Thiếu quy hoạch, không thể quản lý nhà cao tầng

Thiếu quy hoạch, không thể quản lý nhà cao tầng
Tp - Việc Hà Nội rà soát 223 dự án nhà cao tầng trong khu trung tâm đang đặt ra nhiều lo ngại khi mà hạ tầng kỹ thuật, giao thông còn quá yếu kém. Trao đổi với PV Tiền Phong, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội - nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho biết:

>> Hà Nội : Đường hiện đại - phố 'nhà quê'

Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm
Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm .

Chuyện rà soát công trình cao tầng tại Hà Nội không phải việc mới. Ngay trong quyết định 108 năm 1998 của Thủ tướng đã nêu rõ: Hạn chế chiều cao các công trình xây dựng tại khu phố cũ và chỉ bố trí các công trình cao tầng ở vị trí thích hợp.

Hà Nội cần có thêm những công trình công cộng, dịch vụ, thương mại, phải đưa một số nhà máy ra ngoài. Chúng ta lúng túng vì còn thiếu nhiều quy hoạch chi tiết, thiếu cơ sở pháp lý để kiểm soát công trình cao tầng. Chỉ đạo của Thủ tướng năm 1998 mới là định hướng chưa được cụ thể hoá. Đã có thời kỳ có đề xuất quy hoạch chi tiết 9 tuyến phố nhưng không được phê duyệt. Dẫn đến tình trạng gặp đâu xem đấy .

Vậy việc cấp phép có thể rơi vào tuỳ tiện không, thưa ông?

Rõ ràng là có vấn đề, nhất là không có quy hoạch chiều cao tối đa khống chế là bao nhiêu mà lại chỉ căn cứ vào hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng trong một quy chuẩn chung chung. Người ta có thể lý giải là cái diện tích này tôi cho lên cao nhưng diện tích khác tôi cho thấp đi thì tổng cả ô đất mật độ có vẻ không tăng; nhưng sẽ rất lổn nhổn diện mạo đô thị. Tức là việc cấp phép tầng cao thiếu cơ sở pháp lý. Quá trình xét duyệt dự án thì mới chỉ nhìn từng công trình cụ thể mà chưa coi trọng tổ chức không gian chung.

Khu trung tâm đang quá tải về hạ tầng, giao thông, Hà Nội cần di dân ra ngoài, vậy có nên cấp phép xây quá nhiều cao ốc trong khu vực này?

Chúng ta chưa thật sự quan tâm phát triển giao thông, tổ chức giao thông chưa hợp lý, phương tiện giao thông cá nhân quá nhiều. Đô thị rất cần nhà cao tầng, cần trung tâm thương mại, nơi vui chơi, trong khi hạ tầng thì quá lạc hậu, đó là nghịch lý! Bức bách hiện nay là phải cải tiến giao thông.

Mặt khác, Hà Nội vẫn chưa biết kích thích phát triển các đô thị vệ tinh dẫn đến dân đổ dồn về trung tâm. Ví như khu Hoà Lạc đã có quy hoạch từ nhiều năm nhưng đất đai vẫn bỏ hoang, không kết nối được với trung tâm; đường vành đai 3 đã có quy hoạch từ năm 1981 nhưng đến nay vẫn dở dang.

Với 223 dự án được rà soát, ông có góp ý gì cho việc cấp phép sắp tới?

Tôi cho rằng việc cấp phép chiều cao, quy mô, vị trí công trình sắp tới không thể chỉ đơn giản căn cứ vào trình tự thủ tục đã làm, mà phải căn cứ vào tầm nhìn dài lâu hơn, theo quy hoạch sắp tới được phê duyệt.

Tuấn Minh (thực hiện)

MỚI - NÓNG