Thống đốc Ngân hàng giải trình về thông tin Cty gia đình

Thống đốc Ngân hàng giải trình về thông tin Cty gia đình
TPO - Chiều 16/6, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Đức Thúy đã đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Trong đó, nổi cộm là vấn đề xoay quanh việc chuyển từ tiền conton sang tiền polymer.
Thống đốc Ngân hàng giải trình về thông tin Cty gia đình ảnh 1
Ông Lê Đức Thúy. Ảnh: SGGP

Việc chuyển từ tiền cotton sang tiền polymer có đạt được mục tiêu đề ra không? Chi phí in tiền polymer có quá cao so với tiền cotton? Con trai Thống đốc Lê Đức Thúy là ông Lê Đức Minh - giám đốc một công ty in tiền, vậy đây có phải là mô hình công ty gia đình không?", Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nhân (Kiên Giang) chất vấn.

Thống đốc Lê Đức Thuý cho biết, hiện nay, tiền cotton bị làm giả quá lớn với mức độ khá nghiêm trọng. Cùng với những yếu tố về cơ cấu, mệnh giá, kích cỡ..., đó là lý do tai sao khiến ngân hàng nhà nước phải nghiên cứu đưa ra đồng tiền có mệnh giá cao, bền với chi phí hợp lý. Ngân hàng nhà nước đã tiến hành công việc này từ năm 1995.

Mặc dù có một số nhược điểm như dễ bị cặp díp, biến dạng khi gặp nhiệt độ cao, chi phí in tiền lớn gấp đôi tiền cotton cùng mệnh giá... nhưng theo kinh nghiệm của các nước từng sử dụng đồng tiền này, tiền polymer khó làm giả, bền hơn gấp 2 - 3 lần. Tiền nào của ấy, chi phí như vậy không thể nói là quá đắt.

Thống đốc Thúy khẳng định: Chính phủ đã họp với 7 đơn vị liên quan là Ngân hàng nhà nước, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Ban Kinh tế trung ương, Văn phòng Chính phủ, Đại diện ban trung ương, Ban tư vấn của Thủ tướng Chính phủ về đề án này.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã có thông báo: Đề án đổi tiền mới được chuẩn bị tốt, được phê duyệt đúng đắn và có hiệu quả.

Lý giải cho thông tin không đúng rằng, Việt Nam chọn một công ty của Úc cung cấp giấy in tiền dễ bị độc quyền và ép giá, Thống đốc cho rằng, đây là công ty duy nhất sản xuất loại chất liệu này. Họ có 50% vốn là của ngân hàng trung ương Úc. Hiện có khoảng 25 nước sử dụng loại giấy này.

“Để tránh tình trạng bị ép giá, ngoài việc tham khảo kinh nghiệm của các nước, chúng ta cũng đã ký hợp đồng lâu dài với công ty này”, ông Thúy đưa ra giải pháp.

Ông Thúy cũng bác bỏ tin đồn con trai ông đứng ra môi giới, tiếp xúc trong việc in ấn tiền polymer mà mọi việc đều được đàm phán, ký kết trực tiếp với các đối tác chứ không thông qua trung gian.

Việt Nam chưa có luật chống rửa tiền

Đại biểu Neang Kim Cheng (An Giang) nêu câu hỏi: Việt Nam có nạn rửa tiền không? Đề nghị Thống đốc cho biết những giải pháp trước mắt cũng như lâu dài để ngăn chặn tệ nạn trên?

Thống đốc Lê Đức Thuý khẳng định, ở Việt Nam đã có hiện tượng rửa tiền. Tuy nhiên, mức độ đến đâu thì chưa xác định được.

Theo ông Thuý, hiện nay chúng ta chưa có luật về phòng và chống rửa tiền. Năm 2005, Ngân hàng Nhà nước đã trình chính phủ ban hành Nghị định về phòng, chống rửa tiền và được Chính phủ ban hành trong năm.

Nghị định quy định những khoản chuyển tiền nào thì tổ chức thực hiện việc tổ chức chuyển và nhận tiền phải báo cáo cho trung tâm phòng chống rửa tiền (đặt tại ngân hàng nhà nước).

“Tuy nhiên, khung quy định của nghị định trên còn quá rộng. Ví dụ, nếu người gửi tiền tích kiệm 30.000 USD hoặc 500 triệu đồng trở lên phải có báo cáo. Nhiều người thắc mắc tại sao mức thu nhập của Việt Nam thấp mà lại qui định mức cao vậy, trong khi ở nước ngoài chỉ 10.000 USD đã phải báo cáo”, ông Thúy nêu vấn đề.

