Thiếu điện, phòng Bộ trưởng cũng bị cắt điện

Thiếu điện, phòng Bộ trưởng cũng bị cắt điện
Cuối giờ chiều 25/5, phòng làm việc của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Hoàng Trung Hải không bị cắt điện nhưng khá nóng vì 2 máy lạnh không được bật cầu dao...
Thiếu điện, phòng Bộ trưởng cũng bị cắt điện ảnh 1
Bộ trưởng Hoàng Trung Hải

Không né tránh câu hỏi nào, nhưng Bộ trưởng Hải thường xen vào lời đề nghị “thông cảm cho ngành điện đã để người dân phải bức xúc vì thiếu điện”. 

Bất ngờ?

Thưa Bộ trưởng, khủng hoảng điện thế này ông có bất ngờ không?

Chúng tôi đã dự báo sẽ thiếu điện nhưng không nghĩ thiếu nhiều như thế này. Nguyên nhân là do biến động bất ngờ của thời tiết, lũ về muộn. Trong khi đó, đầu năm hồ Hòa Bình đã phải xả nước chống hạn. Không xả không được vì đồng bào ở hạ du đang cần nước cứu lúa. Đó là chưa kể nhu cầu điện ở miền Bắc lại tăng thêm trên 20% so với năm ngoái.

Ngành điện nói quá nhiều về nguyên nhân thời tiết, khí hậu, chẳng lẽ trách nhiệm thuộc về... ông trời?

Đúng là nói thế có vẻ vô trách nhiệm. Vì rõ ràng để thiếu điện thì trước hết thuộc về cơ quan quản lý nhà nước. Tôi không chối bỏ trách nhiệm.

Tổng công ty Điện lực (EVN) với tư cách nhà cung ứng điện độc quyền cũng có lỗi, vì người ta trả tiền để mua điện mà anh lại không có. Nếu Quốc hội bảo thay bộ trưởng Bộ Công nghiệp cũng không có vấn đề gì cả. Nếu thay mà tốt hơn thì mình vui vẻ thôi.

Thưa bộ trưởng, đã dự báo sẽ thiếu điện, vậy trước đó Bộ Công nghiệp chuẩn bị những gì để bù đắp phần thiếu hụt?

Chúng tôi tăng cường đẩy mạnh đầu tư các công trình điện, mua điện từ nước ngoài. Tất cả những cái đó được đưa hết vào trong qui hoạch và khi có biến động đã phải điều chỉnh. Nhưng cũng phải thấy nguyên nhân nữa là công trình chậm tiến độ chứ không phải không làm. Chậm do đền bù giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư, vấn đề vốn...

Ví dụ Nhà máy điện Uông Bí dự tính hoạt động vào năm 2004 nhưng chậm tới 2006. Nhà máy điện Na Dương có công suất rồi nhưng chạy thử chưa hoàn chỉnh nên chưa bàn giao nghiệm thu được. Đấy là những cái ngoài khả năng tính toán.

Nghĩa là tốc độ thực hiện chưa đáp ứng được qui hoạch đã tính?

Trong lịch sử ngành điện VN, chưa bao giờ đầu tư nhiều như bây giờ. Nhưng vẫn thiếu điện vì nhu cầu tăng cao đột biến.

Chưa bao giờ đủ!

Từng là tổng giám đốc EVN, theo bộ trưởng, cơ cấu ngành điện hiện nay có bảo đảm an ninh năng lượng cho nền kinh tế và nhu cầu dân sinh?

Chưa. Đầu tư và phát triển ngành điện chưa bao giờ đủ bảo đảm mức dự phòng cao cho hệ thống. Trong qui hoạch đã đặt ra tiến độ hoàn thiện công trình nhưng không được như mong muốn. Nước về hồ không đủ là bị ngay, không có nguồn thay thế.

Nghĩa là vẫn phụ thuộc rất lớn vào thủy điện?

Những năm trước thủy điện chiếm khoảng 70-80% tổng sản lượng điện. Nhưng theo qui hoạch đến năm 2020, thủy điện chỉ chiếm 32%. Hiện nay mình đang phát triển tất cả các nguồn điện khác nhau.

