Đua nhau 'ôm' đất lập dự án

Thiếu cơ sở và vỡ quy hoạch

Thiếu cơ sở và vỡ quy hoạch
TP - Với khoảng 146 nghìn hécta đất nông nghiệp, mặt nước... được phê duyệt chuyển sang đất đô thị, Hà Nội (mở rộng) phải cần đến lượng vốn bằng 20 lần GDP của cả nước 2008. Chỉ xét khía cạnh vốn đã thấy sự ảo tưởng.

Nghiêm trọng nữa là quy hoạch Vùng Thủ đô bị phá vỡ.

Thiếu cơ sở và vỡ quy hoạch ảnh 1
Ông Nguyễn Hoàng Long (xã Song Phương, Hoài Đức) vẫn cặm cụi bên thửa ruộng của gia đình trước khi thu hồi

Tiềm ẩn nhiều bất ổn

Thực trạng ồ ạt phê duyệt, cấp phép hoặc dễ dãi, tùy tiện trong việc chấp nhận chủ trương đầu tư đã được Tổ Công tác rà soát của Hà Nội đánh giá là mất cân đối, chủ yếu tập trung vào kinh doanh bất động sản.

Do chưa có quy hoạch chung xây dựng cho từng vùng, liên vùng để điều chỉnh, dẫn hướng các quy hoạch vi mô nên nhiều đồ án quy hoạch, dự án đầu tư nằm trong cùng quận, huyện, xã… nhưng chưa có sự gắn kết, hỗ trợ hợp lý với nhau, đặc biệt là sự kết nối, chia sẻ các công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật khung như đường giao thông, cấp thoát nước, xử lý rác thải, nước thải, cấp điện… do vậy đã và đang tiềm ẩn một tương lai phát triển không bền vững.

Số các đồ án quy hoạch, dự án được phê duyệt, cấp phép đầu tư nhiều nhưng tốc độ, quy mô triển khai, giải ngân chậm; số dự án có mặt bằng sạch khá khiêm tốn; một số dự án có mặt bằng sạch nhưng tốc độ xây dựng các hạng mục công trình hạ tầng kỹ thuật và công trình khác chậm, thậm chí bỏ trống gây bức xúc dư luận.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Tổ Công tác, diện tích cũng như quy mô dân số theo quy hoạch của các đồ án quy hoạch và dự án đầu tư các khu đô thị mới, khu nhà ở và các khu đa năng có nhà ở (từ năm 2008 đến năm 2020) là 41.319 ha và hơn hai triệu người.

Trong khi đó, tại quyết định số 1878/QĐ - TTg ngày 22/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến 2050, dự báo đến 2030 quy mô dân số của Hà Nội chỉ vào khoảng 10 triệu dân (hiện là 6,3 triệu người), tức mức tăng từ nay đến 2030 chỉ là 3,7 triệu người.

Theo một chuyên gia, thực trạng Hà Nội mở rộng địa giới hành chính hiện nay đòi hỏi phải có quy hoạch tổng thể tốt và quy chế quản lý quy hoạch để giám sát. Quy hoạch phải đi trước một bước và có lộ trình đầu tư theo từng giai đoạn và từng khu vực tùy theo nhu cầu phát triển và năng lực thực tế, chứ không làm tràn lan ngay một lúc. Có quy hoạch sẽ giao luôn cho địa phương quản lý, tránh việc ồ ạt biến đồng lúa thành đô thị.

10 năm chỉ tiến được một km

Đến nay, đã tròn 10 năm trục đường Láng - Hòa Lạc hoàn thành. Thế nhưng, tốc độ đô thị hóa của Hà Nội trước khi mở rộng cũng chỉ giới hạn kể từ cuối đường Nguyễn Chí Thanh kéo sang đường Trần Duy Hưng đến quá đường vành đai 3 một chút là chấm hết. Hầu như tất cả các công trình xây dựng chỉ loanh quanh trong ranh giới này, một số dự án mới bắt đầu mon men lấn ra khu Mỹ Đình.

Nói cách khác, suốt 10 năm qua, quá trình đô thị hóa theo hướng phát triển về phía tây và tây nam Hà Nội mới tiến được tròm trèm một km.

Với tốc độ đô thị hóa như hiện nay (Hà Nội cũ khoảng 70 phần trăm, Hà Tây cũ khoảng 13 phần trăm), tỷ lệ đô thị hóa chung toàn thành phố mở rộng khoảng 40 phần trăm thì với khoảng 145.770,42 ha đất đô thị được cấp có thẩm quyền phê duyệt (bao gồm 25.000 ha đất đô thị thuộc thành phố trung tâm; 14.000 ha đất đô thị thuộc huyện Mê Linh; khoảng 102.761 ha đất đô thị thuộc Hà Tây cũ; khoảng trên 4.000 ha thuộc bốn xã của huyện Lương Sơn, Hòa Bình mới sáp nhập về, từ nay tới năm 2030 (khoảng 20 năm) sẽ rất khó có đủ nguồn lực để thực hiện phủ kín toàn bộ diện tích nêu trên.

