Thông Tây Nguyên bị bức tử

Nhiều bảng quảng cáo bán đất tại rừng thông vừa bị phá
Nhiều bảng quảng cáo bán đất tại rừng thông vừa bị phá
TP - Nhiều cánh rừng đang ngút ngàn xanh tốt bỗng úa vàng rồi chuyển sang màu đỏ bầm, chết hàng loạt. Tình trạng này xảy ra khắp các tỉnh Tây Nguyên, đặc biệt là Lâm Đồng và Đắk Nông. 

Thông chết la liệt

Dọc Quốc lộ (QL) 14 (đoạn qua địa bàn huyện Đắk Song, Đắk Nông), liên tiếp những vạt rừng thông úa vàng. Vào sâu bên trong, nhiều cây thông ngã đổ từ lâu, tạo thành những khoảng đất trống, Bên cạnh đó những cây cổ thụ tiếp tục héo lá, rũ cành. Một số cây bị ken gốc (đẽo vỏ quanh gốc cây), số khác bị khoan những lỗ (đường kính khoảng 1cm, sâu 4-5 cm) rồi đổ hóa chất vào. Từ miệng các lỗ khoan, nhựa ứa ra đông thành cục. Có nơi thông chết cả vạt với diện tích không dưới 1 ha. Kể cả những khu vực gắn biển nguy hiểm cấm vào hoặc nơi treo bảng kêu gọi bảo vệ rừng xanh, môi trường..., rừng vẫn bị hủy hoại.

Theo Sở NN&PTNT Đắk Nông, từ năm 2010 đến nay, dọc Quốc lộ 14 (từ xã Trường Xuân đến thị trấn Đức An, Đắk Song), cơ quan chức năng phát hiện, xử lý 149 vụ phá, khai thác rừng trái pháp luật với hơn 38 ha rừng bị xâm phạm. Hầu hết các vụ đầu độc rừng thông đều không tìm ra thủ phạm.

Tương tự, rừng thông dọc QL 28 (đoạn qua huyện Đắk G’long, Đắk Nông) cũng bị đầu độc héo khô rồi bị chặt hạ, đốt cháy, trong đó có đoạn gần trụ sở UBND các xã Quảng Sơn và Đắk Ha. Tại các vạt thông bị đầu độc, đối tượng phá rừng ngang nhiên dựng hàng rào, trụ bê tông đánh dấu chủ quyền, thậm chí có người còn dựng nhà tạm, trồng cà phê, hồ tiêu...

Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, nhiều cánh rừng ven QL 27 (nối liền Lâm Đồng - Đắk Lắk), QL 27C (Lâm Đồng - Khánh Hòa) và nhiều tuyến đường liên huyện cũng bị đầu độc chết hàng loạt, trong đó, một số vạt rừng không xa trụ sở các cơ quan công quyền, kể cả trạm quản lý bảo vệ rừng.

Năm nào thông cũng chết

Từ nguồn tin của người dân địa phương, phóng viên phát hiện hàng trăm cây thông thuộc tiểu khu 216 (xã Phi Liêng, huyện Đam Rông, Lâm Đồng; lâm phần do Ban quản lý rừng phòng hộ Phi Liêng quản lý bảo vệ) bị tàn phá. Khu đồi này nằm cạnh QL 27, cách khu dân cư không xa nhưng bị tàn phá nặng nề như ở chốn không người. 

Cả trăm cây thông có đường kính gốc từ 10 đến 60 cm, cao hàng chục mét bị đốn ngã nằm ngổn ngang, bị cắt khúc mang đi hoặc đốt cháy để phi tang, trong đó có hàng chục cây mới bị cưa hạ còn ứa nhựa. Có ngọn đồi bị vạt trọc, chỉ còn trơ lại hàng chục gốc thông. Tại lô a, khoảnh 5, hơn 200 cây thông hàng chục năm tuổi bị ken gốc, đầu độc chết đứng, trữ lượng gỗ bị thiệt hại ước tính hàng chục mét khối. Đặc biệt, ngay trên những thân cây bị đầu độc, cưa hạ xuất hiện nhiều tấm biển quảng cáo rao bán đất, vườn cà phê.