Tiến độ thi công chậm có phải có nguyên nhân chủ quan cho rằng từ khi có thủy điện Hòa Bình thì miền Bắc thừa điện?

Chưa bao giờ mình nghĩ dư thừa và chủ quan. Hiện nay có trên 30 công trình điện đang đầu tư, 121 công trình do tư nhân đầu tư đã được cấp phép triển khai, bốn công trình đã hoạt động với tổng công suất 2.200MW.

EVN đã biết một mình không gánh nổi nhu cầu lớn, không lo nổi vốn nên kêu gọi thêm các nhà đầu tư khác, cổ phần hóa các nhà máy điện, lấy tiền đó quay lại đầu tư. Cũng đã tính đến khả năng các dự án thường hay chậm nên đã đẩy công suất dự phòng lên 28-30%.

Tiến độ chậm có do trục trặc trong đàm phán giữa EVN và các nhà đầu tư?

Có trục trặc nhưng chưa phải vấn đề lớn và trục trặc là tất yếu trong khi mình đang xây dựng thị trường điện. Hiện nay EVN vẫn phải làm nhiệm vụ bao tiêu sản phẩm.

Thưa bộ trưởng, bao giờ mới phá được thế độc quyền của EVN?

Cái đấy là bài toán khó, phải mất 30 năm. Nhiều người bảo lâu thế? Nhưng không thể duy ý chí được vì cần nhiều cơ chế đồng bộ. Kinh nghiệm các nước chuyển từ độc quyền sang cạnh tranh đã xảy ra rất nhiều hỗn loạn.

Độc quyền có cái hay là một mình ông chịu trách nhiệm, khi hình thành thị trường cạnh tranh thì cả “làng” chịu trách nhiệm. Chính vì vậy việc xây dựng thị trường điện cạnh tranh phải có bước đi rất cẩn trọng.

Bài học của ngành viễn thông cho thấy nếu mở cửa cho các doanh nghiệp khác nhảy vào sẽ tạo được cạnh tranh có lợi cho người tiêu dùng ngay?

Thứ nhất, ngành viễn thông đầu tư không thể bằng điện được. Người ta đã tổng kết tất cả các ngành kinh tế, không ngành nào đầu tư nhiều bằng ngành điện. Thứ hai, tính công ích của ngành điện rất lớn.

VN là nước nghèo nhưng 88% hộ dân có điện, 93% số xã có điện trong khi đó nhiều nước phát triển trước mình vẫn chưa phủ đủ điện. Đấy là chính sách xã hội. Thứ ba, giá viễn thông đi từ cao xuống thấp vì đối tượng viễn thông phục vụ là người có tiền. Điện thì không thế, hơi nhích lên một tí là bị kêu rồi.

Thiệt hại 3 triệu USD/ngày

Lẽ ra ngành điện phải đi trước một bước, chứ không thể cứ chạy theo đuôi nhu cầu của nền kinh tế?

Chạy theo đuôi mà còn không đủ tiền làm. Anh cứ vẽ ra nhưng ai đầu tư? Điện không hề giống giao thông. Giao thông được đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước, điện đầu tư bằng vốn tự vay tự trả. Tư nhân tham gia đầu tư phát triển điện phải có lãi họ mới làm. Nhà nước không đầu tư cho điện mà yêu cầu phải đi vay vốn đầu tư và hoàn trả nợ vốn đấy. Vì sao? Vì điện là một ngành có thu, không một nước nào ôm vào và chỉ để ngân sách chi đầu tư.

Đầu tư điện một năm nếu đúng yêu cầu là 10% tổng đầu tư toàn xã hội. Từ trước đến nay mình đều vạch ra nhu cầu đầu tư của điện nhưng không bao giờ thực hiện nổi. Chỉ có năm ngoái đầu tư được khá nhiều: 30.000 tỉ, trong đó 23.000 tỉ của điện lực, 7.000 tỉ của các nhà đầu tư ngoài EVN.

Rõ ràng lâu nay trông đợi quá nhiều vào EVN... ?