Có nghĩa là sẽ cần nguồn vốn khoảng 1.450 tỷ USD. Nếu so với GDP của cả nước hiện nay (khoảng 80 tỷ USD) thì số tiền này bằng GDP của cả nước trong vòng 20 năm. Tìm nguồn vốn này để thực hiện được đô thị hóa là điều quá xa rời thực tế.

Mặt khác, khu vực đô thị hóa chủ yếu nằm trong vùng phát triển nông nghiệp của Hà Tây cũ. Trong khoảng 20 năm, để chuyển khoảng 75 phần trăm diện tích đất nông nghiệp của Hà Tây sang phát triển đô thị là cũng không có cơ sở.

Nếu chấp nhận các dự án như thực trạng hiện nay sẽ dẫn đến đô thị chắp vá, manh mún, khó khớp nối đồng bộ hạ tầng, không phù hợp định hướng quy hoạch Vùng Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (theo quyết định 490/2008/QĐ - TTg, đất đô thị toàn Vùng Thủ đô gồm tám tỉnh đến năm 2020 là 111.500 ha và đến 2050 là 172.000 ha). Vậy thì không có lý gì riêng Hà Nội lại có diện tích đất đô thị vượt quá diện tích đất đô thị của cả tám tỉnh cộng lại.

Đồng thời việc giải quyết lao động, việc làm cho người bị mất đất nông nghiệp trong 20 năm nữa cũng khó có khả năng thực hiện.

Tổ Công tác rà soát của UBND Thành phố Hà Nội kiến nghị không khai thác quá lớn quỹ đất dọc trục kinh tế bắc - nam để lập dự án xây dựng chuyển giao (BT). Dự án mà Tập đoàn Nam Cường được giao quy hoạch 3.000 - 4.000 ha đất làm đô thị dọc hai bên đường này. Đối với trục Tây Thăng Long và trục Láng –Hòa Lạc không khuyến khích phát triển dải đô thị bám theo hai trục này, chỉ nên phát triển theo cụm, khu vực để tránh nối liền thành phố trung tâm với các đô thị vệ tinh trong vùng, tránh, tập trung các cơ sở sản xuất và dân cư lớn, phá vỡ mô hình tổ chức không gian Vùng Thủ đô đã được Thủ tướng phê duyệt.

Đồng thời tập trung ưu tiên rà soát các đồ án, dự án đầu tư xây dựng trong phạm vi khu vực vùng giới hạn thành phố trung tâm về phía tây đến hành lang sông Đáy. 

Các chuyên gia cũng kiến nghị UBND Thành phố Hà Nội xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến về hướng phát triển đô thị từ nay đến năm 2020-2030 cả về quy mô dân số và đất đai đô thị, cần thiết phải giảm quy mô đất đai và dân số phù hợp với định hướng quy hoạch Vùng Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đang được nghiên cứu.

Theo số liệu rà soát, có hai phần ba số đồ án quy hoạch, dự án đầu tư sử dụng đất nông nghiệp (đất trồng lúa hai vụ) một phần ba đồ án, dự án sử dụng đất nông nghiệp năng suất thấp (đất trồng lúa một vụ), đất lâm nghiệp, mặt nước, sình lầy và đất chuyên dùng khác.

Như vậy, nếu chấp nhận chuyển đổi khoảng 75 phần trăm quỹ đất nông nghiệp của Hà Tây cũ sang đất phát triển đô thị sẽ rất phức tạp khi triển khai nghị quyết về vấn đề tam nông.

Thời gian qua, việc triển khai các dự án nhưng chưa nghiên cứu kỹ các tác động tiêu cực với nhân dân về các mặt kinh tế - xã hội đã khiến nhiều vấn đề bất ổn về an ninh nông thôn và tam nông phát sinh. Nhiều dự án có quy mô sử dụng đất trồng lúa diện tích lớn tại những vùng khó khăn song chưa có phương án tạo việc làm mới khả thi cho dân.

Do vậy, Tổ Công tác đề xuất vùng đất đai nông nghiệp nằm trong lưu vực sông Tích, sông Đáy trước mắt dành cho phát triển nông nghiệp ổn định và quỹ đất dự trữ phát triển, hạn chế tối đa việc khai thác đất nông nghiệp phát triển đô thị tại khu vực này.

Nguồn: Tổ Công tác UBND Thành phố Hà Nội

Còn nữa          

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.