Ngày làm việc thứ tư Đại hội đảng X:

Thông qua quy chế bầu cử

Thông qua quy chế bầu cử
TPCN - Vấn đề mới nhất trong công tác nhân sự Ban chấp  hành Trung ương (BCHTƯ) khóa X là chủ trương bầu ủy viên Trung ương dự khuyết. Chủ trương này đã được tán thành với số phiếu cao.
Thông qua quy chế bầu cử ảnh 1
Qui chế bầu cử được các đại biểu thông qua với sự nhất trí cao. Ảnh: TTXVN

Tiếp đó, các đại biểu dự Đại hội X thảo luận về quy chế bầu cử BCHTƯ khóa X. Có ý kiến đề nghị nên có ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị; khi chuyển từ ủy viên Trung ương dự khuyết lên ủy viên Trung ương chính thức nên lấy theo thứ tự số phiếu đạt được khi bầu cử ở Đại hội từ cao xuống thấp...

Tuy nhiên, những đề xuất này không được Đại hội chấp thuận. Về cơ bản, quy chế bầu cử được giữ như dự thảo, quy chế này đã được Đại hội thông qua.

Các đại biểu cũng thống nhất với đề xuất của BCHTƯ khóa IX về việc bầu BCHTƯ khóa X gồm 185 người (160 ủy viên Trung ương chính thức và 25 ủy viên Trung ương dự khuyết).

“Các ứng cử viên ủy viên Trung ương dự khuyết đa số ở độ tuổi 45, cao nhất cũng không quá 50 và chủ yếu là cán bộ quận, huyện, trường, học, viện nghiên cứu... Nhưng cũng không nên quá cứng nhắc, nếu như một  phó chủ tịch UBND tỉnh hay một vụ trưởng có tài, có đức, có triển vọng thì vẫn được đưa vào giới thiệu”- ông Trần Đình Hoan, ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nói.

Tiêu chuẩn ủy viên BCHTƯ khóa X

“Vấn đề quyết định nhất là công tác cán bộ. Vì thế, nhiệm vụ công tác nhân sự Đại hội X là bầu ra BCHTƯ khóa X thực sự mạnh, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao”- Ông Trần Đình Hoan đã nói như vậy khi trình Đại hội báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về công tác nhân sự khóa X.

Vì thế, việc chuẩn bị nhân sự của BCHTƯ khóa IX để giới thiệu cho Đại hội X, theo ông Trần Đình Hoan “được coi trọng cả phẩm chất và năng lực, phẩm chất là gốc”.

Cụ thể, những ứng cử viên  ủy viên Trung ương khóa X phải đạt đủ ba tiêu chuẩn: bản lĩnh chính trị vững vàng; có năng lực, có tư duy đổi mới, dám làm, dám chịu trách nhiệm; có phẩm chất đạo đức trong sáng, không tham nhũng và kiên quyết chống tham nhũng.

Trên cơ sở đó, ông Trần Đình Hoan cho hay, BCHTƯ khóa IX đề nghị Đại hội danh sách chuẩn bị nhân sự BCHTƯ khóa X gồm 206 người (175 người thuộc danh sách bầu cử ủy viên Trung ương chính thức và 31 người thuộc danh sách bầu ủy viên Trung ương dự khuyết).

Trong số đó, có 87 ủy viên Trung ương khóa IX được đề nghị tái cử (chiếm 42,23%); 119 người được giới thiệu mới (57,76%); số là nữ chiếm 12-13%; số là người dân tộc 11-12%...

Cũng theo ông Trần Đình Hoan, trong danh sách nói trên, người trẻ nhất được giới thiệu là 33 tuổi, người cao tuổi nhất là 66, độ tuổi trung bình là 53,26.

“Nhân sự giới thiệu cho khóa X vẫn đảm bảo cả ba độ tuổi, dưới 51 tuổi chiếm khoảng 10%; từ  51 đến 60 chiếm khoảng 60-70% và từ 61 tuổi trở lên chiếm từ 15-20%”- ông Trần Đình Hoan nói thêm.

Cụ thể hơn, đối với những người lần đầu tham gia BCHTƯ chủ yếu ở độ tuổi 50 và không được quá 55 tuổi; những ủy viên BCHTƯ khóa IX được giới thiệu tái cử tuổi phải không quá 60;  ủy viên Bộ chính trị khóa IX tái cử thì tuổi không quá 65.

“Tuy nhiên, việc xem xét chủ yếu dựa trên năng lực, hiệu quả, uy tín...Vì thế có những trường hợp quá 1 đến 2 tuổi vẫn sẽ được xem xét đưa vào danh sách ứng cử”- ông Trần Đình Hoan nói.

Bầu cử BCH TƯ được Đại hội thực hiện thế nào?

