Thổ cẩm dưới núi Lu Mu

Thổ cẩm Tây Nguyên trong thiết kế truyền thống và hiện đại
Thổ cẩm Tây Nguyên trong thiết kế truyền thống và hiện đại
TP - Người Mạ cư trú chủ yếu tại Tây Nguyên, từng là chủ nhân của một vương quốc có nền văn minh rực rỡ với “núi Chúa” Lu Mu, Khu thánh địa Cát Tiên… Ngày nay, tay nghề làm thuyền độc mộc của nam giới và dệt thổ cẩm của phụ nữ Mạ vẫn khiến các tộc người khác ngưỡng mộ.

Đỉnh núi có hình Linga

Núi Lu Mu cao 1.079m (thuộc địạ bàn xã Ðạ M’ri, huyện Ðạ Huoai, Lâm Ðồng) có thể nhìn thấy rõ từ quốc lộ 20, trên đỉnh có một tảng đá hoa cương rất lớn mang hình Linga rõ nét. Vào lúc sáng sớm hay khi hoàng hôn sắp buông xuống, những áng mây vờn quanh đỉnh núi trông rất huyền ảo.

Vào năm 1880, khi thám hiểm thượng nguồn sông Ðồng Nai, bác sĩ người Pháp Paul Néis đã tìm đến ngọn núi này. Ông được nghe người già ở đây kể chuyện và ghi lại trong báo cáo vào ngày 1/1/1881: “Ðỉnh núi hoa cương Lu Mu gần Ðạ M’ri ngày xưa là một hòn núi rất lớn. Trên núi mọc đầy cây chuối cho quả ngon. Dân cư trong vùng đến hái nhưng một con quỷ khổng lồ đã ăn thịt hàng trăm người. Không biết cách nào để chống trả, người Thượng vội đi kêu cứu người Khơ-me. Người Khơ-me đến và đào trong núi một lỗ sâu đến tận trung tâm, rồi chất bông và thuốc nổ, châm lửa đốt. Núi vỡ ra thành 7 mảnh nghiền nát con quỷ khổng lồ. Núi Chứa Chan, Da-bakna và những mô đất ở phía sau làng Dong-ly là những mảnh của núi này”.

Paul Néis còn viết: “Sau khi nghe kể chuyện, chúng tôi đã tìm đến nơi nhưng nhận thấy các địa điểm này được coi như chốn linh thiêng, người Thượng không bao giờ dám đến gần” (trích tư liệu khảo cứu của nhà Ðà Lạt học Nguyễn Hữu Tranh).

Những năm 1998-2003, cố Giáo sư Trần Quốc Vượng, một trong những nhà khảo cổ học hàng đầu Việt Nam cũng đã nhiều lần khảo sát vùng đất này. Ông viết: Tôi đã phát hiện một trái “núi thiêng”-“núi Chúa” ở huyện Ðạ Huoai (“núi Chúa” thứ ba được phát hiện ở Việt Nam) mà giới nhân học Ðông Nam Á và thế giới gọi là Linga-parvatha. Linga-parvatha ở Ðạ Huoai chính là “núi Chúa” linh thiêng của Khu Thánh địa Cát Tiên, chứng tích nền văn minh cổ đại của vương quốc Mạ. Trước đây nếu ai phát đốt cây ở trái núi này sẽ bị phạt ít nhất một con trâu.

Tiếng đồn về sự linh thiêng và cảnh đẹp hoang sơ của quả núi đã thu hút không ít phượt thủ Việt Nam và các đoàn du khảo nước ngoài đến khám phá. Vừa kết thúc chuyến leo núi, quần áo bê bết đất và mồ hôi nhưng Nguyễn Thanh Hùng vẫn rất vui. Chàng phượt thủ trẻ măng hào hứng nói: Phải mất gần 6 tiếng đồng hồ để lội suối, vượt qua nhiều ngọn đồi với những tán rừng nguyên sinh xanh tốt mới lên tới đỉnh núi. Trên đỉnh có một khối đá hoa cương rất to, cao chót vót (khoảng 50-60m) trông thật hùng vĩ, vượt xa trí tưởng tượng của chúng tôi”.

Trên đường xuống núi nhìn ra bốn phía, cảnh đẹp khó tả, đặc biệt là những đám mây mờ ảo... Núi này có mạch nước ngầm chảy xuống đồng bằng mà người dân trong vùng gọi là suối Hạ Sanh, đến đoạn gần chân núi, dòng suối chảy qua khe đá lớn tạo nên thác nước tuôn đổ ầm ào hình thành bãi tắm khá đẹp phía dưới thác.

