Thủ công đèn giao thông Hà Nội

Dòng người kẹt cứng, đèn tín hiệu “vô dụng” (chụp tại cầu vượt Ngã Tư Sở). Ảnh: Lê Tươi
Dòng người kẹt cứng, đèn tín hiệu “vô dụng” (chụp tại cầu vượt Ngã Tư Sở). Ảnh: Lê Tươi
TP - Phần lớn đèn tín hiệu giao thông Hà Nội hoạt động đơn lẻ, xanh hay đỏ dựa vào tính toán thủ công; nhiều chủng loại đèn, lại hay hỏng vặt. Thực trạng này làm chậm tốc độ toàn mạng lưới, tăng phát thải, hỗn loạn và gián tiếp gây tai nạn giao thông.

Ùn ứ, nghẹt khói và tai nạn

TS. Phạm Hồng Quang, Giám đốc Trung tâm Tin học và tính toán (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) nhiều năm nghiên cứu về tín hiệu giao thông Hà Nội đánh giá: Điểm yếu lớn nhất của hệ thống đèn giao thông Hà Nội (và cả nước) là không được điều khiển tối ưu theo mạng. 

Do vậy, đường phố thường xuất hiện các “làn sóng đỏ” với thời gian chờ đèn của toàn mạng cao, sinh ra ùn tắc, lãng phí thời gian toàn xã hội, ô nhiễm khói xe, tai nạn do rối loạn giao thông.

Để đối sánh với đánh giá của TS Quang, PV Tiền Phong thử nghiệm tại nhiều tuyến đường vào giờ thấp điểm (không ùn tắc) cho thấy, di chuyển bằng xe máy ở nội đô chỉ đạt được tốc độ trung bình của xe đạp (15-20 km/h). 

Dọc đường Trần Hưng Đạo, nhóm PV Tiền Phong vượt qua 10 cột đèn, trung bình gặp đèn đỏ khoảng 5-8 lần. Tổng thời gian di chuyển trên tuyến này (chỉ 2 km) mất 6-9 phút.

Tại các khu vực khác, không ít đèn giao thông hoạt động trái khoáy. Điển hình, tại đường Tô Hiệu, có hai cụm đèn cách nhau 100m, nhưng chế độ xanh được đặt 11 giây, chỉ đủ vài chiếc ô tô đi qua, bất kể phương tiện ít hay nhiều. Hiện tượng cột đèn bị cành cây che khuất, tất cả các hướng đều xanh, đỏ hoặc tắt hẳn (đặc biệt là ngày mưa) không hiếm.

Không chỉ làm giảm tốc độ, ùn ứ, TS Quang đưa ra các dẫn chứng cho thấy, tai nạn sẽ xảy ra nếu đèn giao thông không được xử lý tốt. Vào đầu năm 2011, nút giao Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi được gọi là “vòng xoáy tử thần” vì va quệt thường xuyên xảy ra, nhiều xe máy bị cuốn vào gầm xe tải.

Đến tháng 5/2011, sau nhiều lần kiến nghị không thành, TS Quang tự bỏ tiền để “phá” vòng xoay (có xin phép cơ quan chức năng) này thành 4 nút giao, lắp đèn tín hiệu điều khiển theo phương thức “làn sóng xanh”. Nhờ vậy, tại điểm “đen” này, tai nạn do bất hợp lý trong tổ chức giao thông hầu như không còn.

Không ít ý kiến cho rằng, sự phi lý của hệ thống đèn giao thông ở Thủ đô lại xuất hiện vào ban đêm. Dù đường vắng phương tiện, nhưng nhiều tuyến vẫn cài chế độ đỏ, người đi xe phải dừng, tốn thời gian. 

“Một điều hết sức lạ là tại những điểm có chế độ đỏ vào đêm khuya rất hay có cảnh sát cơ động đứng. Dừng thì thấy vô tác dụng mà không dừng kiểu gì cũng bị phạt”– anh Hồ Quang Tuấn (Sài Đồng – Long Biên) nói.

Thông minh ... một nửa

Hiện nay, toàn TP Hà Nội có khoảng 260 cụm đèn tín hiệu giao thông. Trong đó, các cụm đèn ở thị xã Sơn Tây được tổ chức quản lý riêng. Tất cả đèn nội thành, huyện thị khác nằm dưới sự điều hành của Đội điều khiển đèn tín hiệu giao thông, Phòng CSGT Hà Nội (248 đèn).

Thiếu tá Phạm Quang Minh, Phó Đội trưởng đội này cho biết: Trong tổng số cụm đèn trên chỉ có 90 cụm được kết nối với nhau, điều khiển bằng máy tính. Việc kết nối 90 đèn này được triển khai từ năm 2000 thông qua dự án do Pháp tài trợ. Tất cả các đèn hình thành sau đó đều hoạt động độc lập, chế độ xanh - đỏ theo một chu kỳ cố định ngày này qua ngày khác.

Theo thiếu tá Minh, các đèn tín hiệu được kết nối với nhau cũng hoạt động một cách thủ công, chưa thông minh. Ở các nước, lưu lượng, tốc độ phương tiện được đếm bằng các cảm biến đặt dưới đường và tối ưu hoá toàn mạng bằng phần mềm. Còn ở Hà Nội, việc đếm phương tiện được thực hiện thông qua quan sát thực địa hoặc theo dõi qua camera rồi dựa theo kinh nghiệm để đặt chế độ cho đèn. 

Ngoài ra, dây nối thi thoảng vẫn bị đứt (chủ yếu do đào đường) khiến mạng bị lỗi. Với các đèn xa trung tâm, khi bị hỏng, chập chờn, cán bộ của đội phải đi xa hàng chục km, khắc phục dưới trời mưa, nguy hiểm, có khi hết một ngày.

Thiếu tá Minh cho biết, một dự án trị giá khoảng 200 tỷ đồng để nâng cấp hệ thống tín hiệu đang chuẩn bị triển khai. Mục tiêu là kết nối tất cả hệ thống đèn; các đèn ở xa sẽ sử dụng công nghệ kết nối không dây thông qua sóng di động. Trên các cột đèn sẽ được gắn camera để theo dõi dòng xe (và cả phạt nguội qua hình ảnh). Bước thứ 3 là xây dựng trung tâm phân tích và điều hành tối ưu hoá mạng lưới để tạo ra các “làn sóng xanh”.

Trả lời câu hỏi của Tiền Phong về việc, đường phố Thủ đô liên tục mở mới, phát sinh đèn tín hiệu, nếu cứ đợi có dự án mới khớp nối, toàn hệ thống sẽ bị xé lẻ? Thiếu tá Minh cho biết, sau dự án (dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2014) sẽ xây dựng cả quy trình để tích hợp, đồng bộ các đèn phát sinh.

Về tổng thể, TS Quang cho rằng, cần rút kinh nghiệm về việc mua sắm cột đèn của nhiều hãng khác nhau (chủ yếu nhập khẩu) dẫn đến tình trạng xôi đỗ về hình thức, “lệch pha” về cách thức điều khiển. “Đèn tín hiệu không phải là công nghệ cao, để tránh tốn kém, có thể đặt mua từ các doanh nghiệp trong nước” – TS Quang nói.

“Đèn tín hiệu là thiết bị điều tiết giao thông tự động, thay thế CSGT. Nhưng ở ta lại ngược lại: tại cột đèn tín hiệu thường có nhiều CSGT nhất. Vì vậy cần xem xét lại hiệu quả của hệ thống đèn và cách thức bố trí lực lượng CSGT” - một chuyên gia thuộc Ủy ban ATGT Quốc gia nói.

MỚI - NÓNG