Thợ ảnh vùng biên

Thợ ảnh vùng biên
TPO - Không có cảnh chèo kéo du khách, đeo bám dai dẳng, chỉ có những lời mời lịch sự. Cũng không giống các đồng nghiệp nhiều nơi khác, thợ ảnh ở đây hoàn toàn không biết gì về máy ảnh chụp phim.
Thợ ảnh vùng biên ảnh 1
Toàn cảnh thác Bản Giốc. Ảnh: Mai Anh

Sau chặng đường hơn 300 km đi từ Hà Nội, chúng tôi đến thác Bản Giốc (huyện Trùng Khánh, Cao Bằng) khi nắng chiều đã giát vàng cả con thác.  Thác Bản Giốc vào thu thật quyến rũ. Thác tung bọt trắng xóa thả mình xuống dòng nước xanh thẳm như tìm về miền bình yên. Những chiếc bè đóng từ cây luồng thư thả theo dòng về phía hạ nguồn. Khung cảnh đẹp như tranh trên nền những vuông ruộng vàng rực đang vào cuối vụ.

Dắt con “ngựa chiến” qua chiếc cầu tạm bắc ngang con mương nhỏ bề ngang khoảng… 1m, chúng tôi phải trả “phí” 1000 đ/người (?). Vừa bước chân qua, tôi được đón chào ngay với lời mời gọi: “Chụp ảnh lấy ngay chị ơi!”.

Những "lán" ảnh cơ động

Thợ ảnh vùng biên ảnh 2
Những lán ảnh tạm bợ - Ảnh: M.A

Không phải là những cửa hiệu được xây dựng kiên cố và trang hoàng lộng lẫy, ở đây chỉ có những "lán" ảnh tạm bợ và cơ động. Hầu hết chúng được dựng lên vào sáng sớm và bị dỡ xuống khi bóng chiều đã nhập nhoạng.

Thợ ảnh nơi đây sống bằng nghề với công nghệ làm ảnh từ chụp đến in ảnh chỉ kéo dài khoảng… dăm phút(!).

Lướt mắt nhanh về phía có lời mời, chúng tôi thực sự ngạc nhiên. Một dãy “lán” ảnh với những chiếc máy chụp hình số, máy in ảnh màu, máy ép plastic và cả laptop nữa được dàn ra dưới mái lán lụp xụp.

Vốn đầu tư cho một bộ đồ nghề như thế, mỗi thợ ảnh dư sức mở studio nho nhỏ ở thị trấn Trùng Khánh, hoặc thậm chí ở ngay thị xã Cao Bằng. Tuy nhiên, họ lại chọn thác Bản Giốc làm nơi hành nghề.

Ở đây, các tay máy ngoài chụp ảnh cho du khách còn kiêm luôn vai trò làm hướng dẫn viên du lịch thác Bản Giốc. Mỗi lượt khách đi tham quan được chính những người dân bản địa giới thiệu về cảnh đẹp quê hương mình sẽ thuyết phục hơn. Và đây cũng là công việc giúp họ có thêm thu nhập.

Bước vào một lán gần đó, cầm tấm ảnh cỡ 10x15, tôi hỏi giá. Cô bé (dáng chừng là người yêu của cậu chủ lán) bẽn lẽn trả lời: “Hai mươi nghìn chị ạ!”. Xem ra, bỏ hai mươi nghìn để chỉ dăm phút sau có ảnh cũng là mức giá chấp nhận được, nhất là với một nơi cảnh đẹp thế này. 

Vừa tranh thủ “phơ” vài kiểu ảnh kỷ niệm vừa để ý xung quanh, tôi phát hiện tiếng cười nói của mấy thanh niên từ chiếc lán gần nhất. Lại gần chỗ các cậu này ngồi tôi thấy họ đang nhậu. Rượu trắng, uống bằng bát, hạ hỏa bằng... bia LiQ (đọc là Li Kuan- PV) của Trung Quốc. Một cậu giọng cũng lơ lớ trêu tôi: "Nhà báo đi chơi hả? Muốn hỏi gì thì cứ ngồi xuống làm bát rượu cái đã".

Thợ ảnh vùng biên ảnh 3
Kim Văn

Trong lán là ba chàng trai còn khá trẻ. Phương Trần Thịnh mới 24 nhưng có vẻ “chững chạc” hơn tuổi nhiều. Cậu này mắt sâu, mày rậm, tướng tá to cao, chắc nịch rất ra dáng nhà binh. Kim Văn nhỏ hơn tôi 4 tuổi, trông đậm người. Sùng Long Bính da đen bóng. Cả ba đều rắn rỏi. Chúng tôi uống chung cái bát sứt (vì chỉ có một cái duy nhất ở đây). Mồi nhắm là cá dơi thác Bản Giốc quấn bằng lá Thạk (tiếng địa phương, gần giống lá sung-PV) hơi chua chua, chát chát, chấm kèm muối hạt.