Thổ cẩm của người Mạ “nổi tiếng thế giới dân tộc”

Hiện dưới chân núi Lu Mu có 5 buôn cổ của người Mạ gồm buôn B’Lao Kon Chao, buôn Kon Trộ, buôn Ke B Làng… Già K’Dinh bảo những buôn này đã có từ ngàn xưa để thờ cúng “núi Chúa”. Ðàn ông làm thuyền độc mộc rất khéo, còn phụ nữ Mạ dệt thổ cẩm đẹp nổi tiếng khắp vùng. Tương truyền vùng đồi Khỉ cạnh bên dòng Ðạ Ðờng (sông Ðồng Nai) ngày xưa vốn là nơi ở của các thần linh.

Thổ cẩm dưới núi Lu Mu ảnh 1 Thổ cẩm Tây Nguyên lên sàn diễn thời trang

“Ðồi Khỉ mà già K’Dinh nhắc tới chính là Khu Thánh địa Cát Tiên đó”, nhà dân tộc học Ðinh Thị Nga quả quyết. Theo bà Ðinh Thị Nga, trong số các hiện vật tìm thấy tại Cát Tiên, có cả những hiện vật về các nữ thần nghề dệt. Trong dân gian thì có thành ngữ, tạm dịch là “Người Mạ dệt nổi tiếng thế giới dân tộc”. Bà kể, hai mươi mấy năm trước, khi đi điền dã ở vùng này, từng chứng kiến nhiều người ở các tỉnh phía Bắc Tây Nguyên dùng thuyền độc mộc xuôi theo dòng sông Sêrêpok, Krông nô, Krông Ana… đến đây để mua khi thì tấm đắp, lúc lại cái váy, cái khố bởi thổ cẩm của người Mạ rất nổi tiếng.

Trong khi các dân tộc khác ở Tây Nguyên thường chọn những gam tối như xanh, đen để làm nền cho thổ cẩm thì người Mạ chọn màu trắng, nhờ vậy mà các họa tiết hoa văn của người Mạ khá nổi bật và tươi sáng. Ðể tạo hoa văn trên thổ cẩm, ngoài việc dùng những thanh công cụ nhỏ đẩy luồn sợi khi dệt, phụ nữ Mạ còn khéo léo dùng tay luồn sợi thêu trên tấm vải mà không cần sử dụng kim thêu khiến cho đường nét, họa tiết hoa văn của thổ cẩm rất sinh động.

Rõ ràng, bên cạnh kỹ thuật điêu luyện, sự phong phú, đa dạng về màu sắc và đề tài trang trí cũng góp phần tạo nên vẻ đẹp độc đáo và sắc thái riêng cho thổ cẩm Mạ, mỗi sản phẩm là một tác phẩm độc đáo, có một không hai.

Người Mạ dệt vải bằng bông. Họ phải cán, tách bông ra rồi mang bông kéo thành sợi bằng một guồng tre rồi nhuộm màu tự nhiên, được chiết xuất từ vỏ và lá cây rừng. Sau đó còn phải tiến hành các khâu ngâm, phơi sợi… Một tấm đắp phải dệt hàng tháng trời mới xong, cái khố, chiếc áo cũng phải mất vài tuần. Bởi thế nên giá thành của thổ cẩm khá cao (từ vài trăm đến hàng triệu đồng), không cạnh tranh nổi với các sản phẩm công nghiệp. Nhiều người bỏ nghề dệt, chuyển sang làm việc khác.

Lo sợ nghề dệt thổ cẩm ở những làng cổ bị mai một, bà Nga đã đề nghị Phòng Nông nghiệp huyện đến khảo sát, hỗ trợ 100 triệu đồng để lập một HTX nghề dệt với 16 nghệ nhân. Bà cũng đã mời Nhà thiết kế (NTK) Minh Hạnh và một số doanh nghiệp đến thăm buôn cổ, xem các nghệ nhân dệt thổ cẩm.

Trò chuyện với chúng tôi, NTK Minh Hạnh nói thực sự ngỡ ngàng vì thổ cẩm quá đẹp, mẫu mã phong phú. Chị cho biết vừa đưa thổ cẩm Mạ, K’Ho lên sàn diễn thời trang; mặt khác kết nối các doanh nghiệp sản xuất tơ tằm với buôn làng người Mạ để làm hàng từ tơ tằm cao cấp. Công ty Vân Nguyễn (huyện Lâm Hà, Lâm Ðồng) đã tổ chức cho các nhóm phụ nữ người Mạ, K’Ho dệt thổ cẩm; sau đó, thêu, vẽ… lên thổ cẩm để tạo ra như đồng hồ, tranh thêu, tranh vẽ. Vân Nguyễn tiếp cận được với khách hàng quốc tế, như Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Tây Ban Nha…

Bà Ðinh Thị Nga rất tâm đắc với ý tưởng này. Bà nói: Hồi sinh làng dệt thổ cẩm trù phú dưới chân “núi Chúa” sẽ biến nơi đây một điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn. Du khách vừa có thể khám phá “núi chúa”, tham quan làng nghề và mua được sản phẩm thổ cẩm đặc sắc.

MỚI - NÓNG