Ngay sau đó, ông giải thích rằng, lý do là vì người dân còn e ngại vào ngân hàng nên phải làm từng bước. Khi người sử dụng quen dần, sẽ giảm mức trên xuống.

Ông Thúy cũng cho biết, sắp tới, Việt Nam sẽ có những dự luật mới liên quan đến vấn đề này. Bởi lẽ, nếu Việt Nam không có quy định về chống rửa tiền, Mỹ và một số nước sẽ không cho các ngân hàng Việt Nam mở chi nhánh, văn phòng đại diện. Và như vậy, đây rõ ràng là một khó khăn khi hội nhập.

Tiền Polymer phai màu là bình thường

Đặt vấn đề về chất lượng tiền polymer, Đại biểu Lê Quốc Dung (Thái Bình) cho rằng, tiến polymer vừa được đưa vào lưu thông đã có tiền giả, công nghệ bảo mật làm hình nổi rất dễ. Bên cạnh đó, chi phí in tiền tăng cao hẳn so với những năm trước. Trong khi đó, chất lượng tiền xu cũng rất kém.

Trả lời câu hỏi này, ông Lê Đức Thuý cho biết: Chất lượng tiền polymer như thế nào, người sử dụng có thể tự đánh giá được từ thực tế. Việc có thông tin tiền polymer khi dính nước bị nhòe mực là chuyện bình thường.

“Tôi từng làm thí nghiệm cho Tổng bí thư xem, nếu dấp nước, chà xát thì những hình nổi đều bị phai mực kể cả đồng đô la của Mỹ. Tất cả các đồng tiền, dù là polymer của Việt Nam hay của các nước có bộ phận in nổi (nhằm chống làm giả) khi dấp nước, chà xát đều phai mực”, ông Thúy khẳng định.

Về việc tiền giả xuất hiện trên thị trường sau hơn 1 năm lưu thông, Thống đốc cho rằng, đó là chuyện bình thường: “Ngay như tiền Euro vừa in ra đã có tiền giả, vì vậy nếu chỉ căn cứ vào tiền giả để nói rằng tiền của Việt Nam kém chất lượng là không đúng”

Về tiền xu, tiền mệnh giá 200 đồng và 5000 đồng hoàn toàn bình thường, chỉ có đồng mệnh giá 1000 và 2000 là chất lượng kém hơn do nhanh phai màu.

Nguyên nhân là bởi kinh nghiệm in tiền của chúng ta trước đây chưa có. Vì thế, việc này sẽ được kiểm điểm nghiêm túc và đang trình những biện pháp khắc phục lên Chính phủ.

PV (lược ghi)

Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Đặng Văn Thanh liên quan đến vấn đề này, trong phiên họp Quốc hội chiều nay, 16/6, Thống đốc Lê Đức Thuý lý giải những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do tác động không thuận từ thị trường ngoại hối quốc tế, năng lực của cán bộ tín dụng còn yếu kém, quy trình nghiệp vụ, kiểm tra giám sát chưa chặt chẽ.

Cùng với việc khẳng định sẵn sàng nhận trách nhiệm của người đứng đầu ngành, Thống đốc cũng cho biết, tất cả những vụ việc để xảy ra thất thoát, sai phạm đều đã được kiểm tra, thanh tra và những cán bộ sai phạm đã bị xử lý nghiêm minh.

Liên quan đến tình trạng nợ xấu của hệ thông ngân hàng, Thống đốc Lê Đức Thuý cho biết, từ khi thực hiện đề án cơ cấu lại hệ thống ngân hàng thương mại đến nay, tỷ lệ nợ xấu giảm đáng kể, từ 14% năm 1997 xuống còn 2,8% năm 2004. Bắt đầu từ năm 2005, hệ thống ngân hàng áp dụng tiêu chuẩn phân loại nợ mới cao hơn nên tỷ lệ này là 3,15%, 6 tháng đầu năm 2006 là 3,5%.

Về băn khoăn của đại biểu Quốc hội trước tình trạng tỷ lệ trích lập dự phòng của các tổ chức tín dụng hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu, Thống đốc cho biết, quy định tăng tỷ lệ trích lập dự phòng từ 0,25% lên 0,75% vào năm 2003 đã là điều kiện thuận lợi để nâng cao tính bền vững và hiệu quả của hoạt động ngân hàng. Nguồn dự trữ này đã đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu thanh toán các khoản nợ xấu.

Thống đốc khẳng định, với những nỗ lực như hiện nay, khoảng 3 năm nữa nguồn trích lập này của các tổ chức tín dụng sẽ đủ để bù đắp được các khoản nợ không có khả năng thu hồi, vì vậy hoạt động của hệ thống ngân hàng sẽ lành mạnh và hiệu quả hơn.

TTXVN

MỚI - NÓNG