Thời sự của sự thật

TP - Sự thật - Để trần hay che mặt” của nhà báo Đại Dương - một cây bút của Tiền Phong, là tuyển tập những bài viết, bình luận, phóng sự, điều tra đã được đăng tải trên Tiền Phong và một số báo chí suốt gần ¼ thế kỷ làm nghề của tác giả.

Điều đầu tiên tôi thấy, đó là tính thời sự trong cuốn sách dày 300 trang này dai dẳng quá. Không chỉ gần đây, mà cả những bài báo được viết ra, in ra từ hơn 20 năm trước, nay vẫn thấy chính là hiện thực ngổn ngang đang vây bủa xung quanh. Dẫu đa phần được tác giả viết bằng ngôn ngữ, hình ảnh thông tấn, đi thẳng vào những sự việc, con số cụ thể, chứ không phải những trang ký báo chí, ký văn học bay bổng.

Có loạt phóng sự viết từ rất sớm, năm 1996, về thân phận nữ công nhân tại các KCN ở TP HCM (“Ở những vương quốc hồng nhan”). Bây giờ sau hơn 20 năm nhìn lại, đời sống nữ công nhân tại các KCN có khác gì không? 

Từ “Án treo quy hoạch” (ở Bình Quới, TPHCM viết từ năm 1999), đến “Những khu dân cư chết ngạt vì ô nhiễm” (năm 2007). Từ “Đắng cay của doanh nghiệp: Đoạn trường ai hay” (năm 2009), khi DN bị móc túi ở cửa khẩu, phải lót tay, bôi trơn khắp nơi, DN bị mắc kẹt trong ma trận các quy định, giấy phép, đến báo động về nợ công (năm 2011), hay việc giải quyết nợ xấu bằng tiền của dân (năm 2012)…

Thời sự của sự thật ảnh 1 “Sự thật – Để trần hay che mặt” (tác giả Đại Dương, NXB Tổng hợp TP HCM – Trí Việt/First News, tháng 6/2018).

Hiện thực ngổn ngang với muôn nẻo đường “lẩn thuế” của giới showbiz (năm 2014); Với  “Bóng ma bao cấp” (năm 2014) dù thời bao cấp đã qua hơn 30 năm, nhưng vẫn còn đó không ít “luật chơi” độc quyền bất bình đẳng, nhóm lợi ích, đắp chiếu những “quả đấm thép”, ngân hàng vung tay, thẩm định trên giấy, sai phạm vẫn thăng chức. Cho tới những học trò tự tử chết tức tưởi ở tuổi non tơ bởi áp lực điểm số, thi cử từ cha mẹ, nhà trường…

Những hiện thực ấy, sự thật ấy thật kỳ lạ với xứ sở này, đó là chúng không bao giờ “lạc hậu”!

“Những mảnh đời lam lũ bên dinh thự nguy nga” là loạt điều tra thực hiện năm 2014. Tác giả cận cảnh những mảnh đời đói rách xung quanh dinh thự hoàng tráng, nguy nga của con trai ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ ở ấp 3 xã Sơn Đông, TP Bến Tre (tỉnh Bến Tre). Những căn chòi rách nát dựng trên đất thuê bên mương nước đục ngầu. Làm ruộng, trồng rau, hái dừa cũng trên đất thuê “mỗi năm phải trả cho chủ đất 45 giạ lúa/công đất”. Tháng nào khấm khá nhất mới thu về được 2 triệu đồng. 

Tương phản ngay bên cạnh là toà dinh cơ của gia đình ông cựu Tổng thanh tra Chính phủ rộng tới hơn 16.500m2, mà ông lão 84 tuổi ở sát bên phải thốt lên “tôi ở đây từ khi lên 7 tuổi và hồi trẻ cũng đi nhiều nơi nhưng chưa bao giờ thấy căn nhà nào to dữ dội như vậy”.

Để bây giờ, nhìn quanh thử xem, cảnh tượng ấy hầu như nơi nào cũng thấy.