Trên địa bàn huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng), mặc dù đã được giao cho các cộng đồng dân cư quản lý bảo vệ nhưng hàng trăm héc ta rừng vẫn bị phá trắng, lấn chiếm, sang nhượng để làm nhà, trồng cây nông nghiệp, trong đó không ít đối tượng là người thân của cán bộ. Nổi cộm là vụ cộng đồng thôn 4 (xã Lộc Phú) nhận quản lý bảo vệ hơn 231 ha rừng và đất rừng nhưng để 24 ha rừng bị phá và 42,5 ha đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trồng cà phê.

Đây là địa bàn mà lực lượng chức năng phát hiện thủ đoạn mới tàn phá rừng thông: Sau khi bức tử vạt rừng bằng hóa chất, các đối tượng “án binh bất động”, chờ đến lúc cơ quan chức năng “khóa sổ” vụ việc và tình hình bớt “nóng” thì lén lút cưa hạ dần những cây đã chết.

Đại diện Sở NN&PTNT Đắk Nông đã chỉ ra các nguyên nhân chủ quan để mất rừng như chính quyền địa phương cấp huyện, xã, chủ rừng chưa làm hết trách nhiệm về quản lý, bảo vệ rừng được giao. Một số trường hợp để rừng bị phá nhưng không phát hiện, báo cáo kịp thời; Những diện tích rừng sau khi bị phá được cơ quan chức năng giao lại nhưng các đơn vị trên không khoanh nuôi, trồng rừng tái sinh, bảo vệ, tiếp tục để dân lấn chiếm...

Về phía Lâm Đồng, Ông Đoàn Văn Việt (Chủ tịch UBND tỉnh) đã giao công an tỉnh chủ động thành lập các chuyên án để phanh phui những đường dây, băng nhóm hủy hoại rừng, lấn chiếm sang nhượng đất lâm nghiệp trái phép tại các huyện; mặt khác chỉ đạo thanh tra toàn diện các dự án liên quan đến rừng ở huyện Bảo Lâm.

UBND tỉnh Đắk Nông đã kiểm điểm, xử lý kỷ luật khiển trách đối với các chủ rừng bao gồm Chủ tịch Cty Đắk N’Tao và Cty Quảng Sơn. UBND huyện Đăk Song kỷ luật cảnh cáo Chủ tịch UBND xã Trường Xuân và khởi tố hình sự vị này vì ký hồ sơ cho khai thác gỗ thông trái với quy định của Nhà nước, bãi miễn chức vụ Chủ tịch UBND xã Nâm N'Jang. Từ năm 2010 đến nay, Sở NN&PTNT Đắk Nông đã kỷ luật 47 công chức kiểm lâm trực thuộc Hạt Kiểm lâm của 2 huyện trên, trong đó cách chức 4 người, buộc thôi việc 2 người, cảnh cáo 11 người...

Về phía Lâm Đồng, Ông Đoàn Văn Việt (Chủ tịch UBND tỉnh) đã giao công an tỉnh chủ động thành lập các chuyên án để phanh phui những đường dây, băng nhóm hủy hoại rừng, lấn chiếm sang nhượng đất lâm nghiệp trái phép tại các huyện; mặt khác chỉ đạo thanh tra toàn diện các dự án liên quan đến rừng ở huyện Bảo Lâm.

Tháng 9 này, Sở NN&PTNT Lâm Đồng đã kỷ luật khiển trách một phó hạt trưởng và thuyên chuyển lãnh đạo Hạt Kiểm lâm Bảo Lâm. Tuy nhiên dư luận cho rằng với các hành vi thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, có dấu hiệu bao che vi phạm mà kỷ luật như thế liệu có thỏa đáng? Và còn những ai phải chịu trách nhiệm khi rừng bị tàn phá nghiêm trọng trong thời gian dài như thế ?

MỚI - NÓNG