Chữ "nghề" nơi vùng biên

Hỏi thăm chuyện làm ăn, cả ba cho biết, khu thác này chỉ có dân địa phương mới được phép làm ảnh, đi bè hay đánh cá thôi. Dân nơi khác chẳng có ai đến vì đó là luật bất thành văn và cũng bởi xóm Bản Giốc này quá heo hút. Sống bằng nghề ảnh nhưng tất cả các tay máy ở đây chỉ chụp bằng kinh nghiệm, người làm trước chỉ cho người làm sau.

Toàn bộ máy ảnh, máy in màu, máy ép plastic, bàn xén và laptop đều là “đồ Tàu”. Chỉ cần một cú phone sang bên kia biên giới là hàng về ngay. Hơn 10 triệu đồng là giá trọn bộ thuộc loại ngon lành cho các tay thợ hành nghề. "Gom tiền để tậu một bộ rồi kiếm cơm độ nhật" - Phương Trần Thịnh cho biết. 

Thợ ảnh vùng biên ảnh 4
"Cần câu cơm" đều là hàng... tàu - Ảnh" M.A

Khách du lịch đến Bản Giốc thưa thớt, chủ yếu là dân “lượt phượt” thường chạy xe dã chiến thành từng tốp tìm lên đến khám phá. Bởi ngoài dịch vụ làm ảnh thì du khách nếu muốn tìm một một quán ăn tạm cũng… đỏ mắt.

Những thợ ảnh vùng biên này không thể chỉ trông chờ vào việc chụp ảnh. Tuy cảnh đẹp nhưng đường lên đây quá xa trung tâm Hà Nội và không có khu nghỉ dưỡng nên lượng du khách đến thác Bản Giốc không nhiều như các khu du lịch khác.

Chính vì thế, nhiều tay thợ không thể “chuyên tâm” với… nghề mà còn phải tranh thủ đóng thêm bè mong kiếm thêm thu nhập, song cũng chẳng được là bao. Có khi bè được chống ra chơi giữa dòng là để… khuyến mãi cho việc khách chụp nhiều ảnh.

Những chiếc bè được đóng lên rồi để đấy vì không có mấy du khách, có chăng là để người làng tận dụng chèo bè ra giữa dòng quăng chài kiếm ít cá tôm. Sùng Bính cho hay, muốn đóng một chiếc bè hoàn chỉnh cũng tốn 3,5 triệu đồng nên chẳng mấy người coi đây là loại hình dịch vụ có thể kinh doanh được. “Mỗi lượt chống bè đưa khách ra tới giữa dòng ngắm thác chỉ 10.000 đ/người nhưng có rất ít du khách đến đây và sử dụng dịch vụ này” - Bính thở dài.

La liệt vỏ chai bia LiQ được chất đống dưới gầm bàn để đồ nghề làm ảnh. Thời gian cho mỗi tấm hình cũng nhanh, lại ít khách nên cứ rảnh rỗi là mấy tay “photographer” lại tụ tập uống rượu. Người vùng cao có khác, họ uống nhiều, chậm và đều nhưng chỉ hơi đỏ mặt chứ ít khi say.

Xế chiều, Phương Trần Cương (em trai Phương Trần Thịnh) vừa học xong PTTH mới ra lán. Cậu này còn ít tuổi mà tửu lượng cũng chẳng chịu thua chị kém anh.

Ngồi nghe tôi kể chuyện dưới xuôi, mắt Cương sáng rỡ và nghe chăm chú lắm. Cương bảo: “Ở đây con trai, con gái đều học đến hết lớp 12 là đi làm, không có ai được học Đại học đâu chị à!”.

Anh trai Cương thấy em nói cũng góp chuyện: “Con trai, con gái Bản Giốc lấy vợ, lấy chồng sớm lắm. Ở đây, người nào ngoài hai mươi mà chưa rục rịch cưới xin thì bị coi là… bất thường.”

Chụp chung với nhau khá nhiều ảnh số nhưng khi tôi hỏi xin địa chỉ mail thì tất cả đều cười và lắc đầu: Nơi này quá xa với thị trấn Trùng Khánh, chỉ có dưới ấy là có Internet nhưng cũng chập chờn lắm. Với Bản Giốc thì có điện đã là tốt lắm rồi.

“Một vùng đất có thiên nhiên đẹp mê hồn thế này mà không tận dụng được hết thì phí quá!” - Câu nói của các “photographer” vùng biên cứ đeo bám theo trí nhớ tôi suốt quãng đường về Hà Nội.

Tạm biệt Bản Giốc, tạm biết những thợ ảnh vùng biên với lời hứa chắc nịch: “Sẽ còn gặp lại!” chúng tôi về với địa chỉ của Phương Trần Cương trong túi và lời nhắn của cậu mà không khỏi nhói lòng: “Anh chị có viết bài thì nhất định phải gửi lên cho anh em em với nhé. Phải gửi lên mới đến được vì trên này không có ai bán báo cả đâu”. Bản Giốc thiếu thốn nhiều thứ quá…

MỚI - NÓNG