Một điều nữa, qua tập sách cho thấy tác giả là cây bút nhiều trăn trở và dấn thân. Một mình thâm nhập vào giới buôn lậu chuyên đánh hàng vào Việt Nam ngay trên chính đất Trung Quốc. Một mình sang Miến Điện viết ký sự tường thuật hành trình “vượt qua đêm tối” của người dân quốc gia này, đến “Đời cá bên sông Thajin” trên đất Thái Lan với những đời ngư phủ đắng chát, nhọc nhằn. Đau đáu với khát vọng lên bờ của dân vịnh Cái Bèo (huyện đảo Cát Bà, Hải Phòng). Ám ảnh “ma ngón” ở Điện Biên nơi giới trẻ luôn chọn cái chết bằng lá ngón dù với bất kỳ mâu thuẫn lớn hay nhỏ. Cho đến “Đi sim thời hiện đại”, về tập tục lâu đời của người Pakô, Vân Kiều trên dải Trường Sơn – Quảng Trị. Ẩn sau đó là nạn tảo hôn vẽ nên bao cảnh đói nghèo, lam lũ nhức nhối

Báo chí hiện đại có khái niệm “hậu-sự thật” (post-truth). Đó là khi sự thật chính thống bị nhiễu loạn, bị đánh lạc hướng bởi những những tin đồn, sự dối trá có chủ đích trên mạng xã hội, trong dư luận, cộng đồng. Những thứ có vẻ “giống” sự thật ấy, khá oái oăm lại được cư dân mạng, dư luận tin vào. 

Bởi thế, giờ đây lại càng cần hơn bao giờ hết những nhà báo tỉnh táo, bản lĩnh, những người không mệt mỏi dấn thân để tìm ra, phản ánh, phơi bày sự thật như vốn có.   

“Sự thật - Để trần hay che mặt?” tên tập sách, cũng là một trong những tựa đề loạt bài điều tra “Đắng cay của doanh nghiệp - Đoạn trường ai hay?” của nhà báo Đại Dương thực hiện tháng 6/2009. Loạt bài đăng trên Tiền Phong đã gây xôn xao dư luận, Thủ tướng Chính phủ ngay sau đó yêu cầu Bộ Tài chính xử lý những cán bộ hải quan có hành vi tiêu cực. Đồng thời, Chính phủ cũng chỉ đạo thực hiện ngay việc ra soát lại các thủ tục về hải quan.

Điểm nhấn trong loạt điều tra là đoạn video clip ghi lại cảnh một nữ nhân viên Hải quan cửa khẩu cảng Cát Lái (Cục Hải quan TP HCM) vừa luôn tay nhận tiền chung chi, vừa luôn miệng “mắng chửi” các doanh nghiệp đến làm thủ tục.

“Bạn đọc cũng như đồng nghiệp lấy làm tiếc là báo đã không che mặt đương sự. Vì rằng đằng sau cá nhân cô ta còn con cái, gia đình, người thân… Những ngày sau đó, chúng tôi vẫn tiếp tục bàn luận về chuyện này, ngay cả trong cuộc họp giao ban nội bộ. Nhiều ý kiến khác nhau, nhưng dù thế nào sự thật vẫn cần phải bóc trần. Song, cho đến bây giờ, tôi vẫn không khỏi băn khoăn bởi chưa biết phải xử lý thế nào cho thật thấu đáo nếu gặp tình huống tương tự”, nhà báo Đại Dương đã bộc bạch trong bài “Sự thật - Để trần hay che mặt” đăng trên Tiền Phong nhân ngày báo chí 21/6/2009. Bài viết đón nhận rất nhiều bình luận của bạn đọc, trong đó đều khẳng định “nhà báo đã làm đúng!”

Từ một tít bài rất gợi của Đại Dương: “Nhìn thẳng vào đường tránh”, khiến tôi liên tưởng đến tâm thế của đông đảo nhà báo bây giờ. Sự thật tiêu cực bây giờ có muôn nẻo “đường tránh”, rất khó bị phơi trần. Khi nó được che chắn bởi quyền lực và tiền bạc, bởi những nhóm lợi ích chằng chịt.

Với “Sự thật - Để trần hay che mặt?”, tôi nhận thấy một Đại Dương - nhà báo sắc sảo, thẳng thắn, không khoan nhượng trước mọi bất công, sai trái, nhưng cũng rất cận nhân tình.

MỚI - NÓNG