Thiếu sân chơi từ thành phố đến nông thôn

Những đứa trẻ theo cha mẹ đi cưa cây chơi đồ hàng
Những đứa trẻ theo cha mẹ đi cưa cây chơi đồ hàng
TP - Ngoài những đứa trẻ được chơi trong ngày hè nhờ sống ở thành thị có nhiều sân chơi, không ít em nhỏ tại vùng nông thôn phải du mục theo bố mẹ đi làm ăn nay đây mai đó...

>> Kỳ 1

Những đứa trẻ theo cha mẹ đi cưa cây chơi đồ hàng
Những đứa trẻ theo cha mẹ đi cưa cây chơi đồ hàng.


Đồng Nai: Trẻ du mục trong hè

Giữa những cánh rừng tràm thuộc địa bàn xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom (Đồng Nai) là những căn lều bạt căng lên thành nơi trú ngụ của gia đình những người thợ cưa gỗ. Đang vào mùa khai thác cây tràm, khắp cánh rừng rộn rã tiếng cưa máy. Dưới tán cây, những đứa trẻ tụm lại chơi đồ hàng, đứa lớn hơn thì biết nấu cơm, xách nước. Ở những bãi tập kết cây tràm đã cưa ra lóng, còn có nhiều đứa trẻ hì hục lột vỏ cây trước khi tràm được đưa lên xe tải chở đi.

Chị Nguyễn Thị Bé Ba, quê ở Cà Mau cho biết, ở quê thiếu việc làm, chồng chị được bạn bè rủ đi Đồng Nai cưa cây thuê. Từ mấy tháng nay, đi hết nơi này đến nơi khác, đến đâu hạ lều đến đó. Hầu hết các ông chồng đi cưa cây đều đưa cả gia đình đi cùng.

Chị Ba kể: “Tuy đi làm có tiền hơn ở quê, nhưng khổ lắm, mấy bữa nay bắt đầu trời đổ mưa, đêm hôm gió thổi giật tung lều cả nhà ướt lem nhem, tội mấy đứa trẻ”. Hai đứa con chị Ba, một đứa 5 tuổi chị mang theo từ mấy tháng nay, còn đứa con gái lớn học lớp 4 gửi lại nhà bà ngoại cũng vừa được chị về quê mang lên. Trong cánh rừng tràm, có hơn chục gia đình như chị Ba cắm lều cư ngụ.

Ở một góc rừng, bên cái bếp tạm được kê bằng mấy cục đá, em Nguyễn Thanh Mai, 10 tuổi, hì hục nấu cơm. Em cho biết nhà ở Gò Quao, Kiên Giang đang học lớp 5. Ăn tết xong đi theo cha cưa cây đến bây giờ.

Chị Lý Thị Hiền, mẹ Mai phân trần: “Tui với ổng đi mần xa thế này ở quê không có ai thân thích để gửi, nên phải cho cháu tạm nghỉ học, sang năm cháu đi học lại cũng được”. Bốn tháng, cả gia đình Mai dời lều đi ba lần, những nơi đóng lều em hoàn toàn không biết, chỉ biết đó là rừng, cưa hết nơi này cả đoàn lại được xe tải chở đi nơi khác. Trong lều, mấy đứa trẻ khác thì chơi đồ hàng, những món đồ chơi của bọn trẻ là những thứ lon, hũ mẻ sành nhặt được.

Một góc nhỏ tại Nhà văn hóa Lao động Nghệ An
Một góc nhỏ tại Nhà văn hóa Lao động Nghệ An .


Nghệ An: Quán nhậu nhiều, sân chơi của trẻ ít

Thành phố Vinh là một trong những trung tâm tỉnh lị lớn nhất khu vực bắc miền Trung nhưng nhà hàng, quán nhậu, sân cầu lông, tennis thì nhiều mà sân chơi trẻ thì ít. Chị Nguyễn Thị Hà, một người dân TP Vinh, tâm sự: Cả thành phố chỉ có Công viên Trung tâm là nơi vui chơi cho trẻ em. Tuy nhiên, nơi đây cũng chỉ phục vụ cho một bộ phận con em gia đình có điều kiện. Vì mỗi lần đưa con vào công viên đều phải mua vé 15 nghìn đồng. Bên trong có nhiều trò chơi, nếu cho trẻ con chơi thoải mái các trò thì mỗi tối bố mẹ của trẻ mất ngót nghét đến cả trăm nghìn đồng.

Nằm sát khu Công viên Trung tâm TP Vinh, khuôn viên rộng lớn của Nhà văn hóa Lao động Nghệ An chỉ có một góc nhỏ xíu dành cho trẻ em vui chơi. Diện tích còn lại là dành cho 4 nhà hàng ăn nhậu, 1 nhà hàng cà phê, một hệ thống sân tennis rộng, bãi sân chính được chia làm 3 sân bóng đá mini, phía trong nhà văn hoá là sàn nhảy, trung tâm thể dục thể hình, sân cầu lông…...

Chị Nguyễn Thị Thuận, trú ở phường Quang Trung nói: Mỗi dịp hè, tối đến chị thường đưa hai đứa con đi chơi, nhưng thay vì vào Công viên Trung tâm, chị đưa con ra góc sân Nhà văn hoá Lao động. Mặc dù ở đây ít trò chơi và không có trò chơi hiện đại như trong công viên nhưng bù lại giá rẻ. Rất nhiều người dân ở TP Vinh đều đưa con đến sân chơi bình dân như vậy.

Hàng năm Nhà văn hoá Thiếu nhi Việt Đức, Trung tâm Thanh thiếu niên Nguyễn Tất Thành liên tục mở các lớp học ngoại ngữ, âm nhạc, họa, võ thuật...cho trẻ em, nhưng cũng không thể đáp ứng được hết nhu cầu cho trẻ em ở thành phố.

MỚI - NÓNG