Thông báo về nơi cư trú người vi phạm giao thông: Hiệu quả thấp

Thông báo về nơi cư trú người vi phạm giao thông: Hiệu quả thấp
TP - Việc thông báo về nơi cư trú của người phạm luật giao thông đã được triển khai 4 tháng nhưng hiệu quả rất thấp.

Giữa tháng 3 vừa qua, Cục Cảnh sát Giao thông Đường bộ- Đường sắt có báo cáo ban đầu về kết quả triển khai việc thực hiện Thông tư 38 của Bộ Công an. Theo đó, kết quả từ 39/63 tỉnh thành cho thấy đã gửi hơn 40 nghìn thông báo trường hợp vi phạm đến công an cấp xã. Số lượng hồi âm của công an cấp xã tới cơ quan đã ra thông báo rất thấp, nơi cao nhất là Lâm Đồng cũng chỉ 28%.

Ba tháng đầu năm nay, Phòng Cảnh sát Giao thông Công an TP Hà Nội gửi thông báo gần 1 vạn trường hợp vi phạm về nơi cư trú nhưng lượng hồi âm chỉ 125 trường hợp, tương đương 1,2 %. Hải Dương và Bắc Ninh được coi là thực hiện khá tốt thông tư 38 nhưng số hồi âm về Công an các tỉnh này cũng chỉ vài phần trăm. Một số nơi ra thông báo người vi phạm giao thông nhưng không nhận được hồi âm nào.

Người một nơi, địa chỉ một nẻo

"Khái niệm nơi cư trú không sai nhưng vô tình làm rối thêm nơi nhận thông báo, kết quả là người vi phạm thực tế có khi đã không chịu sự quản lý của bất kỳ địa phương nào." - Trung tá Đãng cho biết.

Theo quy định, lực lượng công an cấp xã phải tiếp tục chuyển thông báo này đến tổ dân phố, trưởng thôn nơi người đó cư trú hoặc đến cơ quan nơi người vi phạm đang công tác học tập để tổ chức “kiểm điểm, giáo dục”. Như thế, việc giáo dục và nâng cao ý thức tham gia giao thông của người dân mới phát huy tác dụng trên thực tế. Đây là điểm mấu chốt và cũng là điều khó khăn nhất khi triển khai Thông tư 38. Trung tá Nguyễn Đình Mạnh, Đội trưởng CSGT-TT Công an TP Bắc Ninh nói: Chúng tôi thực hiện rất nghiêm.

Nhưng việc của công an cơ sở sau đó ra sao thì đành chịu vì mình không có thông tin, ít nhất là tính đến thời điểm hiện nay. Từ khi thông tư 38 có hiệu lực, Công an TP Bắc Ninh gửi thông báo của 70 trường hợp vi phạm nhưng không nhận được hồi âm nào.

Tuy nhiên ông Mạnh vẫn băn khoăn bởi lẽ, theo quy định, cơ quan ra quyết định xử phạt có trách nhiệm gửi thông báo về nơi cư trú của người vi phạm. Có nghĩa là trên cùng một địa bàn TP Bắc Ninh, không chỉ có công an TP Bắc Ninh mà còn rất nhiều cơ quan công an ở tỉnh khác gửi về.

Vì vậy khi giám sát công an cơ sở thực hiện phần hậu thông báo, những trường hợp vi phạm được gửi đến từ cơ quan khác ngoài địa bàn có nguy cơ bị bỏ qua là điều dễ xảy ra. Thực tế ở phường Thị Cầu, TP Bắc Ninh, ba tháng qua, có khoảng 10 trường hợp thông báo mà Công an phường này nhận được, trong đó có một số gửi từ tỉnh ngoài. T

rung tá Nguyễn Xuân Đãng, Phó trưởng Công an phường Thị Cầu nói: cố gắng lắm CA phường này mới nhắc nhở được 4 trường hợp nhưng cũng chỉ là động viên nói khéo. “Tổ dân phố có thể mời người vi phạm đến để giáo dục, nhưng đến hay không cũng là quyền của họ”- Trung tá Đãng phân tích.

Nhiều trường hợp họ đăng ký hộ khẩu một nơi, nhưng sinh sống và vi phạm giao thông lại ở nơi khác, thậm chí không thể tìm ra người vi phạm như thông báo của cảnh sát giao thông. Nguyên nhân theo Trung tá Đãng chính là từ khái niệm cư trú. Với khái niệm như hiện nay, ít nhất 4 nơi mà người vi phạm có thể khai địa chỉ cư trú bao gồm: nơi có hộ khẩu thường trú; nơi tạm trú có khai báo; nơi đang sinh sống nhưng chưa khai báo tạm vắng tạm trú hoặc nơi cư trú khai theo địa chỉ chứng minh thư.

UBND xã phường vào cuộc thế nào?

Đến nay, cảnh sát giao thông vẫn là lực lượng chủ lực phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm trật tự -an toàn giao thông. Khi được hỏi, nhiều lãnh đạo phòng cảnh sát giao thông các tỉnh đều cho rằng, Thông tư 38 hết sức cần thiết trong tình hình hiện nay.

Vấn đề còn lại là quá trình thực hiện. Thượng tá Đặng Văn Thanh, Phó trưởng Phòng CSGT Đường bộ- Đường sắt (CA tỉnh Hải Dương) nói: Nếu cơ sở nhận thức vấn đề không đúng, không triển khai công tác giáo dục đến tận người vi phạm trước cộng đồng thì việc thực hiện Thông tư 38 chẳng có ý nghĩa gì. Không chỉ công an cấp xã đơn thương độc mã mà UBND xã, phường phải vào cuộc với tư cách cơ quan quản lý toàn diện ở địa phương. “Phương tiện truyền thanh của xã phường là công cụ hữu hiệu để giáo dục người vi phạm, nhưng rất tiếc nơi quản lý về mặt nội dung là UBND cấp xã lại như nằm ngoài quy trình xử lý của thông tư này- Thượng tá Thanh nói.

Trong khi đó, Phó trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Bắc Ninh, Thượng tá Nguyễn Đăng Hội cho rằng nên tổ chức sơ kết đánh giá, nghiêm túc rút kinh nghiệm việc thực hiện Thông tư 38 này của Bộ Công an trước khi có những đề xuất mới.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.