Thông tin trái chiều về nước máy nhiễm thạch tín

Thông tin trái chiều về nước máy nhiễm thạch tín
TP - Trong khi các cơ quan quản lý cho rằng không hề có chuyện thạch tín (asen) hiện diện trong nước máy một số nơi của Hà Nội, một nhóm nhà khoa học lại nhận định tình hình có vẻ ngược lại.

>> Nước máy Hà Nội nhiễm chất có thể gây u bướu
>> Hà Nội: Nước ngầm ô nhiễm, sụt lún báo động

Thông tin trái chiều về nước máy nhiễm thạch tín ảnh 1
Một số hộ dân đang sinh hoạt, dùng nước ở phường Cầu Dền, Hai Bà Trưng, Hà Nội

“Nguồn nước của Hà Nội nhiều nơi nhiễm thạch tín cao từ lâu không còn là chuyện mới. Đáng bàn là nước đã qua xử lý tại các nhà máy nước vẫn gần như không thể xử lý được thạch tín. Tình trạng này đến nay chưa hề được nói một cách sáng rõ cho dân biết để có các biện pháp xử lý. Tôi cho đây là vấn đề nghiêm trọng đối với sức khỏe” – PGS. TS Trần Hồng Côn, Khoa Hóa, ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội, khẳng định.

Ông là người hàng chục năm nay tâm huyết nghiên cứu vấn đề thạch tín trong nước ngầm và nước máy của Hà Nội.

Trong khoảng thời gian từ năm 1998 – 2000, PGS Côn cùng các đồng nghiệp thuộc Trung tâm nghiên cứu Công nghệ Môi trường & Phát triển Bền vững (CETADS) (ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội) phối hợp với Viện Công nghệ Môi trường Thụy Sỹ (EAWAG) tiến hành khảo sát nước ngầm và nước đã qua xử lý trên địa bàn Hà Nội.

Theo kết quả phân tích, chỉ có nhà máy nước Mai Dịch là đảm bảo tốt nhất về hàm lượng thạch tín trong nước cấp. Các nhà máy Hạ Đình, Pháp Vân, Yên Phụ... hàm lượng thạch tín và amoni trong nước cấp đều rất cao. Kết quả được công bố trên Tạp chí Khoa học & Công nghệ Môi trường (Mỹ) năm 2001, tạp chí uy tín nhất về khoa học và công nghệ môi trường trên thế giới.

Lý giải về vấn đề này, PGS Côn cho rằng, hiện nay các nhà máy nước ở Hà Nội chủ yếu sử dụng công nghệ cũ, công nghệ xử lý sắt là chính chứ không phải thạch tín. Khi xử lý sắt, một phần thạch tín được thải ra ngoài theo bùn sắt. Như vậy có thể nói công nghệ xử lý nước cấp hiện nay có xử lý thạch tín, nhưng không chủ định và thạch tín hầu như không được xử lý.

PGS Côn cho biết, ông chỉ công bố trong giới khoa học chứ không gửi tới các cơ quan chức năng do đây đơn thuần là kiến nghị khoa học chứ không phải là kiến nghị về mặt chính trị hay quản lý.

Cũng theo PGS Côn, ông nhiều lần đề nghị được lấy mẫu nước cấp của một số nhà máy nước trên địa bàn Hà Nội để phân tích nhưng đều bị từ chối. Ông cho hay, nếu các đơn vị cấp nước hợp tác, ông sẵn sàng tiến hành phân tích lại mẫu nước.

Tin cậy đến đâu?

“Tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đối với hàm lượng thạch tín trong nước ăn là 0,01mg/l, tương ứng với mười phần tỷ. Nước qua xử lý ở một số nhà máy nước có nồng độ thạch tín dao động từ 0,05 – 0,30mg/l. Tức là gấp từ năm đến ba mươi lần tiêu chuẩn cho phép” – PGS Côn cho biết về khảo sát của ông và cộng sự.

