năm 2015 - 2016, tỉnh Đắk Lắk xây dựng và bàn giao 9 cầu. “Hiện nay, chúng tôi đang lập hồ sơ 4 gói thầu gồm 33 cầu, sau đó sẽ tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, báo cáo kinh tế, kỹ thuật để tiến hành xây dựng”, ông Toại cho biết.

MỚI - NÓNG