Thông tin trái chiều về nước máy nhiễm thạch tín

Thông tin trái chiều về nước máy nhiễm thạch tín
TP - Lãnh đạo Cty Kinh doanh Nước sạch Hà Nội khẳng định không có chuyện các giếng khoan Hà Nội nhiễm thạch tín (asen) và amoni. Cty ông vẫn thuê một đơn vị kiểm định hàm lượng thạch tín trong nước máy và kết quả luôn đạt tiêu chuẩn.

>> Kỳ trước
>> Sở Y tế Hà Nội thừa nhận nước của hai nhà máy nhiễm amoni

Trao đổi của ông Trần Quốc Hùng, Phó Tổng Giám đốc Cty Kinh doanh Nước sạch Hà Nội với Tiền Phong. 

Ông Hùng cho biết:

Nguồn nước cung cấp hiện nay cho Hà Nội là nước ngầm, ở tầng địa tứ, độ sâu trên 80m nên chất lượng ổn định và sạch. Hiện nay có tổng số 233 giếng đang khai thác, lưu lượng tối đa 580.000m3/ngày đêm.

Thông tin trái chiều về nước máy nhiễm thạch tín ảnh 1
Ông Trần Quốc Hùng

Lưu lượng khai thác nằm trong giới hạn cho phép của Cục Quản lý Tài nguyên Nước. Việc nhiễm thạch tín, amoni ở các giếng nước Hà Nội là không có.

Dây chuyển sản xuất nước sạch của Hà Nội hiện nay là dây chuyền xử lý nước ngầm.

Thưa ông, nước máy của Cty sau khi xử lý có loại trừ được hoàn toàn thạch tín và amoni không? Công nghệ xử lý nước đang áp dụng là công nghệ gì?

Cty hiện có phòng quản lý chất lượng. Phòng này ngoài việc đánh giá chất lượng nước hàng ngày, hàng tuần, còn phối hợp với Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội thực hiện kiểm tra thường xuyên các chỉ tiêu cấp A như sắt, mangan, độ đục, hàm lượng cặn, độ pH, nhiễm khuẩn.

Với các chỉ tiêu cấp B như thạch tín, amoni theo quy định được đánh giá hàng năm, Cty phối hợp với các trung tâm có năng lực kiểm tra phân tích. Tôi khẳng định, sản xuất và cung cấp nước sạch trên địa bàn thủ đô đảm bảo tiêu chuẩn của Bộ Y tế.

Về dây chuyền sản xuất nước, chúng tôi có các chương trình hợp tác với nhiều nước như với Phần Lan, Nhật Bản… Trong quá trình đó, các giếng nước được cải tạo, nâng cấp theo tiêu chuẩn của nước bạn. Như vậy, có thể nói, toàn bộ dây chuyền xử lý nước ngầm của Hà Nội đã áp dụng công nghệ tiên tiến.

Nhưng đó là công nghệ của các nước không gặp phải vấn đề thạch tín trong nước?

Kinh nghiệm xử lý nước sạch cho thấy, không phải các nước có thạch tín mới có kinh nghiệm xử lý thạch tín mà dây chuyền công nghệ xử lý nước nói chung phải đưa đến tiêu chuẩn nước sạch của thế giới.

Tiêu chuẩn Việt Nam áp dụng hiện nay tương đồng tiêu chuẩn do WHO trong cấp nước. Do vậy, việc ứng dụng dây chuyền sản xuất nào cũng phải tiến tới đáp ứng tiêu chuẩn cấp nước.

Việc dây chuyền công nghệ như thế nào phụ thuộc hoàn toàn chất lượng nước nguồn. Hà Nội khai thác nước ngầm ở tầng địa chất như trên thì nhiễm thạch tín và amoni là không có.

Công ty Kinh doanh Nước sạch thường thuê đơn vị nào phân tích chỉ tiêu thạch tín?

Theo tìm hiểu của chúng tôi, phòng thí nghiệm của Cty Tư vấn Môi trường nước Việt Nam không nằm trong hệ thống các phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn Việt Nam. Do đó kết quả đo kiểm của công ty này chưa được Nhà nước công nhận.

Theo bà Trần Thị Huệ, Trưởng phòng Quản lý Quy hoạch & Khai thác Tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên & Môi trường), kết quả đề án giảm thiểu tác hại của thạch tín trong nguồn nước sinh hoạt Việt Nam (2007 – 2008) không phải là đưa ra khuyến cáo những vùng nào có khả năng nhiễm thạch tín, mà là chỉ ra những vùng nhiễm thạch tín nặng, trong đó có nhiều vùng của Hà Nội.

Cũng theo bà Huệ, các công ty kinh doanh nước được tự công bố chất lượng nước. Những công ty này thường hợp đồng với một số đơn vị có thiết bị đo kiểm để phân tích mẫu nước. Việc này không đảm bảo khách quan trong quản lý chất lượng nước. Do đó, cần thành lập đoàn thanh tra liên ngành về chất lượng nước hoặc kiểm tra chéo.

Để phân tích được thạch tín phải đảm bảo về máy móc thiết bị. Kết quả phân tích phụ thuộc nhiều vào máy móc, con người, môi trường phân tích cũng như đánh giá kết quả phân tích. Chúng tôi thường phối hợp với Cty Tư vấn Môi trường nước Việt Nam.

Kết quả phân tích tháng 12/2008, cho thấy chất lượng nước toàn phần của các nhà máy đều nằm trong tiêu chuẩn cấp nước an toàn do Bộ Y tế ban hành.

Cục Quản lý Tài nguyên Nước cho hay nhiều vùng của Hà Nội nhiễm thạch tín, amoni cao, quan điểm của ông ra sao?

Cục Quản lý Tài nguyên nước tiến hành khảo sát và chỉ đưa khuyến cáo thôi. Ví dụ phía Nam đồng bằng Bắc bộ. Tại các khu vực đó, có hiện tượng khai thác quá giới hạn cho phép. Cục có khuyến cáo những khu vực có khả năng nhiễm thì nên hạn chế hoặc chuyển đổi hình thức khai thác.

Các nhà khoa học cho rằng, công nghệ của các nhà máy nước hiện nay cũ, chủ yếu xử lý sắt không kiểm soát được thạch tín, ông có đồng tình nhận định này?

Tôi khẳng định là kiểm soát được thạch tín do căn cứ vào chất lượng nước nguồn kiểm tra hàng năm. Về mặt công nghệ, công nghệ xử lý thạch tín hiện nay cũng chỉ dùng ôxit sắt hoặc cho thêm hàm lượng sắt vào trong giếng khoan tại chỗ.

Ngoài ra có thể sử dụng ngay vật liệu lọc đã thải ra để lọc lần hai do vật liệu này đã được bọc một lớp oxit sắt. Cũng có thể giảm thạch tín bằng cách điều chỉnh tốc độ lọc, chẳng hạn dây chuyền 30.000m3 hạ xuống 20.000m3. Đương nhiên quá trình khai thác đó được xử lý một cách chủ đích.

Trong công tác đại tu hàng năm, chúng tôi thường thay thế vật liệu lọc để tăng hiệu quả xử lý. Hiện nay một số nhà máy sử dụng vật liệu lọc ba lớp hoặc vật liệu lọc có tính hấp phụ cao để thay thế phương pháp truyền thống là sử dụng cát thạch anh, v.v… Sau mỗi lần đại tu đều có đánh giá, rút kinh nghiệm trong nội bộ để xem chất lượng nước có sự cải thiện thế nào.

Cảm ơn ông! 

MỚI - NÓNG