Thời của nhếch nhác

Thời của nhếch nhác
TP - Không biết cái ông ban ngày ban mặt đậu ô tô, đứng giữa phố xá đông kịt người ở thủ đô để đái, bị cả thế giới biết, có thấy nhục không? Có nhục bằng ông Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô quốc gia, khi hồi đầu tuần... ...phải thốt lên “Tôi thấy nhục vì doanh nghiệp vận tải bị nói chây ỳ, móc túi”.

Ông chủ tịch hội nghề nghiệp thực ra có quyền hành gì với doanh nghiệp đâu, phải “lạy xin” doanh nghiệp giảm cước mà không được. Giá đa phần các doanh nghiệp vận tải có được chút liêm sỉ, thì suốt cả năm nay đã không chai mặt phớt lờ phản ứng của dư luận. Còn cơ quan quản lý thì viện lý do cứ để giá cả, hàng hóa vận hành theo cơ chế thị trường. Vậy bây giờ tất cả các nhà xe hè nhau nâng giá, dân khóc than, thì cũng chỉ giơ mắt ra nhìn thôi sao?!

Cựu Phó Thủ tướng và nay là tân Bí thư Hà Nội Hoàng Trung Hải hồi đầu tuần này, đăng đàn đầu năm với báo chí, cũng có câu nói đầy thấm thía, đó là “phải biết xấu hổ khi Thủ đô nhếch nhác”.

Nhục, hay xấu hổ, cơ bản cũng là một. Tất nhiên, nhục là đỉnh cao của nỗi xấu hổ. Đó là tâm lý đau đớn của những ai có lương tri khi nhìn vào sự nhếch nhác của xã hội và của con người.

Sự nhếch nhác trong tâm - thế - làm - người của con người thời nay mới thực sự thảm họa. Nguy hại của những cống rãnh, nước thải, rác rưởi, chợ búa, hàng quán vỉa hè… không thể so bằng. Xộc xệch, nhếch nhác, liều lĩnh, bất cần trong tư duy, hành động, bất chấp tất cả. Xú uế của một cú đái bậy giữa phố còn nặng hơn cả một núi rác, không dễ gột rửa ngày một ngày hai. Bởi trong chớp mắt, nó được cả triệu người trong và ngoài nước chia sẻ trên mạng xã hội. Núi rác chỉ nằm một chỗ, khi được dọn đi, không để lại dấu vết. Còn vết nhơ đô thị trong hình dáng một người đàn ông thản nhiên dạng chân giữa phố đông là không biên giới, không cần phiên dịch.

 Đáng ngại, con người ngày càng tỏ ra “hồn nhiên” với sự nhôm nhoam, nhếch nhác trong suy nghĩ và lối sống của mình.

Lễ hội nhiều cảnh dân cướp phết, quan tranh lộc. Dẫu miếng bổng miếng lộc cũng chỉ là miếng ảo. Có người còn đề xuất tổ chức khai ấn, phát ấn tại Hoàng thành Thăng Long. Nhân đào thấy mảnh gỗ khắc mấy chữ “Sắc mệnh chi bảo” tại đây, mà việc đây có phải là ấn hay không vẫn còn tranh cãi. 

Lắm mê mị giữa “thời của thánh thần”, cũng là thời của nhếch nhác. Vừa ra đời dịch vụ chuyển phát nhanh ấn đền Trần ra nước ngoài cho những ai có nhu cầu. Loại trừ cơn khát thăng quan tiến chức thường chỉ dành cho các quan ở nhà, thì xuất khẩu niềm tin tâm linh, đem hơi ấm quê cha đất tổ đến với những người con xa xứ, âu cũng là điều hay. 

Thực ra đã có cả một thành phố, một đất nước cảm thấy nhục thay cho ông tè bậy rồi, phần nhục của ông chắc cũng chẳng còn bao nhiêu.

Biết nhục thay cho nhau, âu cũng là điều đáng mừng vậy.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.