Thơm ngát rừng quế Văn Yên

Mùa quế.
Mùa quế.
TP - Ngôi nhà thơm mùi gỗ quế của ông Bàn Thừa An ở bản Khe Dứa (xã Viễn Sơn, huyện Văn Yên, Yên Bái) vẫn lưu giữ nguyên vẹn những nét độc đáo nhà ở truyền thống của người Dao. Hai con trai lớn của ông mới lấy vợ, được “hồi môn” cả đồi quế rộng mấy héc ta. Mỗi năm thu hơn 10 tấn vỏ tươi trị giá vài trăm triệu đồng.

Ðổi đời nhờ cây quế

Trồng quế mỗi độ xuân sang của người Dao đã là truyền thống. Năm này qua năm khác, đồi quế trở thành rừng, là tài sản đặc biệt của cộng đồng người Dao nơi đây. Ðến nay ở 27 xã, thị trấn của huyện đã có hơn 23.000 ha quế, trong đó có 8 xã đặc biệt có thổ nhưỡng cho quế sinh trưởng và chất lượng rất cao. Những hộ trồng và sản xuất giỏi như ông Hoàng Văn An, Hoàng Văn Minh, Bàn Tiến Hiến, Đặng Nguyên Tài (ở Đại Sơn), Đặng Nho Quyên, La Tài Quan (ở Mỏ Vàng), Triệu Tiến Bảo (ở Viễn Sơn) nổi tiếng với quế, xây nhà đẹp như biệt thự trong núi, gương làm giàu từ quế lan tỏa khắp vùng. Chỉ vài năm, tốc độ giảm nghèo của mấy xã vùng cao này đã giảm hàng chục phần trăm. 

Thơm ngát rừng quế Văn Yên ảnh 1
Thơm ngát rừng quế Văn Yên ảnh 2

Đưa quế về bản.

Hơn 200 doanh nghiệp kinh doanh và chế biến đứng chân trên vùng đất quế (hơn 10 xưởng chưng cất tinh dầu). Giờ ông An cũng như hàng ngàn hộ dân Văn Yên không còn phải lo việc tiêu thụ quế ở đâu xa, chỉ cần bóc tỉa, cắt cành, hái lá mang ngay xuống những con đường bê tông chạy khắp những cánh rừng quế mà bán cho tư thương. 1.700 đồng/kg cành lá tươi, gần 5ha quế, nhà ông An cũng có thu nhập mỗi năm cả trăm triệu, cuộc sống ở cái thôn nghèo Khe Dứa đã đổi thay với ti vi, xe máy, nhà tầng và tiền tích lũy. Người Dao yêu thương cây quế, gìn giữ và chăm sóc đồi cây nâng niu bởi đó là nguồn sống có công sức lao động chăm chỉ ở nơi thiên nhiên ban tặng thổ nhưỡng quý giá.

Con số 400-500 tỷ đồng hằng năm doanh thu từ quế mà ông Trần Thế Hùng (Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Yên Bái, nguyên Bí thư Huyện ủy Văn Yên) nói với nhà báo mới đây là một thông điệp về tiềm năng làm giàu đã trở thành thực tế từ thu nhập sản xuất nông lâm nghiệp vùng cao trên đất quế. Có thể khẳng định rằng, đời sống người dân Văn Yên đã có diện mạo tốt đẹp chẳng thua kém gì nhiều địa bàn miền xuôi. Không ly hương, ly nông, người Dao, người Tày, người Kinh ở Viễn Sơn, Mỏ Vàng, Đại Sơn, Xuân Tầm, Phong Dụ Thượng, Tân Hợp, Châu Quế Hạ và nhiều xã khác đoàn kết nhau dựng xây đời sống mới tươi tắn với cây quế đặc thù của mình.

“Vàng xanh” xuất ngoại

“Đưa quế sang sông” - một kế hoạch dài hơi ngày nào khi đường giao thông lên Văn Yên còn khó khăn, quế phải vượt sông Hồng tìm đường tiêu thụ và tìm vùng đất mở rộng diện tích. Nay đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai chạy qua, Văn Yên thêm sức sống rõ nét với vùng diện tích tăng lên hằng năm. Từ 2,7 đến 3,2% tỷ trọng hàm lượng tinh dầu, dám tự tin chất lượng sánh với quế Trà My (Quảng Nam - khoảng 2,3%), hay quế Trà Bồng (Quảng Ngãi), cây quế Văn Yên giàu tinh chất trở thành sản phẩm số một mà những đại gia chế biến tìm đến. Tổng sản lượng quế đạt: 5.160 tấn/năm (lá quế 63.400 tấn, gỗ quế 25.800m3).

Gỗ quế dùng làm nhà, đóng đồ mộc gia dụng, xẻ ván sàn nhà, ván bóc, ván thanh, chả có cái gì từ cây quế là bỏ đi, tất cả hữu dụng như thể vàng “xanh” mà rừng tri ân lại công sức người dân chăm quế. Rồi thứ vàng tinh chất ấy xuất khẩu đi Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Bangladesh, Ai Cập, Mỹ, Anh, Hà Lan, khắp Đông Âu... Cái giá tinh dầu trung bình 520.000 - 525.000 đồng/kg, quế vỏ qua sơ chế 32.000 - 35.000 đồng/kg, cành lá quế khô 2.000 - 2.100 đồng/kg, gỗ quế 800.000 - 1.000.000 đồng/m3, con số vài trăm tỷ đồng mà lãnh đạo tỉnh Yên Bái chưa từng dám mơ ước từ quế, nay tự tin khẳng định thương hiệu và nâng tầm cây quế Văn Yên lên cao hơn nữa bằng nhiều chiến lược có tầm nhìn xa. 