Nhà đầu tư nước ngoài vào rất khó vì nhiều điều kiện đi kèm. Đấy là lý do tại sao khi Chính phủ kêu gọi vốn cho dự án điện Phú Mỹ từ năm 1997 mà đến năm 2003 họ mới vào, tức là mất sáu năm đàm phán. Nguồn vốn từ nước ngoài rất lớn nên họ yêu cầu Chính phủ bảo lãnh rủi ro, nhưng năng lực bảo lãnh của Chính phủ có hạn. Còn có lý do rất quan trọng là giá điện đầu ra do Nhà nước qui định.

Cái giá đấy là tín hiệu rất quan trọng đối với nhà đầu tư. Họ nhìn giá để biết EVN có thể mua được bao nhiêu và họ đầu tư vào đây sẽ lãi được bao nhiêu rồi mới quyết định bỏ tiền đầu tư. Trong khi đó, giá điện của ta thấp và cơ cấu giá bất hợp lý. Giá điện cho sản xuất cao nhất, còn giá điện cho sinh hoạt lại thấp nhất. Vì quan điểm thu nhập dân cư thấp nên lấy giá cao từ sản xuất bù cho tiêu dùng. Bây giờ đang điều chỉnh dần cho hợp lý.

Theo bộ trưởng, các giải pháp trước mắt và lâu dài giải quyết đủ nhu cầu điện là gì?

Dự báo từ giờ đến cuối năm thời tiết còn biến động nên sẽ tiếp tục mua điện của Trung Quốc. Bên cạnh đó, chúng tôi quyết định chạy Nhà máy điện Na Dương. Đối với Hà Nội, cố gắng cắt điện hợp lý hơn, kêu gọi tiết kiệm.Về lâu dài phải tạo ra thị trường điện. Theo lộ trình, từ giờ đến năm 2009 sẽ có thị trường điện, người dân sẽ được hưởng giá điện cạnh tranh.

Năm năm tiếp theo sẽ chuyển lưới điện truyền tải sang cho thuê, lúc đó có sự cạnh tranh giữa các ông bán buôn. Sau đấy 5-10 năm nữa cho cạnh tranh khâu bán lẻ. Để đạt đến mức bán lẻ thì trình độ dân trí, hạ tầng phải rất mạnh. Chúng tôi dự kiến năm 2024 sẽ có thị trường điện cạnh tranh. Tất nhiên nếu kinh tế đi nhanh thì thị trường điện hình thành nhanh hơn.

Còn kế hoạch xây dựng nhà máy điện nguyên tử?

Đang chuẩn bị, đã đồng ý về chủ trương nhưng phải chuẩn bị các điều kiện. Theo kinh nghiệm thế giới, phải mất 15 năm chuẩn bị. Qui hoạch của ta đến năm 2020 có nhà máy điện nguyên tử.

Thưa ông, chúng ta đã có kế hoạch kết nối với mạng điện các nước trong khu vực để điều phối và cân đối lẫn nhau?

Trong qui hoạch, ta sẽ đấu nối đường dây 500kV từ Hà Tĩnh qua Lào, sang Thái Lan. VN đã có sáng kiến và tính toán sớm việc nối mạng điện nhưng chưa làm được vì phụ thuộc vào nhiều nước. Hiện đã thống nhất chủ trương và thuê một công ty tư vấn của Úc nghiên cứu và đã thông qua dự án nghiên cứu tiền khả thi.

Thưa bộ trưởng, ông đánh giá thế nào về thiệt hại do thiếu điện?

Thường thì người ta tính nếu thiếu 1kWh điện thì nền kinh tế thiệt hại 0,5USD. Hiện nay mình đang thiếu 6-7 triệu kWh mỗi ngày, nghĩa là mất khoảng 3 triệu USD/ngày. Nên nhớ tình hình thiếu điện hiện nay có nguy cơ kéo dài cho đến khi hồ Hòa Bình có lũ về.

Mấy ngày qua, nhà bộ trưởng có bị cắt điện?

Có chứ. Mình làm thế nào được. Lúc đó thì thắp nến và “xoay trần” ra thôi. Tôi biết lắm nhưng biết làm thế nào được.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.