Khảo sát chất lượng nước ngầm và nước đã qua xử lý của ông và các cộng sự tiến hành ở bảy bãi giếng là Hạ Đình, Pháp Vân, Yên Phụ, Lương Yên, Ngọc Hà, Ngô Sỹ Liên, Mai Dịch.

Sử dụng nước nhiễm thạch tín quá tiêu chuẩn cho phép từ 1 – 5 năm có thể khiến người dùng có hiện tượng mệt mỏi, buồn nôn; hồng cầu và bạch cầu giảm; rối loạn nhịp tim; thay đổi sắc tố da. Dùng từ 5 – 10 năm da có thể bị sừng hóa, mạch máu bị tổn thương; ảnh hưởng đến thai nhi với phụ nữ mang thai.

Trao đổi với Tiền Phong, bà Trần Thị Huệ, Trưởng phòng Quản lý Quy hoạch & Khai thác Tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên Môi trường), cho biết, nghiên cứu này từ cách đây gần chục năm nên để khẳng định cần phải tiến hành khảo sát lại.

Vào thời điểm PGS Côn công bố nghiên cứu, bà Huệ chỉ được biết thông tin qua báo chí chứ không nhận được văn bản chính thức.

Mới đây (năm 2007 – 2008), Bộ Tài nguyên & Môi trường phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn và Bộ Xây dựng tiến hành đề án giảm thiểu tác hại của thạch tín trong nguồn nước sinh hoạt Việt Nam.

Kết quả cho thấy Hà Tây cũ nhiễm thạch tín nặng nhất nước. Tiếp đó là Hà Nội cũ. Các vùng điểm nóng về thạch tín ở Hà Nội gồm Thanh Trì, Thanh Xuân, Lĩnh Nam…

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đến nay chưa có nghiên cứu, khảo sát nào về công nghệ xử lý nước ngầm của Hà Nội ngoài khảo sát của PGS Côn. Còn theo quan điểm của bà Huệ, dù nghiên cứu của các nhà khoa học Trường ĐH Khoa học Tự nhiên tiến hành đã lâu, do chất lượng nước hiện nay chưa được quản lý chặt, vấn đề rất đáng được xem xét lại.

Liên hệ với Cty Kinh doanh Nước sạch Hà Nội, ông Nguyễn Quốc Trung - Chánh Thanh tra, khẳng định không có chuyện nước cấp nhiễm thạch tín. Ông Trung nói nước này đảm bảo tiêu chuẩn của Bộ Y tế và hàng tuần đều được Trung tâm Y tế Dự phòng kiểm định.

Trong khi đó, PGS Côn cho rằng, dù kết quả khảo sát của CETADS tiến hành từ tám năm trước, tình trạng nhiễm thạch tín trong nước ngầm Hà Nội hiện nay không biến chuyển theo chiều hướng tích cực nếu không nói là tăng theo thời gian cả về hàm lượng và diện tích phân bố.

Đó là do khai thác nước ngầm gia tăng dẫn đến hình thành phễu hạ thấp mực nước. Nước ngầm giảm thì nồng độ thạch tín tăng. Bên cạnh đó, công nghệ của các nhà máy nếu có cải thiện cũng không thể giải quyết được triệt để thạch tín vì, muốn vậy, phải đầu tư cả dây chuyền công nghệ. Việc này cần vốn, mặt bằng và không thể làm một sớm một chiều.

PGS Côn cũng phủ nhận kết quả kiểm nghiệm thạch tín của Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội (YTDPHN). Theo ông, Trung tâm YTDPHN không đủ năng lực phân tích ở mức siêu vi lượng.

Các phòng thí nghiệm có uy tín trong nước cũng hết sức thận trọng khi quyết định có nhận làm các mẫu siêu vi lượng hay không. Còn nếu dùng test kit (mẫu thử nhanh) đo tại chỗ thì không thể chính xác vì hình thức này cho phép sai số tới quá nửa.

------------------

Còn nữa

MỚI - NÓNG