Theo quy chế bầu cử được các đại biểu dự Đại hội thông qua, BCHTƯ khóa X sẽ được bầu theo hai danh sách. Cụ thể, danh sách các ủy viên Trung ương chính thức sẽ bầu từ 175 người để chọn 160 người, số dư để bầu là 9,37%; danh sách các ủy viên Trung ương dự khuyết sẽ bầu 31 người để chọn lấy 25 người trúng cử, số dư là trên 24%.

Mỗi người sẽ chỉ được phép ứng cử ở một danh sách.  Như vậy, người không trúng cử ủy viên Trung ương chính thức sẽ không được đề cử để Đại hội bầu làm ủy viên Trung ương dự khuyết.

Ngoài số lượng 206 ứng cử viên mà BCHTƯ khóa IX giới thiệu nói trên, Đại hội sẽ xem xét, đề cử thêm các ứng cử viên khác sau khi thảo luận.

Việc bầu BCHTƯ khóa X được thực hiện bằng cách bỏ phiếu kín, lấy từ cao xuống thấp, người trúng cử phải đạt số phiếu quá bán. Nếu có trường hợp phiếu bằng nhau sẽ tiến hành bỏ phiếu vòng 2 và người nào cao phiếu hơn sẽ trúng cử.

Trường hợp bầu một lần chưa đủ số uỷ viên Trung ương theo số lượng mà Đại hội thông qua nói trên, việc có bầu tiếp cho đủ số lượng hay không sẽ do Đại hội quyết định.

Về tiêu chuẩn những người thuộc diện bầu cử vào Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa X, ông Trần Đình Hoan cho biết: “Đó là những người tiêu biểu về đạo đức và năng lực trong số những người trúng cử BCHTƯ khóa X, cơ bản đã qua BCHTƯ khóa IX đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, có đủ sức khỏe”.

Việc giới thiệu nhân sự Tổng Bí thư

Đọc báo cáo tiếp thu góp ý cho quy chế bầu cử BCHTƯ khóa X, ông Phan Diễn, ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư nói rằng qua thảo luận ở các đoàn có ý kiến đề nghị nên bỏ quy định lấy phiếu giới thiệu nhân sự Tổng Bí thư ở Đại hội; có ý kiến cho rằng việc lấy phiếu nên thực hiện ở đoàn; ý kiến khác đề nghị bầu xong Bộ Chính trị mới tiến hành giới thiệu nhân sự Tổng Bí thư; có ý kiến đề nghị Đại hội bầu trực tiếp Tổng Bí thư.

“Đoàn Chủ tịch thấy rằng trong quy chế làm việc của Đại hội đã được thông qua có quy định lấy phiếu giới thiệu của đại biểu dự Đại hội về nhân sự Tổng Bí thư khóa X, chọn trong số ủy viên Trung ương chính thức vừa trúng cử.

Cách làm này đã được thực hiện ở Đại hội IX của Đảng”- ông Phan Diễn phân tích. Về việc để Đại hội trực tiếp bầu Tổng Bí thư, ông Phan Diễn cho rằng đó là vấn đề lớn và hệ trọng, cần được nghiên cứu kỹ. Các cơ quan hiện chưa nghiên cứu đầy đủ về vấn đề này.

Vì thế, ông Phan Diễn khẳng định ở Đại hội X vẫn tiến hành lấy phiếu giới thiệu nhân sự Tổng Bí thư của các đại biểu dự Đại hội trong số những người trúng cử BCHTƯ khóa X. Kết quả lấy phiếu sẽ là cơ sở để BCHTƯ khóa X bầu Tổng Bí thư.

Những ai không được giới thiệu vào danh sách để bầu BCHTƯ khóa X?

Ông Trần Đình Hoan cho biết:  Nhất thiết không giới thiệu vào BCHTƯ khóa X những người có một trong những khuyết điểm sau:

+ Bản lĩnh không vững vàng, thiếu chính kiến, nể nang, né tránh, không dám đấu tranh chống cái sai, không dám đương đầu với những vấn đề  phức tạp, khó khăn.

+ Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, chuyên quyền, độc đoán, trù dập người thẳng thắn đấu tranh.

+ Cơ hội chính trị, tham vọng cá nhân, xu nịnh, chạy chọt, có tư tưởng cục bộ địa phương, phe cánh.

+ Chịu trách nhiệm về tình hình mất đoàn kết nghiêm trọng, để xảy ra tham nhũng, thất thoát lớn ở địa phương, đơn vị.

+ Giàu nhanh, có nhiều nhà, nhiều đất do lợi dụng chức quyền mà có, bản thân gia đình thiếu gương mẫu, cá nhân có khuyết điểm về đạo đức, lối sống.

+ Không tích cực nghiên cứu, học hỏi, bảo thủ trì trệ, làm việc kém hiệu quả, nói nhiều, làm ít, uy tín giảm.

+ ý thức tổ chức kỷ luật kém, không chấp hành điều động, đặt điều kiện với sự phân công của tổ chức.

+ Về lịch sử chính trị có vấn đề chưa được làm rõ nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định.  

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây.