Thông tin mới nhất vụ đạp nhầm chân ga mất 1 triệu USD
TPO - Lái xe chở băng chuyền đâm vào bụng máy bay của Hãng hàng không China Airlines bị rút giấy phép 24 tháng. Cục Hàng không khẳng định không có các dấu hiệu bất thường với lái xe này trước khi sự cố xảy ra.

Tối 29/8, Cục Hàng không Việt Nam thông báo đã ra quyết định tước quyền sử dụng Giấy phép khai thác thiết bị mặt đất 24 tháng với ông Trương Văn Toản- người lái xe chở hàng va vào bụng tàu bay hôm 27/8.
Cục Hàng không cũng thông báo chính thức về sự cố này. Theo đó, lúc 10 giờ 40 ngày 27/8, tại bến đậu tàu bay số 18, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, ông Trương Văn Toản điều khiển xe băng chuyền mang biển số SGN 21005.
Trong quá trình tiếp cận tàu bay A330/BI8312 của Hãng hàng không China Airlines (CI), xe hàng này đã va quẹt vào phần dưới bụng hầm hàng số 5 gây xước bụng tàu bay kích thước dài 1.3m, rộng 0.6m chỗ sâu nhất 2cm và 3 rivê nối tấm kim loại ở bụng tàu bay bị bung.
Cục Hàng không cũng xác định, nguyên nhân xảy ra sự cố nêu trên là hoàn toàn do lỗi cá nhân của ông Trương Văn Toản đã điều khiển xe băng chuyền SGN 21005 tiếp cận tàu bay lần thứ 2 không tuân thủ đúng theo quy trình xe băng chuyền tiếp cận tàu bay.
Cụ thể, Ông Trương Văn Toản đã làm tắt các bước để tiếp cận vào tàu bay. Khi thả phanh tay ông Trương Văn Toản đã đạp nhầm chân ga thay vì chân phanh. Xe băng chồm lên, chui qua bụng tàu bay. Góc phải mui chắn mưa của xe băng chuyền va chạm phần dưới bụng hầm hàng số 5 tạo nên vết va chạm như mô tả ở trên.
Trong khi làm việc với các cơ quan, đơn vị chức năng, ông Trương Văn Toản đã trung thực khai báo và tường trình sự việc một cách rõ ràng. Qua xem xét ông Toản có nhân thân rõ ràng, được đào tạo đầy đủ, các chứng chỉ/giấy phép (còn thời hạn).
Cục Hàng không cũng cho biết, trong ngày 27/8/2015, ông Toản sức khỏe bình thường, không bị áp lực công việc, không có nồng độ cồn trong hơi thở (có kết quả đo). Đồng thời, ông Toản biết trước kế hoạch khai thác nên không có bất cứ áp lực gì khi phục vụ chuyến bay.
China Airlines đánh giá đây là tai nạn đặc biệt nghiêm trọng, chi phí khắc phục và sửa chữa máy bay ước tính lên tới 1 triệu USD. Dự kiến, máy bay Airbus 330 của China Airlines sẽ phải ở lại sân bay Tân Sơn Nhất khoảng 3 ngày để khắc phục.
Cùng chuyên mục

Cơ đồ đất nước hôm nay: Nền tảng để vượt thách thức

Đại tướng Tô Lâm: Bảo vệ an ninh con người, an ninh chế độ

Đề thi hóc búa chống ùn tắc giao thông ở Đà Lạt, giải nhất 1 tỷ đồng

Hà Nội xén dải phân cách thêm 10 tuyến phố

Bà Nguyễn Thị Lệ làm Chủ tịch Ủy ban bầu cử TPHCM

Đứng trước nhà gọi điện, cô gái bị cướp túi xách chứa 50 triệu đồng

Quán bia tấp nập khách như chưa hề có Nghị định 100
