Thiếu vốn ngăn 'thủy thần' nuốt nhà dân

Một khu nhà bị sập ở bãi biển thôn Tiến Đức.
Một khu nhà bị sập ở bãi biển thôn Tiến Đức.
TP - Những tháng cuối năm, tình trạng biển xâm thực sâu vào đất liền trên địa bàn tỉnh Bình Thuận lại xảy ra. Một số khu vực ven biển tại huyện Tuy Phong, TP Phan Thiết và thị xã La Gi chịu thiệt hại nặng nề nhất  về tài sản, nhà cửa, đất đai của người dân.

Trắng tay mùa biển dữ

Trên bãi biển thuộc thôn Tiến Đức, xã Tiến Thành (TP Phan Thiết) chỉ còn lại những đống nhà đổ nát chưa được dọn dẹp. Nhiều căn nhà đã sập một phần, phần còn lại nứt toác chênh vênh chờ sập. Xa hơn ra phía biển là dấu tích của những căn nhà đã bị sập từ những năm trước giờ bị biển xâm thực . Mới đây nhất, trong 1 đêm cuối tháng 12/2017, người dân ở thôn Tiến Đức lại một phen hoảng loạn khi 5 căn nhà đã bị sóng biển đánh sập  hoàn toàn. Cùng đó, nhiều căn nhà khác đứng trước nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. Ông Trần Phương Thanh, một hộ mới bị mất nhà cho biết, 5 năm trước biển còn cách nhà ông 50m, nhưng hàng năm cứ vào mùa triều cường, biển xâm thực dần vào đất liền cuốn trôi hết mấy lớp nhà ra biển. Sau đợt mưa bão, áp thấp vừa qua, biển xâm thực mạnh vào đất liền và trong đêm căn nhà của gia đình ông và 2 căn nhà bên cạnh cùng đổ sập hoàn toàn. “May là chúng tôi đề phòng trước nên mọi người chạy thoát ra ngoài trước khi nhà sập hoàn toàn” - ông Thanh nói.

Một chủ một nhà hàng ở phường  Thanh Hải (TP Phan Thiết) cho hay, 10 năm trở lại đây, năm nay mới thấy biển tấn công mạnh vào khu vực này. Sau đợt bão cuối năm vừa qua khu vực nhà hàng của ông đã bị sập gần như toàn bộ. Nhiều khu nhà ở đây cũng đang đứng trước nguy cơ đổ sập. Hàng trăm chiếc bao chứa cát được người dân kè tạm để chắn sóng giữ nhà, giữ đất nhưng chưa biết trụ được bao lâu.

Giải pháp đã có nhưng thiếu tiền

  Theo thống kê của các  ngành chức năng tỉnh Bình Thuận, tại thành phố Phan Thiết, những năm gần đây triều cường càn quét sâu vào đất liền thuộc khu phố 5, phường Đức Long và thôn Tiến Đức, xã Tiến Thành với chiều dài gần 2.000m, sâu hơn 50m. Đã có 66 căn nhà bị sập, 150 căn nhà khác ở khu vực này và cả tuyến đường Trần Lê đang đối diện với nguy cơ xâm thực cao.

Tại thị xã La Gi, từ năm 2006 cho tới nay, đã có hơn 400 căn nhà với diện tích đất hơn 20 ha bị triều cường cuốn trôi ra biển. Hiện còn hơn 400 ngôi nhà khác đang đối diện với nguy cơ tiếp tục bị biển nuốt. Phường Phước Lộc, xã Tân Phước là 2 khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất do biển xâm thực. Ông Nguyễn Văn Lớn, ở phường Phước Lộc, thị xã La Gi cho biết, trước đây căn nhà  của ông nằm sâu trong khu dân cư, cách đến 7 lớp nhà nữa mới tới bờ biển nhưng sau nhiều trận triều cường hiện nhà của ông Lớn đã giáp mặt biển. Ông Lớn mong muốn Nhà nước sớm xây kè kiên cố để bảo vệ nhà cửa, cuộc sống của người dân nơi đây. 

  Thị xã La Gi đã xây dựng khu tái định cư ở thôn Hồ Tôm (xã Tân Phước), di dời được hơn 300 hộ dân vùng sạt lở ra nơi ở mới. Tuy nhiên, theo ông Ngô Đình Khoa, Phó phòng Kinh tế thị xã La Gi, khu vực bờ biển ở khu tái định cư thôn Hồ Tôm cũng đang bị biển tấn công vào rất nhanh. Thực tế cho thấy, nhiều lớp cây dương chắn cát ở khu vực này đã bị sóng đánh trốc gốc. Ông Khoa cho biết tình trạng bị biển lấn ở khu vực này xảy ra nhanh khi bờ kè ở khu vực cảng cá được xây dựng. Giải pháp trồng rừng bảo vệ bờ biển ở khu vực này không còn phù hợp khi bờ biển đã bị tàn phá nặng, ăn sâu vào đất liền. Chỉ có giải pháp xây công trình kè bờ là phù hợp, tuy nhiên công trình phải được đầu tư đồng bộ, kịp thời mới phát huy hiệu quả.

Trước tình trạng nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại do, theo UBND tỉnh Bình Thuận, giải pháp xây dựng đê kè biển là hiệu quả nhất để bảo vệ  tính mạng, tài sản của người dân và đất đai. Tuy nhiên, cần có nguồn vốn đầu tư rất lớn. Ông Nguyễn Hùng Tân – Chánh Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận cho biết, UBND tỉnh đã kiến nghị với Trung ương hỗ trợ cho địa phương theo quy hoạch đã được Bộ NN&PTNT phê duyệt. “Trước mắt cho 3 địa phương bị sạt lở nặng nhất là Tuy Phong, Phan Thiết và La Gi với tổng kinh phí khoảng 385 tỷ đồng”- ônh Tân nói và cho biết hiện nguồn vốn vẫn chưa có.

Tại xã Vĩnh Tân và thị trấn Liên Hương, huyện Tuy Phong cũng đang thiệt hại do biển dâng. Từ đầu năm 2016 đến nay, tại khu vực khu phố 14, thị trấn Liên Hưng và khu dân cư thôn Vĩnh Hưng, xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tình trạng nước biển dâng gây thiệt hại 46 căn nhà và 300 căn nhà khác bị đe dọa, nguy cơ sập.

MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.