Thơm ngát rừng quế Văn Yên ảnh 3

Chế biến quế.

Tỉnh Yên Bái và huyện Văn Yên nhiều năm qua đã tập trung chỉ đạo quy hoạch, phát triển giống quế địa phương, xây dựng thành công chỉ dẫn địa lý và thương hiệu Quế Văn Yên (đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận) với khoảng 23.000 ha quế. Liên kết về sản xuất, tiêu thụ với các doanh nghiệp đảm bảo bền vững phát triển kinh tế quế. Văn Yên cũng đã thực hiện bảo tồn nguồn giống quế lá nhỏ, ngon đỏ bản địa, huyện đã lựa chọn được 90 cây quế và 14,5 ha quế tập trung ở các xã để làm nguồn giống cung ứng cho công tác trồng quế hằng năm làm tiền đề phục vụ du lịch trên địa bàn huyện.

Nguồn kinh tế chủ lực

Nói với Tiền Phong, ông Trần Huy Tuấn, tân Bí thư Huyện ủy Văn Yên, khẳng định kinh tế chủ lực trên miền đất khó có cây quế đang mang lại giá trị vượt trội, huyện đã tiến hành quy hoạch diện tích và ổn định vùng quế chất lượng cao để không bị ảnh hưởng uy tín, thương hiệu. Sản xuất, chế biến, tiêu thụ với đề án bài bản, bền vững cùng với việc hỗ trợ, tiếp sức cho các vùng, hộ gia đình trồng quế đã được huyện có chương trình hành động rất cụ thể, trong đó việc quảng bá thương hiệu, xây dựng giao thông nông thôn để bà con an tâm chăm sóc quế, tiêu thụ quế được ưu tiên hàng đầu. 

Thơm ngát rừng quế Văn Yên ảnh 4 Thị trấn Văn Yên ngày nay.

Văn Yên đã trở thành vùng chuyên canh quế lớn nhất nhì cả nước. Triển lãm, hội chợ quế, sản phẩm quế, chợ quê đất quế, du lịch vùng quế - Lễ hội quế Văn Yên đêm nay (26/9) còn thêm một điểm nhấn hấp dẫn tuyệt đẹp khi cuộc thi “Người đẹp vùng quế” được tổ chức ngay tại bản Khe Dứa (xã Viễn Sơn) dưới chân đồi quế xanh ngát. Bàn Thị Nga, Đặng Thị Thu…, những cô gái người Dao xinh xắn vừa đi chăm quế trên đồi về bản, ngượng ngùng sính vội bộ trang phục rất đẹp của phụ nữ Dao như lần đầu làm dáng bên cây quế cho nhà báo chụp ảnh. Cái cảm xúc đằm thắm, hồn nhiên, thật thà dễ gần có hương quế lan tỏa.

Cái “cần câu” nhiều hàm ý của người Dao trên núi để có được cơm ăn, áo ấm và làm giàu bằng sức lao động mà quế chẳng phụ công người. Cây quế đã là nguồn kinh tế chủ lực cho Văn Yên. Người Dao truyền cho con cháu bí quyết trồng và khai thác quế. Nơi nào có người Dao thì quế mọc xanh tốt. Quế trồng gối nhau trên đồi, thu hoạch bóc tỉa cây này, đợi cây kia lớn, quanh năm có thu nhập.

Thơm ngát rừng quế Văn Yên ảnh 5 Người đẹp vùng quế Bàn Thị Nga và Đặng Thị Thu
Dưới tán rừng quế, những chàng trai, cô gái Dao tươi tắn nụ cười lúc gặp gỡ sau giờ lao động. Ai đó đang tâm sự dưới ánh trăng loang xuống bìa rừng tán quế… Thơm ngát rừng quế Văn Yên, những hình ảnh nên thơ đã từng đi vào cả văn chương đất quế khơi gợi ham muốn du lịch cho khách miền xa một lần đặt chân đến miền sơn cước này. “Đêm Viễn Sơn trăng sáng đẹp sao, đón khách lên chơi với người Dao, lên đây thăm quê hương Yên Bái, thăm vùng núi thăm rừng quế hương ngạt ngào…” – cố nhạc sỹ Trọng Loan cài vào bài hát nổi tiếng của ông đầy ắp vẻ đẹp của đại ngàn quế Văn Yên như gọi mời du khách. 

(Văn Yên, tháng 9/2015)

Từ những năm 1970, người Dao nơi đây đã trồng cả “Đồi quế nhớ ơn Bác Hồ” khi chính Bác đã gợi ý cho một người con Văn Yên về tận Quảng Ninh học cách trồng quế. Trai lấy vợ, gái gả chồng, của hồi môn là một vườn quế. Vốn liếng tạo lập cuộc sống mới cho vợ chồng trẻ, bây giờ nét đẹp vẫn còn nguyên vẹn, mà xóa đói giảm nghèo. Giao cho những cặp vợ chồng trẻ một đồi quế như giao cho một thế hệ trách nhiệm với quế mà làm ăn kinh tế.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.